Đừng tức giận khi bé cắn mẹ nhé!

Ngọc Lan,
Chia sẻ

Bé ngạc nhiên tại sao khi đưa con gấu bông lên mồm mà bố mẹ lại thi nhau gào lên là "không được". Càng ngạc nhiên hơn nếu mẹ nhảy loạn nhà kêu "đau đau" khi bé thử một miếng ở chân...

"Phát điên" vì bé hay cắn

Hơn 1 tuổi, bé bắt đầu biết nhận thức sự hiện diện của những thứ xung quanh một cách rõ ràng hơn. Bé thích đập thìa vào bát kêu leng keng, quăng đồ chơi đi tứ phía, rồi cười khanh khách mỗi khi có ai đó nhảy “loạn lên” sau những khi bị bé “nhai” một miếng.

Chắc chắn, mẹ bé sẽ ít nhiều phải trải qua một vài lần tình huống. Tưởng như đơn giản nhưng nhiều ông bố bà mẹ cũng phải thốt lên rằng vô cùng khó chịu, stress mỗi khi bị bé “chén” một miếng. 

Chị Ngọc Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Thực sự mệt mỏi với Bí nhà mình, nàng ấy cứ thích cắn hết tay mẹ, chân bố đến cái gối. Mắng không ăn thua. Giờ mình chẳng biết phải làm sao cả”.

Để tìm cách kiểm soát và ngăn chặn việc cắn linh tinh của bé, bạn cần tìm hiểu tại sao bé lại hay cắn?

Vì bé “ngứa răng”

Mọc răng

Đúng, ngứa răng lúc răng chuẩn bị nhú là một trong những nguyên nhân để bé “thử độ sắc” của hàm răng mình. Khi răng chuẩn bị mọc, nướu của bé bị nứt ra khiến bé tức tối, khó chịu và muốn “nhai” bất cứ thứ gì trước mặt, và hành động này khiến bé thỏa mãn cơn… bõ tức. Có thể là chăn màn quần áo, gấu bông, cục nhựa, đồ chơi và đôi khi chính là bạn.

Hòa nhập thế giới theo cách riêng của bé

Trước bé sẽ nhìn, rồi sờ, ngửi... sau một thời gian bé sẽ cắn. Cũng khá logic nhỉ? Bé sau khi đã nhìn ngắm rồi sờ, quăng quật, thì sẽ nhét thử vào mồm xem “nó” ra sao, có gì hấp dẫn không? Bé chắc chắn không muốn làm “nó” đau đâu, chỉ là thử  thôi mà. 

Bé muốn phân biệt xem cái tàu hỏa, gấu bông và tay bố mẹ có độ “mềm dẻo” khác nhau như thế nào?

Đừng tức giận khi bé cắn mẹ nhé! 1

Thích thú thử nghiệm phản ứng

Bé ngạc nhiên tại sao bé đưa con gấu bông lên mồm mà bố mẹ lại thi nhau gào lên là "không được, không được". Càng ngạc nhiên hơn khi mẹ bé nhảy loạn nhà kêu "đau đau" khi bé thử một miếng ở chân...

Gây sự chú ý

Khi bố mẹ đang mải mê làm một cái gì đó, bé đòi bế: mẹ vẫn không quan tâm. Bé ê a, bố mẹ dường như vẫn bận. Bé thích thú khi biết rằng chỉ cần mình cắn một nhát, bố mẹ sẽ dồn con mắt về phía mình. Với bé, thế là đạt được mục đích rồi. 

Bé khó chịu 

Bé ngồi không, quanh mình chẳng có trò gì để chơi. Bé đến một nơi lạ lẫm, chẳng ai quen, chẳng có bạn để chơi, bố mẹ lại ngồi nói chuyện với người khác, bé thực sự thấy lạc lõng và khó chịu. Cắn là hành động thể hiện cảm xúc để giải toả của bé.

Trị bé hay cắn

Đương nhiên để trị thành công được tật này, bạn nên tìm hiểu được nguyên nhân, càng chính xác thì việc trị tật cắn linh tinh của bé càng dễ.

- Nhìn vào họng bé thấy nướu đỏ lựng, bạn có thể mua cho con cái ngậm nướu bằng cao su mềm, mát lạnh. Điều này sẽ khiến bé được dễ chịu. 

- Nếu bé cắn bạn bè cùng chơi để giành đồ chơi thì ngoài việc mua thêm đồ cho con thì bạn nên nói chuyện để bé hiểu cắn bạn vậy là sai. Bạn cần nói để bé có thêm kỹ năng chia sẻ đồ chơi cùng bạn bè. Bố mẹ cũng nên dành nhiều thời gian hơn nữa để dạy con cách chơi cùng bạn bè.

- Nếu con cắn để gây chú ý, bạn hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho con: Ôm con thật lâu, trò chuyện với bé.

Khi bé cắn, bạn cần nghiêm khắc bằng giọng nói và nét mặt biểu lộ cảm xúc không hài lòng để bé hiểu rằng hành động của bé là không nên. 

Nhiều ông bố bà mẹ sai lầm hoàn toàn khi thấy bé cắn mình, cũng cắn lại. Hành động này của bố mẹ càng khiến bé khoái chí và coi đó là một cách hay ho, một trò chơi mới mẻ. Bạn sẽ khiến bé cắn “điên cuồng” hơn đấy. 

Cha mẹ cũng không nên đùa nghịch bằng việc cắn yêu ngón chân, ngón tay của con vì các bé luôn thích bắt chước cha mẹ chúng. 



Cắn là thói quen thường gặp ở bé quanh tuổi lên 1. Bé thích cắn người trong nhà hoặc bất kỳ ai tiếp xúc với bé
Đừng tức giận khi bé cắn mẹ nhé! 2
Chia sẻ