Giải mã 3 hành vi khó hiểu của bé lên 2 (P2)

GiangC,
Chia sẻ

Thêm 3 tình huống bé muốn bộc lộ những suy nghĩ thầm kín trong lòng, nếu không để ý thì cha mẹ khó mà hiểu được nguyên nhân sâu xa của những hành vi ấy.

1. Bé nắm thức ăn, bẻ gãy đồ chơi với vẻ tức giận

Nghĩa là:“Con không thích mấy thứ này”.

Ít cha mẹ nào giữ được bình tĩnh khi thấy bé cư xử “thô lỗ” đến như vậy.

Tuy nhiên, xét nguyên nhân sâu xa thì đây chỉ là phản ứng tức thời của bé đồng thời là dấu hiệu cho thấy bé muốn chứng tỏ cái tôi của mình. Bé có thái độ rõ ràng hơn với những điều bé thích hoặc không thích.

Ngoài ra, hành động ném thức ăn, quăng đồ chơi còn bộc lộ những cảm xúc bên trong của bé như “Con đang buồn lắm”, “Con mệt mỏi” hoặc “Con cần mẹ quan tâm hơn”…

Giải mã 3 hành vi khó hiểu của bé lên 2 (P2) 1

Hướng dẫn dành cho cha mẹ: Bạn nên tìm ra lý do chính xác về cách hành xử này ở bé. Nếu bé buồn, bạn có thể tìm một trò vui vè khác và gợi ý để hai mẹ con cùng tham gia.

Bạn nên chỉ cho bé thấy rằng, có rất nhiều cách để chia sẻ cảm xúc thay vì hành động ném đồ như vậy. Tốt nhất, bạn nên nhanh chóng thu dọn đồ chơi hoặc thức ăn trước mặt bé. Sau đó, bạn có thể bình tĩnh hỏi chuyện bé.

2. Bé òa khóc khi bạn mang món bánh ngọt bé ưa thích tới

Nghĩa là: “Con phải chờ lâu quá đấy”.

Thiếu kiên nhẫn và nóng nảy cũng là nhóm tính cách phổ biến với nhiều bé. Bé đòi ăn và muốn được bạn đáp ứng ngay lập tức. Khi phải chờ lâu, bé sẽ nảy sinh phản ứng tiêu cực và biểu hiện cảm xúc tủi thân, òa khóc khi bạn mang đồ ăn chậm. Tính xấu này ở bé xuất hiện nhiều trong giai đoạn 2-7 tuổi.

Giải mã 3 hành vi khó hiểu của bé lên 2 (P2) 2

Hướng dẫn dành cho cha mẹ: Bạn nên xây dựng đức tính kiên nhẫn cho bé bằng cách hạn chế tình huống đáp ứng nhanh yêu cầu của bé. Nếu bé kêu đói, bạn nên thuyết phục bé đi rửa tay, ngồi vào bàn hoặc cùng bạn dọn bữa tối. Nếu bé hối thúc, bạn nên kiên trì, nói với bé rằng, bạn rất hiểu là bé đang muốn ăn nhưng bé buộc lòng phải đợi khoảng 10 phút.

3. Bé gào lớn "Mẹ của con chứ" khi thấy bé khác tiến gần lại bạn

Nghĩa là: “Con chỉ muốn mẹ yêu mình con thôi”.

Cử chỉ này xảy ra khi bé lo sợ có một bé khác sẽ “cướp” mất bạn; khi bạn mải mê làm việc mà có ít thời gian quan tâm đến bé hoặc khi nhà bạn chào đón những vị khách nhí đặc biệt (là họ hàng của gia đình)…

Hành động này thường xảy ra với bé 2-3 tuổi do bé chưa kiềm chế được cái tôi ích kỷ của bé đồng thời bé cũng ít có cơ hội để tách ra khỏi cái bóng của mẹ. Ở độ tuổi này, bé cũng rất ghét phải chia sẻ đồ chơi cho các bạn chơi hoặc giận dữ nếu có ai đó giả vờ mượn mũ hoặc mượn đồ vật thuộc sở hữu của bé. Bé sẽ nhanh tay giành lại và luôn miệng nói: “Của con chứ”.

Hướng dẫn dành cho cha mẹ: Bạn có thể chỉ cho bé thấy đây là chị em họ hoặc bạn thân của bé. Tiếp đến, bạn cùng ôm hai bé vào lòng và gợi ý để các bé làm quen với nhau một cách thân thiện.



Chia sẻ