Đi đẻ thật may vì quen biết!

Mẹ Rồng bé,
Chia sẻ

Mẹ bị bỏ mặc gần 1 tiếng đồng hồ trong phòng đẻ, chỉ tới khi thay ca trực, gặp được bác sĩ quen biết, họ mới thăm khám và hỏi han…

Từ khi biết mình có bầu, mẹ đã lo lắng tới lúc con ra đời không biết có chỗ… đẻ không. Lo lắng tới mức thái quá bị các cô, các bác ở công ty mắng cho, bố con thì chỉ biết động viên an ủi. Năm nay là năm “rồng vàng” sẽ rất đông, bố mẹ thì chẳng tính toán gì nhưng con lại đến đúng vào năm nay. Rồi những tuần đầu cũng qua, con lớn dần lên, khỏe mạnh, bình thường làm mẹ càng ngày càng cảm nhận rõ hơn về niềm vui khi có con trong bụng.

Nhưng sau đó, hàng loạt các ca sinh đẻ gặp sự cố tại các bệnh viện khiến cho mẹ toát mồ hôi. Mẹ lại bắt đầu lo lắng, bố con còn cấm không cho mẹ đọc mấy tin tức kiểu đó để không ảnh hưởng tới tinh thần, không tốt cho con ở trong bụng. Lúc này, mẹ đã suy nghĩ lựa chọn phương pháp đẻ thường hay đẻ mổ. Người mẹ khá thuận lợi cho việc sinh thường, nhưng sự ám ảnh của những cơn đau đẻ và sự nguy hiểm của những ca sinh thường làm mẹ nghĩ tới việc sẽ đẻ mổ.

Tuy nhiên, ai cũng nói “thuận theo tự nhiên” là tốt nhất, mẹ cũng muốn mọi thứ tự nhiên nhất để con ra đời được bình an. Khi được 32 tuần, con đã thuận ngôi, bác sĩ siêu âm nói là mẹ sẽ dễ đẻ, thời điểm này ngôi thuận phải cẩn thận. Đến 34 tuần, con lại quay lên, bác sĩ siêu âm nói không sao, vì thời gian này con sẽ quay lên, quay xuống suốt.

Lúc này mẹ đã xin nghỉ ở nhà làm việc, nên cứ 2 tuần mẹ lại đi siêu âm kiểm tra tình hình của con để đỡ sốt ruột. Khi 36 tuần, con vẫn chưa quay xuống. Mọi người khuyên mẹ là năng đi bộ nhiều để con dễ quay. Vậy mà nhóc con ương bướng chẳng quay đầu. Lúc này, kết quả siêu âm bác sĩ nói đầu con khá to, nếu sinh thường cũng hơi khó khăn. Mẹ đã nghiêng về phương án mổ đẻ.

Đi đẻ thật may vì quen biết! 1
Rồng bé của mẹ bây giờ đã hơn 2 tháng.

Tới tuần thứ 37, mẹ lại đi siêu âm xem con đã chịu quay đầu lại chưa thì con vẫn nhất định húc cái đầu to vào mạn sườn bên phải mẹ. Bà ngoại còn trêu rằng: hay nó tưởng nó sẽ chui ra từ… nách mẹ nên cứ húc đầu lên đó.

38 tuần, bác sĩ chính thức nói là ngôi ngược, đầu to và tới 90% là khó sinh thường được. Trong đầu bố mẹ giờ cũng xác định sẵn mình sẽ đẻ mổ.

Trước khi đẻ gần 1 tháng, công việc của mẹ chỉ là hỏi han người đi trước, lên mạng để tìm thông tin về bác sĩ, về bệnh viện nơi mình đã đăng ký đẻ. Mỗi người nói một kiểu, tìm cho mình một dịch vụ. Tựu chung lại là nếu không quen biết, làm dịch vụ thì sẽ rất mệt khi đi đẻ.

Càng đọc, mẹ càng… sợ đẻ, bố con phải vào cuộc. Vận dụng mọi sự quen biết, bố đã có lời nhờ được một chị y tá và bác sĩ. Nhưng mẹ vẫn chưa yên tâm, hàng ngày vẫn cập nhật tin tức từ các mẹ đi trước cho bố con để bố nhờ vả kỹ hơn. Bố con thì vẫn trấn an mẹ: “Em đừng lo, anh đã nhờ cẩn thận rồi, anh bảo nhà em chỉ đẻ 2 bé, nên chỉ nhờ vả 1,2 lần thôi. Nửa đêm gọi anh ấy cũng sẽ nghe máy, em cứ tĩnh dưỡng để chuẩn bị tinh thần đi đẻ”.

Thế là mẹ cũng yên tâm phần nào, tiếp tục chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa để chào đón thành viên mới. Bà ngoại xuống khi con được 37 tuần để nấu nướng cho mẹ vì lúc này mẹ di chuyển khá nặng nề. Nhóc con thì vẫn chân đạp ầm ầm phía dưới bụng, đầu húc lên mạn sườn làm mẹ đau nhói.

Vì xác định đẻ mổ nên bố mẹ tính đi… xem ngày đẹp để đón con ra. Theo dự sinh, tới ngày 29/8 con mới chào đời. Bố mẹ cũng trừ Thứ 7, Chủ nhật, rồi sợ tới ngày sinh trùng vào dịp lễ 2/9 nên nhờ thầy xem thời gian đẹp đón con ra từ ngày 21/8 tới 27/8 một cách chủ động.

Ngày 17/8 (tức 1.7 âm lịch), bố về quê thắp hương tổ tiên, xong lên chùa ở gần nhà. Bà ngoại cũng cơ bản dọn dẹp xong nhà mình để sẵn sàng đón con ra. Bà ngoại định hôm sau đi về quê xem nhà cửa vì bà đã đi được 10 ngày rồi. Tối hôm đó, trời mưa khá to vì cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền. Mẹ và bà ngoại lên giường ngủ như bình thường. Mẹ cũng không ngủ được nhiều vì giờ con hay đạp, mẹ rất hay phải dậy đi vệ sinh do con chèn lên bàng quang của mẹ.

Khoảng 5h ngày 18/8, mẹ đang trở mình để dậy đi vệ sinh thì nghe tiếng ỤC một cái rồi một thứ nước ấm ấm cứ thế trào ra. Mẹ sợ mất vài giây rồi định thần gọi bà ngoại nằm bên: mẹ ơi con vỡ ối rồi. Bà bật dậy, nhìn mẹ đang nằm im vì sợ, bà cũng sợ bắt nằm im để tìm khăn thấm nước. Bố con và cậu ngủ trên tầng 3 vẫn im re chưa hề hay biết. Ngoài trời mưa vẫn xối xả.

Khoảng 5 phút nằm im không thấy đau, mẹ mới nhẹ nhàng đứng dậy vào nhà vệ sinh để thay quần áo. Bà gọi bố, và tất nhiên bố bật dậy như cái lò xo, vẫn còn hơi mơ ngủ nói rằng: thế lần này vợ đẻ thật à (bố con bị ám ảnh vợ đẻ, vì giữa đêm mẹ hay gọi bố dậy do nghe thấy những tiếng động lạ, bố con thì cứ tưởng mẹ gọi dậy để đưa mẹ đi đẻ).

Đi đẻ thật may vì quen biết! 2
Các cô chú thấy mặt con có biểu cảm không nào!?

Vì đã chuẩn bị tâm lý từ trước nên bố khá bình tĩnh gọi tới 3 hãng taxi, lấy túi đồ mẹ đã chuẩn bị sẵn, lấy tiền trong tủ, gọi một vài cuộc điện thoại tới chị y tá và anh bác sĩ đã nhờ vả trước.

5h30 phút, bố mẹ và bà ngoại bắt đầu rời nhà, mẹ phải mặc một chiếc áo mưa dầy cộp, chân đi dép tổ ong cho tiện di chuyển trong bệnh viện. Trời vẫn mưa như trút, đường ngõ nhà mình bị ngập nước xấp xấp tới mắt cá chân. Ra tới ngoài đầu ngõ thì bố mẹ đón ngay được taxi. Từ nhà mình tới bệnh viện mất khoảng 7 cây số, nhưng đi qua “rốn” ngập của Hà Nội là khu Tân Mai, Giáp Bát. Chiếc taxi 4 chỗ cẩn trọng đi qua những chỗ nước ngập sâu, có lúc tưởng chừng như phải dừng lại vì phía trước nước mênh mông quá…

Sau gần 1 tiếng khá vất vả, bố mẹ và bà ngoại cũng tới được bệnh viện, phi thẳng lên phòng 300 để làm thủ tục nhập viện đẻ. Khu phòng đẻ cách ly với người nhà, họ cấm mang điện thoại nhưng đa số các bà bầu đều dấm dúi mang vào để còn liên lạc với bên ngoài “trợ giúp”.

Lần đầu đi đẻ mẹ như bò đội nón, vào phòng chờ đẻ mẹ đến ngay chỗ mấy cô hộ sinh hay y tá để trình bày rằng em bị vỡ ối, rồi cách làm hồ sơ sinh thế nào… Các y tá và các cô hộ sinh mặt đăm chiêu và cáu kỉnh nói mẹ cứ vào phòng chờ đẻ nằm xuống, sẽ có người khám cho. Mẹ vào phòng, tìm một chỗ nằm, chờ đợi… 5 phút trôi qua, không thấy ai, mẹ lại lân la hỏi mấy bà bầu xung quanh họ cũng chỉ biết nói là cứ nằm chờ.

Thêm 5 phút nữa, mẹ sốt ruột, rút điện thoại gọi bố và bà. Đúng lúc đó, có một cô y tá vào, nhìn thấy mẹ cầm điện thoại, quát xơi xơi: vỡ ối à, vẫn còn gọi được điện thoại cơ à, thế thì cứ nằm tiếp đấy nhé, đang bận, vào khám mà chưa cả thay quần áo (lúc đó cô mới vứt bụp 1 cái váy xuống giường cho mẹ)… Mẹ chỉ biết im lặng, vội vàng cất điện thoại, lật đật cởi quần áo, thay váy của bệnh viện vào và lại ngoan ngoãn nằm chờ cô ấy sẽ quay lại trong ít phút.

Nhưng 10 phút trôi qua, cô ấy không vào, mẹ chủ động mò dậy ra gọi, thì lại bị… ăn mắng, cô hộ sinh kêu to, thế có muốn đẻ ngay không thì vào phòng tôi cho đẻ. Tất nhiên là mẹ không thể đẻ ngay, đành lại lủi thủi về phòng nằm chờ. Mẹ nhắn tin cho bố hỏi han là đã nhờ cô y tá và bác sĩ quen chưa, bố trả lời rằng họ đã nhận lời nhưng giờ chưa phải là kíp trực nên phải chờ qua 7 giờ đổi ca đã. Mẹ lại tiếp tục chờ đợi và hết sức lo lắng vì nước ối vẫn cứ chảy ra, mẹ vẫn cảm nhận con đạp đều đều…

Khoảng 7 giờ, từ trong phòng chờ đẻ mẹ thấy một bác sĩ nam xuất hiện, cùng với khá nhiều y tá mới. Mẹ mừng quá vì ca mới đã tới làm việc. Bác sĩ đó sau khi xem hồ sơ sinh của các sản phụ liền gọi tên mẹ, mẹ giật mình một cái rồi vội vàng giơ tay lên như học sinh điểm danh. Bác ấy nói oang oang trong phòng là cháu yên tâm, “sếp” của chú đã nói về trường hợp của cháu rồi. Sau đó bác sĩ nói chị y tá khám ngay cho mẹ, cho chạy monitor tim thai.

Cùng lúc đó, chị y tá mà bố con nhờ cũng xuất hiện, mẹ được quan tâm đặc biệt. Trong vòng 10 phút mà có 3 người kiểm tra, hỏi han, chăm sóc. Mẹ yên tâm phần nào, giờ chỉ chờ tới lúc được đón con ra.

Khoảng 7h30, phòng đẻ lúc này đã chật kín, nhiều giường đã phải nằm ghép. Sau này mẹ mới biết, hôm mẹ đi đẻ là mồng 2/7 âm lịch, theo nhiều người thì tháng 7 là được mùa sinh, nhiều ca mổ đẻ chủ động tránh ngày mồng 1 âm, nên đều chọn ngày mồng 2. Riêng hôm mẹ đi đẻ đã có 22 ca mổ tại 1 bệnh viện không chuyên về sản khoa.

Theo quan sát của mẹ, thì hầu hết các bà bầu trong phòng đều thông qua dịch vụ của bệnh viện, đều có ít nhiều quen biết với y tá, bác sĩ. Mẹ cũng vừa thông qua dịch vụ, vừa thông qua mối quan hệ của bố con để nhờ vả. Vì không phải ngày dự sinh của mẹ, trong khi kíp mổ hôm nay gần như toàn bộ đã được đặt trước, mẹ tự nhiên thành người chen ngang.

Đi đẻ thật may vì quen biết! 3


8h kém 10 phút, mẹ được gọi ra ngoài, làm vệ sinh, ngồi lên xe lăn cho một cô hộ sinh đưa lên tầng 4 để đi đẻ. Mẹ nghe rõ có vài người nhà của các sản phụ khác thắc mắc vì sao họ đã đặt lịch mà phải chuyển sau ca của mẹ. Bác sĩ giải thích rằng mẹ là trường hợp đặc biệt, sẽ được ưu tiên mổ trước và vì giờ họ chọn trong khoảng đó vẫn kịp cho ca mổ.

Khoảng 8h, mẹ lên bàn mổ, tim bắt đầu đập nhanh, chân cũng hơi run… Mẹ cố gắng lấy lại bình tĩnh, mồm cứ lẩm nhẩm cầu trời khấn phật cho con ra đời được bình thường, bình an. Bác sĩ bắt đầu gây tê cho mẹ, mẹ cố gắng làm đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ để gây tê chính xác nhất. Khi các bác sĩ mổ “vật” mẹ nằm thẳng ra, thì khoảng 1 phút sau mẹ đã nghe tiếng oe oe của con. Tiếng bác sĩ đỡ đẻ, chị hộ sinh đang lau chùi cho con.

8h15, mẹ nhìn thấy con nhỏ xíu trong cái chăn xanh của phòng phẫu thuật. Bác sĩ mổ hôm đó được dịp “chạy sô”, vì sau khi mổ và khâu tử cung cho mẹ, phần khâu ngoài là một bác sĩ nữ khâu, bác sĩ mổ lại chạy sang phòng khác để mổ ca khác.

Khoảng 8h40, sau khi hoàn tất, mẹ được “gói” vào một chiếc chăn, chuyển sang cáng về phòng hậu phẫu để nằm.

Mẹ nằm ở phòng hậu phẫu khoảng 7 tiếng thì được chuyển về khoa sản và cũng phải thông qua dịch vụ, quen biết, mẹ lại thêm một lần nữa được ưu tiên chọn phòng dịch vụ. Sau đó, được bác sĩ thăm khám, hỏi han, hướng dẫn cách chăm sóc con, chăm sóc mẹ…

24 giờ sau sinh, con được về với mẹ, mẹ lúc này đang thấm thía những cơn đau co tử cung và vết mổ sau thuốc tê. Nhưng vẫn vô cùng hạnh phúc vì con đã ra đời suôn sẻ, bình an. Mẹ cũng cảm thấy rằng lựa chọn đẻ mổ trong trường hợp của mình là hợp lý nhất. Cũng may là do đăng ký trước dịch vụ và có lời quen biết nên mẹ được đi mổ ngay chứ không phải chờ đợi.

Dù biết sự nhờ vả và thông qua dịch vụ nhiều khi là không công bằng với những người không có quen biết. Nhưng mẹ và bố vẫn phải nhờ vả để có sự yên tâm phần nào, để được quan tâm hơn, để đỡ bị mắng. Tổng chi phí khi đi sinh của mẹ khoảng 7 triệu đồng (đã bao gồm cả tiền riêng cảm ơn bác sĩ và kíp mổ). Một con số khá rẻ khi đi sinh dịch vụ ở các bệnh viện bây giờ.

Giờ con đã được hơn 2 tháng, khỏe mạnh (trộm vía con), mẹ cũng đã lành vết mổ, bụng chỉ còn hơi to một chút. Mẹ cũng không còn sợ đẻ nữa, nhưng chắc cũng phải tới 5 năm sau mẹ mới nghĩ tới việc sinh thêm 1 em bé. Hy vọng tới lúc đó, mẹ không cần phải nhờ tới quen biết hay thông qua dịch vụ vẫn được chăm sóc tốt khi sinh em con.



Đoc Nhật kí một ca mổ đẻ đầy cam go để hiểu thêm những lo lắng và vất vả của người mẹ khi vượt cạn.
Đi đẻ thật may vì quen biết! 4
Chia sẻ