Gặp người mẹ với hành trình hơn 1.000 ngày tìm lại ngôn ngữ cho con

Lê Bảo,
Chia sẻ

Con gái bị điếc bẩm sinh vì lúc mang thai chị Hạnh mắc bệnh Rubella khiến chị sụp đổ khi nghĩ đến tương lai của con. Sau 4 năm đấu tranh, giành giật tìm lại ngôn ngữ cho con, giờ là lúc chị đã có thể mỉm cười hạnh phúc.

Cả trăm đêm thức trắng vì con

Ít ai nghĩ rằng một cháu bé bị điếc bẩm sinh lại có thể vui đùa, ca hát, nói và hát tiếng Anh lưu loát. Để làm được điều đó là cả một hành trình dài đầy nước mắt của chị Hạnh – một bà mẹ nuôi con khuyết tật.

Chị Lê Thị Hạnh (sinh năm 1981, trú tại Trung Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đã trải qua những ngày tháng vô cùng vất vả, khổ tâm cũng như bao đêm thức trắng để tìm lại ngôn ngữ cho đứa con gái bé bỏng của mình.

Gặp người mẹ với hành trình hơn 1.000 ngày tìm lại ngôn ngữ cho con 1
Sau hành trình hơn 1000 ngày tìm ngôn ngữ cho con đã thành công, hai mẹ con chị Hạnh vui đùa bên nhau.

Ngày 22/12/2010 chị Hạnh sinh con và đặt cho bé một cái tên thật đẹp: Hà Linh. Hà Linh sinh ra là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ, ai cũng biết với chị Hạnh đó không chỉ là niềm hạnh phúc đơn thuần mà dường như Hà Linh là cả thế giới của người mẹ sống và phấn đấu vì đứa con bé bỏng của mình.

Nhớ lại những ngày đầu ôm con trong lòng, chị Hạnh cho hay: “Con sinh ra xinh xắn và đáng yêu như bao đứa trẻ khác, với tôi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. Nếu ai trải qua giai đoạn những ngày đầu nuôi con, nhìn con yêu ngủ ngoan trong vòng tay sẽ hiểu được cảm giác đó hạnh phúc đến như thế nào”.

Gặp người mẹ với hành trình hơn 1.000 ngày tìm lại ngôn ngữ cho con 2
Gương mặt thiên thần của em luôn sống trong lòng chị Hạnh, với chị, Hà Linh là cả thế giới.

Thế nhưng, đến tháng thứ 4, chị Hạnh nhận thấy Hà Linh có những biểu hiện không được bình thường, phản ứng khá chậm chạp với những âm thanh, hành động mà chị làm cho bé. Chị Hạnh liền mang Hà Linh đến bệnh viện kiểm tra thì không ngờ Hà Linh bị điếc bẩm sinh.

Trong nhật ký viết cho con gái về những ngày ấy, có đoạn: “Cho đến bây giờ mẹ vẫn nhớ như in buổi chiều hôm ấy, khi nhìn vào kết quả đo thính lực của con mẹ đã khóc như mưa khi cô bác sĩ thông báo kết quả. Đêm về, nhìn thiên thần của mẹ thiêm thiếp ngủ mà không hề hay biết về nỗi bất hạnh mà con đang phải gánh chịu. Mẹ có cảm giác có cái gì đó cứ cứa vào tim mình nhói buốt, trong giấc ngủ mẹ thảng thốt giật mình, nước mắt mẹ rơi hàng đêm”.

Gặp người mẹ với hành trình hơn 1.000 ngày tìm lại ngôn ngữ cho con 3
Ở trường mầm non, Hà Linh hòa nhập cùng bạn bè trang lứa.

Buồn và tủi thân vô cùng nhưng trong suy nghĩ của bản thân tôi luôn mong muốn con mình nghe được, được vui đùa, cười nói như bao đứa trẻ thông thường khác chứ nếu cháu cứ bị điếc thì lớn lên cũng chẳng thể nói được và khó hòa nhập cộng đồng”, chị Hạnh nghẹn ngào nhớ lại.

Cứ thế những đêm thức trắng khiến người mẹ ngoài 30 ngày càng tiều tụy, héo úa từ ngày này qua ngày khác, bởi cứ đêm xuống chị chỉ biết ngắm nhìn thiên thần của mình và… khóc!

Hành trình hơn 1.000 ngày mong một phép màu

Sau nhiều đêm thức trắng, chị Hạnh quyết định lên mạng tìm hiểu những thông tin về bệnh điếc bẩm sinh đối với trẻ nhỏ. Tất cả mọi việc khác chị đều gạt sang một bên để dành toàn bộ thời gian cho con gái bé bỏng của mình.

Và chị biết được rằng, nếu cứ để con gái mình lớn lên với đôi tai như thế thì chắc chắn sẽ bị khiếm khuyết và thiệt thòi rất nhiều. Đôi tai không nghe được đồng nghĩa với những phản ứng đầu đời không có, không thể gọi “mẹ, mẹ” hay “bà, bà” như bao đứa trẻ khác.

Gặp người mẹ với hành trình hơn 1.000 ngày tìm lại ngôn ngữ cho con 4
Giờ đây với chị Hạnh chỉ còn là niềm vui, những đêm thức trắng chỉ còn là kỷ niệm.

Thế là chị quyết định mua lại cho con gái mình một chiếc tai trợ thính và con gái bắt đầu nhận biết được những cử chỉ, tín hiệu và phản ứng lại một cách tích cực. Trong một lần đem câu chuyện của mình chia sẻ trên một diễn đàn thì chị được một số thành viên là bác sĩ khuyên rằng chị nên mổ cấy ghép một thiết bị đặc biệt cho em.

Chị Hạnh đã xoay sở bằng mọi cách để có đủ số tiền 600 triệu đồng phẫu thuật cấy ghép thiết bị cho con gái khi con được 15 tháng tuổi.

Nhưng khó khăn hơn cả là số tiền 600 trăm triệu đồng để thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép không phải là nhỏ: “Số tiền phẫu thuật không hề nhỏ mà phải nói là rất lớn với mẹ nhưng hơn ai hết, mẹ muốn được trả khoản tiền ấy, chỉ mong con gái có thể nghe được. Cũng như những bé khác, thời gian đầu sau khi bật máy, em thường khóc và dựt máy ra. Em là một đứa trẻ bướng bỉnh, có cá tính và em cũng không hợp tác với những tiết học trị liệu ngôn ngữ ở lớp”, trích nhật ký chị Hạnh.

Hà Linh hát khá lưu loát  trong một buổi biểu diễn ở trường học.

Sau khi phẫu thuật xong, thật vui mừng khi 3 tháng sau Hà Linh nói được khoảng 20 từ, lúc em tròn 2 tuổi nói khoảng được 300 từ. Chính điều đó đã khiến chị Hạnh vô cùng hạnh phúc, chị tiếp tục dạy con gái mình cách ghép câu, nghe đọc và trò chuyện cùng con gái mình hàng ngày, hàng giờ.

Nhớ lại những kỷ niệm đẫm nước mắt chị kể: “Vẫn nhớ như in lần đầu tiên lúc bế Hà Linh xuống cầu thang, bỗng nhiên con gái nói “a” làm tôi vô cùng bất ngờ và không khỏi mừng vui, vui mừng đến phát khóc. Lần đó tôi cho con chơi tàu bay giấy chợt dừng lại nói “u” với mẹ rồi lại chạy đi chơi tiếp. Tất cả những điều đó tôi chẳng thể nào quên được trong tâm trí”.

Không chỉ thế, trong nhật ký có đoạn: “Mẹ đã chuẩn bị rất nhiều đồ chơi để mỗi lần con đòi ra khỏi ghế là mẹ lại mang đồ chơi mới. Thời lượng mẹ dạy con học qua những đồ chơi cũng tăng dần từ 5 phút, 10 phút rồi nửa tiếng. Đồ chơi của con nhiều khi chỉ là một con ong nhựa bị đứt cánh nhưng lại biết rúc vào tai em nói ù ù rồi lại bay lên bay xuống, hay chiếc ô tô nhỏ lên xuống dốc bằng một quyển sách hoặc là con mèo kêu meo meo trong chiếc hộp giấy bí mật…”.

Ngày Hà Linh gọi tiếng “mẹ, mẹ” khiến chị khóc òa, chị ôm Hà Linh vào lòng khóc như chưa bao giờ được khóc, hai mẹ con ôm nhau trong căn phòng rực sắc màu... Với chị Hạnh thì dường như đó là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Và cũng hình như từ rất lâu rồi chị mới khóc và cười trong niềm vui và hạnh phúc biết bao.

Hiện tại, Hà Linh đã 3,5 tuổi có thể hát nhiều bài hát tiếng Việt cũng như tiếng Anh. Trong giây phút hạnh phúc nhất khi nhớ lại thời gian qua, chị nghẹn ngào nói: “Hà Linh là cuộc sống của tôi nên bằng mọi cách tôi phải mang lại cho cháu những điều bình thường nhất của một đứa trẻ được sống, vui chơi, học tập, lớn lên và có ích cho xã hội”.

Đánh giá về khả năng phát triển của bé Hà Linh, chị Nguyễn Lan Anh (chuyên viên về thính giác) cho biết: “Cháu Hà Linh hiện tại phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, bình thường nếu một đứa trẻ bị điếc bẩm sinh sẽ bị khiếm khuyết nhiều thứ nhưng nhờ sự giáo dục đúng phương pháp của mẹ mà đã giúp cháu được như những đứa trẻ bình thường. Theo cá nhân tôi đánh giá, đó là điều tuyệt vời”.

Chia sẻ