Đừng để bé coi mình là "cái rốn" của vũ trụ!

,
Chia sẻ

Anh Long luôn tự hào kể về Gia Bảo càng lớn, càng khôn: “Cu Bảo nhà mình bây giờ ghê phết! Bố không làm theo ý nó là nó giơ tay tát luôn”.

Chạy chữa thuốc men đông tây y, đi chùa cầu cúng khắp nơi, sau khi cưới mười năm, vợ chồng nhà anh Long cũng sinh được cậu con trai quý tử. Khỏi phải nói, vợ chồng anh Long mừng đến mức nào, đặt luôn tên con là Gia Bảo. Hai bên gia đình ông bà nội ngoại cưng chiều đứa cháu đích tôn hết mức. Gia Bảo đòi mua một cái ô tô, có khi anh Long lại đi săn lùng mỗi loại một chiếc để con tha hồ chơi. Theo anh, con cầu tự, con quý tử, có gì mà tiếc.

 

 

Dần dần, Gia Bảo nhận biết được “quyền lực” của mình trong gia đình, nên ra sức đòi hỏi mọi điều. Nếu không được đáp ứng, cháu lại dậm chân, la hét, khóc lóc. Sợ cháu khóc nhiều viêm họng, mệt mỏi, không chịu ăn, ông bà bố mẹ vội vàng răm rắp tuân theo mệnh lệnh. Gia Bảo càng lớn càng nghịch. Đến nhà ai thấy có đồ chơi gì, cháu cũng đòi bố mẹ mua cho bằng được. Khách đến chơi nhà, Gia Bảo không chào, rồi nhảy lên bàn lên ghế, không cho bố mẹ nói chuyện. Gia đình anh Long không lấy thế làm phiền muộn, coi đó là chuyện bình thường. Hàng xóm có nhắc nhở, anh Long lại phẩy tay: “Lớn lên rồi cháu khắc biết”. Anh Long luôn tự hào kể về Gia Bảo càng lớn, càng khôn: “Cu Bảo nhà mình ghê phết! Bây giờ, bố không làm theo ý nó là nó giơ tay tát luôn”.


Niềm tự hào của anh Long sẽ còn được thổi phồng theo những thói đòi hỏi của con nếu như anh không phải chật vật tìm trường mẫu giáo cho con. Anh phải chuyển trường cho con đến năm lần. Nhưng ở trường nào cũng chỉ được 3-5 ngày, cô giáo đã phải mời anh Long đến lớp phàn nàn: “Con anh đến lớp không cho ai động đến đồ chơi. Bạn nào lấy là giằng lấy, đánh bạn, hoặc nằm lăn ra đất gào khóc, ăn vạ. Nếu bố mẹ không uốn nắn con từ nhà thì cô cũng chịu”. Nhiều lần, anh Long phải cho con nghỉ học. Cô giáo còn khuyên rằng, nếu anh không thay đổi cách giáo dục con, nuông chiều theo mọi yêu cầu của con thì cháu sẽ không thể phát triển tốt. Nhìn con trai nằm lăn ra sân trường vì không được chơi cầu trượt một mình, anh Long vừa xấu hổ vừa ngờ ngợ nhận ra sai lầm của mình.


Cả gia đình ông bà, bố mẹ luôn yêu thương chăm sóc nâng niu cho con trẻ một cuộc sống đầy đủ. Nhưng không phải vì thế mà ông bà, bố mẹ nuông chiều theo mọi đòi hỏi của con. Không phải bậc cha mẹ nào cũng ý thức được rằng sự nuông chiều con quá mức là làm hại con chứ không phải thương con. Khi con trẻ bắt đầu biết đòi hỏi, vòi vĩnh và lấy tiếng khóc làm áp lực, bố mẹ, ông bà cần phải phân biệt đâu là nhu cầu tối thiểu, đâu là điều không thể đáp ứng. Không nên nuông chiều bé quá mức, để bé tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, thích gì đòi nấy.


Thu Hằng

 

Chia sẻ