Gia đình - môi trường học tập đầu tiên của trẻ

,
Chia sẻ

Sự phát triển của mỗi đứa trẻ không phải đã được lập trình hay mã hóa sẵn trong gen, nó diễn ra không đồng đều, tốc độ không giống nhau và phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ kịp thời của người lớn.

Môi trường sống đầu tiên với trẻ mầm non trước hết là cha mẹ, gia đình, nhóm trẻ cùng chơi, lớp học mầm non.

Vậy ngay từ tuổi mầm non, trẻ cần phải được dạy như thế nào? Cha mẹ có thể làm gì để sớm kích hoạt các khả năng trí tuệ tiềm ẩn, nuôi dưỡng, phát triển tài năng của con cái?

1. Hãy dạy trẻ biết cách suy nghĩ, tư duy hiệu quả

Trẻ được 3 tuổi, não bộ đã có sự phát triển vượt bậc. Cho đến trước 3 tuổi, việc giáo dục chủ yếu tập trung vào việc dạy trẻ quan sát, ghi nhớ là chủ yếu, song từ 3 tuổi trở đi cần phải chuyển dần sang giáo dục tư duy cho trẻ, tức là cách dạy khuyến khích trẻ phải tự suy nghĩ.

Trẻ càng chơi trò chơi đòi hỏi tư duy nhiều càng có cơ hội phát triển tư duy tốt hơn, chỉ số thông minh cũng cao hơn. Vì vậy, đồ chơi thích hợp cho trẻ ở độ tuổi này là những trò chơi đòi hỏi sự vận dụng đầu óc để trẻ tự suy nghĩ, tưởng tượng, tự lắp ráp, sáng tạo ra những cách chơi, cách khám phá mới, tạo ra đồ vật mới. Cùng với khả năng tư duy, thời kỳ này kĩ năng vận động tinh thần của trẻ cũng phát triển vượt bậc.

Các cô giáo, các bậc cha mẹ nên cố gắng hết mức có thể, thông qua các tình huống, nhiệm vụ, kích hoạt để trẻ sử dụng đầu ngón tay vào những việc cần thao tác tỉ mỉ, càng nhiều càng tốt.

Ví dụ như cho trẻ sử dụng dao, kéo, cắt dán, chơi gấp giấy, đan dây... Sự khéo léo của các ngón tay có thể sánh được với mức độ thông minh của trẻ. Chính sự khéo léo này hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển khả năng quan sát, mô hình hóa.

Thời kỳ này, nên cho trẻ đạp xe 3 bánh, đu xà đơn, vẽ tranh, đánh đàn piano, chơi bàn tính gẩy hạt, xếp que tính, các trò chơi suy luận nhân quả...

2. Trợ giúp và khuyến khích trẻ tích cực trải nghiệm

3 tuổi là thời kỳ tự lập. Khả năng tự suy nghĩ đã hình thành, trước đây trẻ vẫn bám dính lấy mẹ nhưng giờ đột nhiên trở nên tự lập hơn, bước đầu có suy nghĩ của riêng mình.

Tính tự lập hình thành dần dần, ban đầu là tự lập một phần, rồi một nửa... lúc rời mẹ, lúc quay lại trông chờ sự giúp đỡ hoặc sự đồng ý của mẹ, cứ lặp đi lặp lại như vậy.

Việc người mẹ không làm hộ mà động viên, cổ vũ để trẻ tự làm, chỉ trợ giúp trẻ khi thật cần thiết ở giai đoạn tự lập này là rất quan trọng.

3. Để trẻ tự chơi sẽ có tác hại?

Có người cho rằng không nên dạy trẻ sớm, hãy để cho trẻ chơi và phát triển tự nhiên. Đây là quan điểm sai lầm. Các bậc cha mẹ cần biết rằng, nếu cứ để cho trẻ chơi rông, rồi một lúc nào đó mới bắt ép trẻ phải theo bài bản thì sẽ gây tác hại đến não bộ của trẻ đang phát triển.

Theo các nhà khoa học, tốc độ phát triển của não nhanh hơn mức ta tưởng rất nhiều. Đến 3 tuổi thì não đã hoàn chỉnh đến 60%, đến 6 tuổi là 80%. Lúc này não đã cơ bản hoàn thành, việc làm thay đổi đường hằn trên não bộ, hay nâng cao chất lượng của não đều khó khăn hơn.

Như vậy lúc trẻ 2 – 3 tuổi lại là thời kỳ thích hợp nhất cho việc làm quen với các kỹ năng vận động tinh, ghi nhớ, phát triển ngôn ngữ... Nếu cho trẻ học tập những kỹ năng này trong độ tuổi 2 – 4 tuổi, não sẽ có phản ứng tốt với việc học, khắc sâu vào não, nâng cao chất lượng của tế bào thần kinh.

Theo các chuyên gia, trước khi trẻ 1 tuổi đã có thể học qua quan sát, lắng nghe, bắt trước. Thời kỳ từ 1 – 3 tuổi là thời ky “toi ưu” nếu được giáo dục đúng đắn, não có thể phát triển với tố chất “thiên tài”. Thời kỳ từ 3 – 6 tuổi là thời kỳ tiếp nối, có thể nâng cao đáng kể chất lượng não bộ nếu trẻ được giáo dục thích hợp.

Nhiều khi cha mẹ chỉ để cho con thích chơi gì thì chơi, hoặc chẳng làm gì cả cứ để thời gian trôi qua vô bổ. Vậy là bỏ qua các thời kỳ tối tưu cho sự phát triển các năng lực trí tuệ ở thời kỳ này và sẽ phải trả giá đắt khi trẻ lớn lên.

Các phụ huynh cần nhớ rằng, đối với trẻ ở tuổi mầm non, càng khen ngợi, nhìn nhận việc làm của trẻ là có giá trị, càng khuyến khích trẻ cố gắng chính là cách giáo dục trẻ tích cực nhất, giúp trẻ lớn khôn, lanh lợi.

Bố mẹ ít khen, hay chê bai, phàn nàn, con cái của họ thường có tinh thần không ổn định, tính cách bất thường, phát sinh nhiều vấn đề về hành vi, kém thích nghi trong cuộc sống.

 
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Công Khanh  
TGPN
Chia sẻ