Đừng đẩy con trẻ đến bờ tuyệt vọng

Thu Hương,
Chia sẻ

Tự tử ở trẻ là giai đoạn cuối cùng của trầm cảm, khi sự thất vọng ở trẻ quá lớn mà không được ai quan tâm và chia sẻ.

Ngày 11-5, bé trai P.H.H, 11 tuổi, được chuyển đến Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM vì ngộ độc thuốc trừ sâu. Người nhà H. kể, do ham chơi, không lo học bài, bị ba mẹ la rầy nên H. đã uống thuốc trừ sâu có sẵn trong nhà để tự tử.

Thực tế đáng báo động là hầu hết trẻ tự tử ở độ tuổi từ 10 đến 15. Trẻ tự tử khi được cứu sống, mặc dù ít bị di chứng thực thể, nhưng bị tổn thương nặng nề về mặt tâm lý. Vì vậy, sau khi phục hồi các chức năng sống cho trẻ, bác sĩ phải thực hiện phương pháp tâm lý trị liệu. Nhiều trẻ không hợp tác với bác sĩ khi được đưa vào cấp cứu, từ chối chích thuốc, bứt dây truyền dịch... Đối với những trường hợp này, các bác sĩ phải “cấp cứu tâm lý” cho trẻ ngay từ khi nhập viện.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Trưởng Khoa Tâm lý- BV Nhi Đồng 1) cho biết trẻ tự tử thường có xu hướng tái tự tử nên việc điều trị tâm lý cho trẻ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên trên thực tế, trẻ tự tử ít được gia đình đưa đi tái khám sau khi xuất viện. Mặc dù tất cả những trẻ này đã được cứu sống nhưng trẻ sẽ giữ mặc cảm suốt tuổi thơ, thậm chí suốt đời.

Về phía cha mẹ, ngay cả khi trẻ được cứu sống thì sau đó sẽ khó tránh khỏi việc coi đứa con tự tử là đứa trẻ “bất trị”. Khoảng cách vốn có giữa trẻ với gia đình, xã hội sẽ tiếp tục dãn ra.

Bé trai tự tử nhiều hơn bé gái

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử ở trẻ, nhưng suy cho cùng là do trẻ thất vọng về gia đình và xã hội. Đáng chú ý là tỉ lệ trẻ nam tự tử thường nhiều hơn ở các bé gái.

Nhiều ca tự tử ở trẻ xuất phát từ việc bị cha mẹ rầy la và thiếu quan tâm. Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1, có trẻ tự tử chỉ vì cha mẹ so sánh là học kém hơn, không ngoan bằng anh, chị của mình. Có trẻ sẵn tâm lý “mẹ có em bé, không còn cưng chiều mình”, lại bị cha mẹ quát nạt nên tự ái và muốn chết. Một bé gái bị cha mẹ dọa sẽ đuổi đi vì quá ham chơi, không biết sẽ đi đâu nên uống thuốc trừ sâu tự tử...

Việc không đạt được sự kỳ vọng của cha mẹ, lo sợ bị rầy la cũng khiến trẻ chọn cách tự giải thoát bằng cái chết. Có trẻ không dám đưa sổ liên lạc cho cha mẹ, sợ cha mẹ khiển trách nên tự tử.

Thầy cô nhiều khi cũng khiến trẻ thất vọng. Có trường hợp trẻ bị thầy cô giáo xỉ vả trước tập thể, cảm thấy xấu hổ với bạn bè nên tự tử.

Ở tuổi này, trẻ bắt đầu dậy thì, có nhiều thay đổi về các đặc điểm tâm sinh lý, đặc biệt là muốn khẳng định ý thức cá nhân, muốn trở thành người lớn. Khi bị người lớn xâm phạm, trẻ thấy mình không được tôn trọng. Có trẻ bị cha mẹ đọc thư riêng và cấm đoán yêu đương, cảm thấy bị cha mẹ xúc phạm nên tự tử. Tâm lý muốn làm người lớn khiến nhiều trẻ yêu sớm và bị người yêu bỏ rơi, trẻ quá hụt hẫng cũng tìm cách chấm dứt cuộc sống.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh, hầu hết trẻ chỉ báo động tự tử, dọa tự tử chứ không cố ý mong muốn được chết. Trẻ chỉ tự tử khi trầm cảm đến giai đoạn cuối mà vẫn không được đồng cảm, chia sẻ. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái, sự thiếu quan tâm, cũng như thiếu sự tế nhị trong bảo ban trẻ phù hợp với từng lứa tuổi.
 
Theo Thu Hương
Người Lao Động
Chia sẻ