Dùng núm vú giả dễ bị mắc bệnh răng miệng

Nam Hải,
Chia sẻ

Mẹ Kem sinh con ra không có sữa. Vì thế, ngay từ nhỏ, Kem đã quen với núm vú giả. Ngoài trừ lúc ăn, còn đâu lúc nào miệng Kem cũng gắn với núm vú giả.

Núm vú giả lợi thì có lợi

Mẹ Kem sinh con ra không có sữa. Vì thế, ngay từ nhỏ, Kem đã quen với núm vú giả. Ngoài trừ lúc ăn, còn đâu lúc nào miệng Kem cũng gắn với núm vú giả. Đi chơi, đi ngủ đều không rời núm vú giả. Còn mẹ Kem thì cám ơn núm vú giả lắm. Nhờ thế, Kem không quấy khóc, không mút tay, tự ngủ một cách dễ dàng.

Thực tế, núm vú giả được thiết kế bằng chất liệu cao su hoặc nhựa mềm cao cấp, giúp cho bé từ bỏ thói quen mút tay hoặc đưa bất cứ vật dụng, đồ dùng nào khác vào trong miệng. Đây được coi như “vũ khí” hiệu nghiệm giúp bé dễ đi vào giấc ngủ, hoặc dùng núm vú giả để rút ngắn khoảng thời gian cai sữa khó khăn cho bé.

Do núm vú giả đem lại cho bé cảm thấy sự mềm mại và dễ chịu như khi ngậm ti, nên nó tạo cho bé cảm giác thích thú và có thể trở thành thói quen của bé. Nhiều cha mẹ cũng có thể sử dụng núm vú giả như một kế hoãn binh khi bé đói bụng mà chưa kịp chuẩn bị đồ ăn.
Ngay từ nhỏ, nhiều mẹ đã cho con làm quen với núm vú giả

Không nên lạm dụng núm vú giả

Các bác sỹ nhi khoa khuyên các bố mẹ không nên lạm dụng núm vú giả, không cho con ngậm núm vú giả nhiều giờ trong một ngày. Điều đó có thể nguyên nhân của rất nhiều những “hậu quả” khó lường.

Ngậm núm vú giả nhiều, bé sẽ “chê” bú mẹ. Việc trẻ bú mẹ hoàn toàn khác biệt với việc cho trẻ bú bình qua núm vú giả. Trên thực tế nhiều trẻ được bú bình sớm thường lười hoặc thậm chí bỏ bú mẹ. Trong khi đó như bạn đã biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất, tất cả các loại sữa hộp, sữa đắt tiền đều không thể thay thế.

Con sẽ bị “nghiện” ti giả.  Nếu bạn cho con ngậm núm vú giả thường xuyên, sẽ khiến bé bị nghiện. Khi không có núm vú giả bé sẽ quấy khóc, cáu bẳn. Ví như bạn cho bé ngậm núm vú giả để đi vào giấc ngủ nhưng khi rút ra khỏi miệng bé thì quả là một cuộc chiến.

Ngậm núm vú giả làm tăng nguy cơ viêm nhiễm tai giữa. Dù trẻ dưới 6 tháng tuổi có rất ít nguy cơ bị viêm tai giữa, nhưng lại ngậm núm vú giả thường xuyên có thể là nguyên nhân của chững bệnh viêm tai giữa sau khi bé lớn hơn.

Gây rắc rối răng miệng: Nếu chỉ cho bé dùng núm vú giả trong một năm đầu đời thì không có ảnh hưởng quá lớn đến cấu tạo của hàm cũng như sự phát triển răng miệng của bé. Tuy nhiên, nếu duy trì thói quen ngậm núm vú giả trong một thời gian dài thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến cấu tạo hàm và vị trí mọc răng, thường thấy răng sẽ bị vâu hoặc mọc xiên xẹo.
Ngậm núm vú giả khiến con dễ bị viêm tai giữa

Dùng núm vú giả thế nào thì có lợi?

Các bố mẹ không nên cho bé sử dụng núm vú giả quá sớm. Viện chăm sóc Sức khỏe trẻ em Mỹ khuyến cáo chỉ nên cho bé sử dụng núm vú giả sớm nhất là sau một tháng chào đời. Bởi nếu cho bé sử dụng núm vú giả sớm, trẻ sẽ lười bú và thậm chí là bỏ bú mẹ.

Nên vệ sinh núm vú thường xuyên: Trước khi cho bé dùng núm vú giả, bạn cần vệ sinh thật sạch bằng xà phòng, nước sau đó luộc lại bằng nước sôi. Hoặc có thể dùng dấm pha lẫn với nước để ngâm núm vú giả trong vài phút để tiêu diệt vi khuẩn.

Thường xuyên kiểm tra núm vú: Nếu núm vú giả có dấu hiệu bị rách, đứt thì nên vứt ngay đi. Không nên cho trẻ đã mọc răng ngậm núm vú giả vì bé có thể cắn rách núm vú giả và làm rơi ra những miếng cao su nhỏ và để bé nuốt phải thì rất nguy hiểm.

Thay thế kịp thời: Không thể dùng mãi một cái, hãy kiểm tra, thay mới liên tục. Những núm vú bị mòn, bị đứt, hỏng có thể gây hại cho trẻ. Vậy nên khi mua núm vú giả bạn nên mua cùng lúc vài cái.

Chỉ cho bé dùng núm giả rỗng: Tránh các sản phẩm được đổ đầy chất lỏng có thể là nơi trú ẩn của mầm bệnh. Hoặc không bao giờ được ngậm núm vú giả với bất kỳ chất lỏng hoặc chất có vị ngọt nào có thể khiến bé bị sâu răng.

Lựa chọn thời điểm “cai” núm vú giả: Theo các chuyên gia thì nên cho bé ngừng thói quen ngậm núm vú giả khi bé ở độ tuổi 2-4 tuổi.

Chia sẻ