Đối phó với tính tranh giành của bé

,
Chia sẻ

Tranh đồ chơi hoặc bất đồng khi tham gia hoạt động tập thể với bạn cùng lứa thường là nguyên nhân gây các cơn cáu kỉnh của bé.

Những điều bạn nên làm là:

Theo sát bé trong những hoạt động tập thể  

Bạn nên quản lý mọi hoạt động của con thật chặt chẽ. Nếu bé yêu của bạn cắn, đánh, cấu, cào hay kéo tóc bé khác, cần can thiệp ngay lập tức. Bạn chỉ cần nhẹ nhàng đưa con ra khỏi bé kia và nói rằng hành động như vậy là rất xấu. Có thể bạn nên tách con ra khỏi nhóm vài phút để bé bình tĩnh lại.
 

Khi theo dõi con, bạn sẽ biết cách bé phản ứng với những tình huống cụ thể như thế nào. Chẳng hạn bé thường đánh bạn khi bạn không đưa đồ chơi mà bé muốn. Để tránh tình trạng này, bạn nên cất bớt những đồ chơi mà bọn trẻ thường ưa thích, chỉ để lại một ít để các bé chơi cùng nhau.

Trò chơi đổi “phiên”

Bạn có thể hướng dẫn cho bé và những trẻ khác tập chia sẻ bằng trò chơi đổi phiên. Chẳng hạn bé được chơi gấu bông trong 5 phút, sau đó bé sẽ phải nhường cho bạn chơi trong 5 phút tiếp theo…

Trẻ trong độ tuổi biết đi thường không có khả năng chia sẻ cho đến khi 3 tuổi. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đưa suy nghĩ của bé phát triển theo hướng này.

Bằng trò chơi đổi phiên đơn giản, bạn và bé yêu cùng nhau làm những công việc đơn giản, chẳng hạn như vuốt ve chú chó của gia đình. Nói với bé rằng: “Đến phiên mẹ rồi” và âu yếm chú chó trong vài giây. Sau đó, bạn nói “Bây giờ đến lượt con nhé”, rồi để bé vuốt ve chú chó trong vài phút. Bạn lại tiếp tục nói “Đến lượt mẹ” để ngăn bé lại…

Bạn cũng có thể dùng một chiếc đồng hồ cát để căn giờ và thông báo khi hết lượt. Để mỗi lượt của bé lâu hơn của bạn, như vậy bé sẽ nhận ra rằng đổi phiên là một sự lựa chọn có thể chấp nhận được.

Tách khỏi nhóm chơi

Bạn nên cân nhắc khả năng bé không hợp với những bạn cùng chơi trong nhóm. Nếu tình trạng đánh nhau và giành giật liên tục tăng lên khi có mặt một hoặc hai bé khác, có thể bạn nên tìm cho con những bạn chơi mới.

Hoặc bạn cũng có thể đưa bé đi công viên, chơi trong vườn hoa trong các sân chơi tập thể thay vì tìm một nhóm bạn. Không gian hoạt động càng rộng thì bé càng ít bị “dính” vào những cuộc tranh giành đồ chơi.

Theo Mẹ & Bé

Chia sẻ