Đọc tin nhắn "tế nhị" của con, bố sốc

Theo Bee,
Chia sẻ

Cách xưng hô "chồng chồng vợ vợ" của trẻ mới "nứt mắt" khiến nhiều bậc cha mẹ 'sốc'.

Khi phát hiện những dòng tin nhắn với lời lẽ vô cùng thân mật của bé Hân, lớp 8, với cậu bạn trai cùng trường, anh Tâm thấy sốc vô cùng.

Phát hoảng khi đọc tin nhắn của con

Anh không thể nào chấp nhận được cái cách xưng hô “chồng chồng vợ vợ” của hai đứa trẻ mới “nứt mắt”. Anh gọi điện cằn nhằn trách móc vợ không biết cách chăm sóc để con gái đổ đốn, hư hỏng. Cả ngày hôm đó anh cứ đi đi lại lại trong nhà.

Con gái vừa về, anh lập tức mắng nhiếc nặng nề. Bé Hân, ban đầu sụt sịt khóc, sau mím môi nín lặng. Anh tịch thu điện thoại, bắt con hứa sẽ dẹp hết tình cảm yêu đương nhăng nhít để tập trung học hành.

Từ hôm đó, ngày nào anh Tâm và vợ cũng thay phiên đưa đón con đi học, dù nhà cách trường chỉ hơn một cây số. Chưa kịp an tâm thì tuần sau, vợ anh lại phát hiện con bé có điện thoại mới. Trong máy đầy ắp những tin nhắn yêu đương mặn nồng.

Anh tức giận lôi con bé vào phòng đánh cho một trận nên thân. Lần này, anh bắt con viết cam kết sẽ không bao giờ liên lạc với thằng bé kia. Vậy mà hôm rồi, khi sai con đi chợ gần nhà, anh lại tình cờ bắt gặp hai đứa lén lút gặp nhau.

Không kiềm chế được, anh nặng lời xúc phạm, đe dọa cậu bạn trai kia. Từ hôm đó cô bé trở nên lầm lì. Anh Tâm hoang mang chẳng biết mình làm đúng hay sai. Không khí trong nhà trở nên nặng nề.
 

Nên và không nên

Tâm trạng chung của các bậc làm cha mẹ thời nay là thường rất hoang mang, lo lắng khi phát hiện đứa con bé bỏng ngày nào đã biết yêu. Bố mẹ quên rằng khi bước vào tuổi mới lớn, trẻ đang dần trưởng thành với rất nhiều tình cảm yêu thương, những mộng mơ và hoài bão.

Sự hấp dẫn về giới tính và tình yêu đến với trẻ một cách rất đỗi tự nhiên. Dù muốn hay không, trẻ cũng không thể né tránh được cảm xúc yêu thương. Thay vì đây là giai đoạn vô cùng cần thiết để giúp con trang bị kiến thức về tình yêu và về giới tính thì bố mẹ lại không hiểu và không chấp nhận cảm xúc của con, xúc phạm con bằng những lời lẽ nặng nề.

Cách hành xử thiếu bình tĩnh, nóng nảy của cha mẹ đã làm tổn thương lòng tự trọng của con. Khi không có được sự tôn trọng từ phía bố mẹ, trẻ sẽ ngày càng trở nên xa rời gia đình. Trẻ sẽ tạo cho mình một thế giới riêng, đồng thời tìm đến với những giá trị khác bất chấp đúng hay sai.

Khi bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý của trẻ thay đổi phức tạp. Trẻ luôn cho rằng mình đã lớn, muốn khẳng định cái tôi. Trẻ muốn chứng tỏ mình đúng và đặc biệt muốn sống hết mình với lý tưởng, tình yêu. Chính vì vậy sự ngăn trở, cấm đoán sẽ càng dễ khiến trẻ hành động một cách nông nổi.

Khi bị xúc phạm, trẻ sẽ càng phản ứng mãnh liệt theo kiểu chống đối để tự bảo vệ. Và khi tình yêu bị ngăn cấm mà có cơ hội gặp lại thì rất khó để các em giữ mình, hậu quả lúc này là không thể lường hết được. Một số bố mẹ dùng biện pháp kèm cặp, quản lý con suốt ngày, việc này vừa mất thời gian vô ích và ngược lại, càng bị kìm kẹp thì trẻ càng có nguy cơ vùng vẫy, thậm chí nổi loạn để thoát khỏi sự trói buộc.

Bố mẹ cần hiểu và chấp nhận cảm xúc rung động đầu đời của con. Khi có được sự cảm thông từ bố mẹ, trẻ sẽ mạnh dạn bày tỏ tâm trạng thật của mình. Hãy để tình cảm của con phát triển tự nhiên, đồng thời từng bước lắng nghe những cung bậc cảm xúc của con, từ đó giúp con phân biệt được giá trị thật-ảo trong tình yêu.

Bố mẹ cần cởi mở và tinh tế khi đề cập với con về tình yêu và giới tính. Trẻ không thích việc răn dạy giáo điều, vì vậy bố mẹ hãy bắt đầu bằng cách thân mật gợi mở, tỉ tê trò chuyện cùng con như một người bạn. Đồng thời bố mẹ cũng sẽ khéo léo lồng ghép những mẩu chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm về tình yêu thời đi học của mình.

Trẻ sẽ cảm thấy hứng thú khi phát hiện ra ngày xưa bố mẹ mình cũng có những rung động đầu đời rất dễ thương, cùng chia sẻ vui buồn, cùng giúp đỡ nhau trong học tập… Thông qua những câu chuyện này, dần dần bố mẹ giúp con hiểu rằng, đó chỉ là tình cảm nhất thời.

Khi con biết nâng niu và gìn giữ thì tình cảm ấy sẽ lưu giữ mãi hình ảnh đẹp trong ký ức. Quan trọng hơn cả vẫn là việc bố mẹ luôn đồng hành, làm bạn cùng con để con luôn tin tưởng, chia sẻ những khúc mắc và lo lắng của con. Nhờ đó, bố mẹ sẽ kịp thời định hướng, uốn nắn, điều chỉnh hành vi giúp con vững bước vào đời.

Chia sẻ