Được nghỉ Tết: Con mừng, mẹ lo

Đinh Liên,
Chia sẻ

Bé Bi đi học mẫu giáo về hớn hở: “Tết này con được nghỉ học sớm, mẹ nhớ đưa con đi chơi nhé”. Vợ chồng chị Hạnh nhìn nhau thở dài: “Con nghỉ sớm, ai trông con bây giờ?”.

Con nghỉ Tết sớm, mẹ vã mồ hôi xoay sở

Từ vài tuần nay, việc nghỉ Tết của các con luôn trở thành đề tài nóng của các bậc phụ huynh trong công sở. Vốn tất bật với hàng núi việc trước và sau Tết, nhiều ông bố, bà mẹ băn khoăn không biết sẽ gửi con ở đâu trong những ngày áp Tết.
 
Không biết gửi con ở đâu là nỗi lo của nhiều ông bố, bà mẹ ngày áp tết

Chồng quản lý công ty riêng đi tối ngày, chị Xuân (mẹ bé Bi) lại làm trong một công ty du lịch. Công việc thường bận rộn cho đến tận Tết, có những năm vợ chồng chị chẳng được ăn một cái tết Nguyên đán trọn vẹn. “Nhà không có người giúp việc, chúng tôi vốn xem trường mầm non là nơi “cứu cánh” để cả hai có thời gian làm việc. Năm ngoái, cả tuần lễ trước Tết cu Bi đều ở nhà, tôi không biết phải xoay sở ra sao”, chị Xuân than khó.

Lịch nghỉ Tết của cơ quan chị Hạ bắt đầu từ ngày 29 Tết âm lịch, và bắt đầu đi làm vào mùng 4 Tết âm lịch. Mấy ngày nay chị đau đầu nghĩ các “phương án” khi hai nhóc con bắt đầu được nghỉ Tết: “Hai cháu nhà tôi thường được nghỉ Tết sớm, lại kéo dài sau Tết nữa. Tôi không biết phải làm như thế nào vì hai nhóc con rất nghịch, lại biếng ăn. Để các con ở nhà thì tôi không yên tâm chút nào, gửi con thì biết gửi ở đâu cận Tết. Mà công việc tại cơ quan tôi cuối năm bận rộn quá, chẳng có phút nào được thảnh thơi”.

Mọi năm, chị đều phải nhờ bà ngoại từ trong miền Trung ra trông con giúp, mời bà ở lại ăn Tết luôn với hai vợ chồng. “Nhưng năm trước, nói mãi cụ mới đồng ý. Ở qua Tết thấy cụ buồn buồn, cũng thấy tội quá”, chị nói.

Tâm sự của hai bà mẹ cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh trong những ngày nghỉ Tết sắp tới. Việc gửi con ở đâu, trông con như thế nào… cũng là vấn đề nan giải với các chị em công sở.

Bi hài chuyện trông con ngày Tết

Gia đình chị Lan sau khi đã tính toán mọi cách, đành phải lên kế hoạch đưa cả hai nhóc về quê với bà: “Biết bà già yếu và chắc chắn đứa nhỏ 3 tuổi sẽ khóc khi xa bố mẹ nhưng không còn cách nào khác bởi hai vợ chồng ai cũng phải quần quật làm cho đến ngày 29 tháng Chạp và sau Tết lại phải đi làm ngay từ mùng 4”.
 
Đưa con tới chỗ làm là hạ sách của nhiều bậc phụ huynh

Việc gửi con tạm ở nhà hàng xóm cũng là cách mà một vài phụ huynh từng áp dụng, tuy nhiên “nếu con nhà mình quá hiếu động thì việc căn dặn con để không làm mất lòng láng giềng là điều hết sức cần thiết”, chị Lan cho hay.

Nhớ lại những ngày Tết năm ngoái, chị Thanh vẫn đùa mình trở thành “người giữ trẻ công sở” bởi: “Một đồng nghiệp nam trong công ty đi làm, kiêm thêm nhóc con 22 tháng tuổi. Cám cảnh nhà đồng nghiệp cô osin về quê, vợ đang mang thai đứa thứ hai, đứa đầu bố chở đến công ty mắt nhắm mắt mở, mình nhận phụ đồng nghiệp lo cho nhóc ăn nghỉ”.

Nhưng chính chị cũng đang lo không biết sẽ xoay xở thế nào: “Bà nội về quê, mùng 8 mới vào. Mình thì mùng 5 phải đi làm rồi. Một cô osin coi hai đứa thì không xuể”, chị Thanh cho biết.

Trước tình hình đó, chị phải tốn thêm 1 triệu đồng để “nịnh” cô giúp việc ở lại dịp Tết, lì xì thêm 50 - 100.000 đồng. Ngoài ra còn phải sắm thêm cho hai bộ quần áo mới. “Tốn gần 2 triệu đồng, mất 1/3 số tiền thưởng Tết, chị than thở.
 
Không có người trông con, giáp Tết nhiều bà mẹ phải đưa con đến công sở.
Vừa trông con, vừa tập trung làm việc khiến nhiều bà mẹ chỉ biết than trời

Hiện nay, trong những ngày áp Tết, nhiều nhóm giữ trẻ đã được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh. Nhóm giữ trẻ gia đình nhận giữ trẻ với giá thỏa thuận từ 50.000 – 120.000 đồng/ngày. Việc gửi trẻ ở nhiều nhóm trẻ tư cũng khiến nhiều bậc phụ huỵnh không yên tâm. “Nếu bí quá tôi mới gửi, mà nếu có gửi cũng phải hỏi người quen biết. Trước đây, xem mấy vụ hành hạ các cháu nhỏ tôi cũng thấy lo lắm. Nếu có gửi con cũng phải xem xét thật kĩ”, chị Yến cho hay.

Năm ngoái, gia đình chị cũng nhờ bà nội dưới quê lên trông hai con nhỏ. Bà đã nhiều tuổi, lại yếu mà phải trông hai nhóc. “Cứ khoảng một tiếng đồng hồ tôi lại phải gọi điện hỏi han cụ xem có xảy ra việc gì không? Nếu có việc gì có thể gọi ngay bác hàng xóm bên cạnh. Trông con từ xa kiểu này hồi hộp quá, tôi chẳng làm được việc gì cả”, chị Yến than.

Chia sẻ