Dinh dưỡng trong các bữa ăn cho trẻ

Hoàng Lan,
Chia sẻ

Các mẹ không nên sử dụng đồ ăn nhanh được chế biến sẵn như xúc xích, thịt, cá đóng hộp… trong bữa ăn cho trẻ bởi có chứa chất bảo quản ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.

Khi trẻ lên năm tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ ăn với chế độ ăn 4 bữa/ngày: ăn sáng, ăn trưa, ăn nhẹ buổi chiều và tối. Trong giữa các bữa ăn sáng và ăn trưa, bạn có thể cho trẻ uống nước ép trái cây hay hoa quả tươi...

Bạn có thể cung cấp lượng dinh dưỡng phù hợp cho con của bạn trong mỗi bữa ăn theo cách sau:

Đối với bữa ăn sáng, cha mẹ hãy cho trẻ ăn vào khoảng thời gian từ 7h-8h sáng với những nguồn thực phẩm giàu năng lượng như: ngũ cốc, sữa, bánh mỳ, thịt, cá… Trong bữa ăn sáng, các mẹ cũng có thể thay đổi thực đơn vào mỗi sáng với các chế độ khác nhau để tránh cảm giác chán ăn cho trẻ.

Tùy theo độ tuổi mà lượng sữa trong bữa sáng, các mẹ phân bố hợp lí cho trẻ. Và lượng sữa cho trẻ uống mỗi bữa sáng này còn phải tùy thuộc vào lượng dinh dưỡng trong bữa ăn mẹ đã cũng cấp từ nguồn thực phẩm cho trẻ. 


Trong bữa ăn trưa, đây cũng là một trong những bữa chính của trẻ cho nên mẹ hãy cho trẻ ăn bữa trưa vào lúc 10h và bữa ăn cũng phải đầy đủ chất để có thể cung cấp cho trẻ nguồn năng lượng dồi dào, mẹ có thể cho trẻ ăn trưa với thực đơn gồm: cơm, các loại ngũ cốc, canh, rau xanh và chất đạm từ thịt, cá. Sau bữa ăn chừng 1 tiếng mẹ hãy cho trẻ ăn một chút trái cây, hoặc một ly nước ép từ cam, táo, cà chua… Tổng lượng khẩu phần ăn cho trẻ trong bữa trưa có thể từ 150 – 200g.

Bữa ăn nhẹ buổi chiều, các mẹ có thể cho trẻ uống khoảng 150 -200 ml sữa hoặc một hộp nhỏ sữa chua hoặc ăn cháo, ngũ cốc vừa phải hoặc các mẹ chỉ cần cho trẻ ăn một chút hoa quả nghiền nhuyễn vào bữa ăn này.

Đối với bữa tối, đây là bữa ăn chính cuối cùng trong ngày của trẻ. Mẹ hãy cho trẻ ăn bữa tối vào lúc 18h với khẩu phần ăn gồm: cơm (hoặc cháo), rau xanh khoảng 150 – 200g, một lượng nhỏ thức ăn bổ sung protein từ thịt, cá… cho bữa ăn cuối ngày của trẻ. Sau bữa ăn tối khoảng một tiếng, mẹ có thể cho trẻ ăn thêm một hộp sữa chua để trẻ dễ tiêu hóa lượng thức ăn vừa dung nạp, hoặc cũng có thể cho trẻ ăn thêm một chút trái cây tươi.

Trong các bữa ăn của trẻ, các mẹ nên sử dụng những loại thực phẩm tươi và không nên sử dụng lại những loại thức ăn còn thừa từ bữa ăn trước cho trẻ ăn ngay cả khi nó những thức ăn đó được bảo quản trong tủ lạnh, bởi trong khoảng thời gian nhất định, lượng dinh dưỡng trong những thức ăn đó sẽ bị mất đi.

Các mẹ cũng không nên sử dụng những sản phẩm đồ ăn nhanh, đồ ăn đã được chế biến sẵn như xúc xích, thịt, cá đóng hộp… để cho trẻ ăn bởi trong những sản phẩm này ngoài việc có thể bị biến đổi chất dinh dưỡng còn có nhiều chất phụ gia, bảo quản ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.

Chia sẻ