Đối phó với trẻ biếng ăn

,
Chia sẻ

Những khảo sát gần đây cho thấy, hơn 50% số trẻ em từ 1-6 tuổi được các bà mẹ xem là đang trong tình trạng biếng ăn

Để giúp phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về hiện tượng lười ăn và cách cải thiện vấn đề này, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc phỏng vấn GS.TS, Bác sĩ Hoàng Trọng Kim, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Trường ĐH Y Dược TP HCM.

- Thưa Giáo sư, dấu hiệu cảnh báo một trẻ em biếng ăn là gì?

- Hiện nay, chưa có định nghĩa chuẩn cho chứng biếng ăn, do vậy việc đánh giá tình trạng này cũng rất khác nhau trong giới y khoa. Theo tôi, trẻ biếng ăn thường có các biểu hiện như: ăn rất ít, chỉ ưa thích một vài loại thức ăn nhất định hoặc tránh thử món mới; mỗi bữa ăn của bé thường kéo dài trên 30 phút; số bữa ăn hoặc lượng thức ăn bé ăn được trong mỗi bữa ít hơn so với các bé cùng độ tuổi; bé thường có các biểu hiện quấy nhiễu trong giờ ăn như kêu khóc, giả vờ nôn, ngậm miệng, ngậm thức ăn; cân nặng thấp...
 

Cha mẹ cần tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng để xây dựng thói quen ăn uống đúng cách cho trẻ. Ảnh minh họa: Chí Cường.

- Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng trên, thưa Giáo sư?

- Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn, bao gồm các yếu tố sinh lý như khẩu vị, các vấn đề về di truyền. Các nguyên nhân tâm lý như: trẻ có xu hướng đấu tranh đòi tự chủ, thay đổi cảm xúc và tâm trạng, tình cảm giữa bé và người cho ăn... Bố mẹ dụ dỗ, đe dọa, ép trẻ ăn cũng có thể làm trẻ “sợ ăn” hơn.

- Hầu hết các bà mẹ có con biếng ăn đều rất lo tình trạng thiếu dinh dưỡng của con mình, nhưng họ lại lúng túng trong việc điều chỉnh, xây dựng những thói quen ăn uống đúng cách cho trẻ. Giáo sư có lời khuyên nào cho các bà mẹ?

- Việc thay đổi thói quen ăn uống xấu đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của cha mẹ. Theo tôi, khi cho trẻ ăn, cha mẹ cần có các lưu ý sau: Tránh sự xao nhãng, mất tập trung; cần giữ thái độ trung lập (không làm trò xiếc, nhảy, múa, hát, gõ vung nồi khiến trẻ sẽ nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ); không cau có, đánh đập trẻ; khuyến khích sự thèm ăn của trẻ bằng cách giới hạn thời gian một bữa ăn (10-20 phút), nếu trẻ không ăn hết khẩu phần thì cất đi; giữa hai bữa ăn không nên cho trẻ ăn vặt, ăn đồ ngọt; cho trẻ ăn thức ăn phù hợp với tuổi của trẻ; khi cho trẻ ăn thức ăn mới cần giới thiệu một cách từ từ, có hệ thống (thông thường phải 10 – 15 lần, trẻ mới làm quen được với thức ăn mới); nên khuyến khích trẻ tự ăn. 
 
- Giáo sư có thể cho biết, khi lo lắng về vấn đề biếng ăn của trẻ, cha mẹ có thể liên hệ tư vấn ở đâu?

- Nếu tình trạng biếng ăn của trẻ quá nặng, cha mẹ nên tham vấn các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng tại các bệnh viện hoặc liên hệ trực tiếp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia để bổ sung cho trẻ công thức dinh dưỡng đầy đủ, cân đối hằng ngày.

Sắp tới, Hội Nhi khoa Việt Nam dự kiến thiết lập Đường dây tư vấn biếng ăn qua điện thoại ở một số tỉnh thành trong cả nước, cũng như tổ chức những ngày tư vấn miễn phí về vấn đề biếng ăn cho cộng đồng. Hội cũng đang phối hợp với Pediasure BA giới thiệu bộ công cụ đánh giá biếng ăn gồm bài trắc nghiệm và bộ câu hỏi giúp các bà mẹ đánh giá xem con mình có biếng ăn không, có các nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng hay chưa.

- Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Giadinh
 
GS Hoàng Trọng Kim cho biết, những khảo sát gần đây cho thấy, hơn 50% số trẻ em từ 1-6 tuổi được các bà mẹ xem là đang trong tình trạng biếng ăn. Biếng ăn không chỉ gây thiếu hụt dinh dưỡng ngắn hạn, mà còn dẫn đến các biến chứng lâu dài về sau như chậm lớn, không tăng cân, hay ốm, không nhanh nhẹn bằng bạn bè cùng trang lứa, không có hứng thú trong học tập...
Chia sẻ