Dọa con sợ "hết hồn"

,
Chia sẻ

“Con ma có phép thuật. Trẻ con tự ý leo cầu thang, nó sẽ cầm roi đánh vào cái chân. Nếu vẫn một mình leo tiếp, con ma sẽ cầm dao, cầm kéo xẻo cái chân hư”.

Dọa con sợ “hết hồn”

1. Bé Bi ngắc ngứ mãi hai tiếng đồng hồ không ăn hết bát cháo. Mẹ Bi bực quá, vừa dỗ con ăn vừa dọa:

- Ăn nhanh lên Bi. Không ăn nhanh là chiều mẹ cho đi tiêm phòng đấy nhé.

Chả hiểu thế nào, Bi nghe thấy tiêm phòng, mồm mếu xệch, nước mắt ngắn, nước mắt dài, năn nỉ mẹ:

- Mẹ ơi, đừng cho con đi gặp cô mặc áo trắng nhé. Gặp cô ý đau lắm.

2. Chị Thủy (Thành Công – Hà Nội) lại truyền “kinh nghiệm” cho mấy chị em cùng cơ quan mà chị rất tâm đắc: “Nếu mà con không chịu ăn, cứ bảo: “không ăn mẹ vứt ra ngoài đường. Ông ba bị nhặt vào, cho vào cái bị tối om, đen xì. Đứa trẻ nào không ăn, ông ba bị đánh cho gẫy răng”.

Những kiểu dọa của bố mẹ luôn làm con sợ hãi và khóc thét

3. Bé Kem mới gần 3 tuổi nhưng rất thích một mình trèo cầu thang để lên tầng 3. Bà nội nói mãi không được, sợ bậc cầu thang cao, cháu trèo lên ngã, bèn dọa:

-   Nếu con cứ tự ý leo lên tầng 3, con ma nó bắt sợ lắm.

Bé hỏi:

-     Con ma là con gì mà sợ thế hả bà?

- Con ma có phép thuật. Trẻ con tự ý leo cầu thang, nó sẽ cầm roi đánh vào cái chân. Nếu vẫn một mình leo tiếp, con ma sẽ cầm dao, cầm kéo xẻo cái chân hư.

Từ đó, mỗi khi không muốn Kem làm điều gì, cả nhà chỉ cần lấy con ma ra dọa là cô nàng sợ “hết hồn”, không dám “ngo ngoe” gì.

Giải quyết vấn đề bằng “thượng sách”

Các bé bao giờ cũng có một ai đó, một điều gì đó làm bé sợ, đôi khi chả vì lý do gì. Người lớn lại tận dụng nỗi sợ đó để bé làm theo ý mình hay răn dậy bé.

Tất cả các bậc cha mẹ, người lớn, dù ít hay nhiều đều đã hù dọa con trẻ. Bố mẹ thường biện minh: “Ngoài cách dọa ra, không thể làm thế nào khác”. Vô tình, bố mẹ đã “bắt ép” con nghe lời một cách sợ hãi.

Với những bé nhút nhát, khi bị cha mẹ dọa, sẽ càng trở nên tự ti, thu mình lại.

Với những bé “cứng đầu” hơn, khi cha mẹ dọa, bé sẽ trở nên lì lợm, dần dần “nhờn” với những lời dọa của bố mẹ.

Trên thực tế, cách hù dọa sẽ khiến bé sợ sệt nhiều hơn là nhận ra điều mà các bé không nên làm. Việc hù doạ con sẽ khiến bé bớt đi sự tự tin, mạnh dạn.

Nghiêm trọng hơn, hù doạ bé thường là nói dối để đạt được “mục đích” của người lớn. Thường khi hù doạ bé, bố mẹ không cân nhắc đến những hậu quả về sau. Khi bé lớn hơn một chút, hiểu được sự thiếu trung thực của bố mẹ trong mỗi lần hù doạ, dần dần mất niềm tin vào lớn nói của bố mẹ.

Bố mẹ hãy thử không hù dọa con xem sao nhé!

Thay vì hù dọa, bố mẹ hãy kiên trì giảng giải để con hiểu

Thay vì bảo là con: “Ngoan đi không thì ông ba bị/ông cụ/chú công an... mắng/bắt đi…, bố mẹ hãy nói: "Ngoan đi, mẹ rất yêu con" hay "Con làm được như vậy thì tài thật", "Con hư mẹ buồn lắm"... Hoặc cứng rắn hơn nữa, “mời” con ngồi yên một chỗ, không hoạt động gì và tự suy nghĩ.

Với trường hợp các bé tự leo cầu thang một mình nguy hiểm, một mẹ trên diễn đàn đã chia sẻ “thượng sách”: “Mình đã cùng con cầm 1 quả trứng gà. Sau đó mình bế con lên trên cầu thang và bảo con thả quả trứng gà xuống. Quả trứng lăn và bị vỡ. Mình chỉ vào quả trứng và nói với con rằng: “Con thấy chưa? Việc con tự ý leo trèo cầu thang, nếu chẳng may con ngã xuống thì sẽ giống như quả trứng đó. Con có sợ không?

Sau lần đó, mỗi khi con quên và định mon men trèo cầu thang, mình lại nhắc con có nhớ quả trứng gà mà mẹ con mình thả xuống không? Thế là bé không leo nữa đâu. Từ đó bé rất có ý thức và còn nhắc bà là không được leo trèo cầu thang một mình”.

Bố mẹ đừng nghĩ các bé còn nhỏ thì không hiểu nhé. Các con biết hết đó. Mỗi lần bố mẹ không muốn con làm điều gì đó, hãy cố gắng nhẫn nại và kiên trì thêm một chút, giảng giải cho bé hiểu vì sao con không nên làm như vậy, và làm thế sẽ có hậu quả như thế nào.

Nam Hải

(Tổng hợp)

Chia sẻ