Để trở thành cha mẹ tuyệt vời - không khó!

,
Chia sẻ

Mỗi bé đều có những cá tính và sở trường riêng, vì thế bạn cũng cần có những cách phù hợp để dạy dỗ và giáo dục bé. Và điều đầu tiên bạn cần là phải nhận được sự đồng cảm của bé.

Hiểu con trẻ

Khi bé tỏ ra chần chừ, do dự, hay lưỡng lự trước một việc gì, không phải trẻ không muốn tham gia, mà chỉ là do trẻ cần một chút thời gian để có sự chuẩn bị tốt về tâm lý.
 
Trong trường hợp này, bạn nên chỉ cho trẻ từ trước, rằng trẻ sắp tham gia một hoạt động như thế nào, chỉ những biện pháp cụ thể để đối mặt với những hoạt động đó, bạn cũng có thể tập luyện trước với trẻ ở nhà. Ví dụ như khi bạn đưa trẻ đến tham gia một cuộc hội hè, bạn có thể nói trước với trẻ rằng: “Cha mẹ biết con chưa bao giờ đến chỗ này, ở đó sẽ có rất nhiều người con không quen biết, nhưng con sẽ có thể có thêm thật nhiều bạn mới ở đó. Thế nên mình đi thử nhé, nếu con thích, mình sẽ ở lại chơi, nếu con không có hứng thú thì mình sẽ quay về. Nhưng cha mẹ tin rằng con sẽ thích chỗ đó đấy, con có nhớ lần mình tới nhà bạn Linh không? Lúc đầu con không thích đi, nhưng bây giờ con và bạn Linh đã thành bạn tốt rồi, đúng không nào?”, như thế trẻ sẽ hiểu và đồng ý tham gia hoạt động đó với bạn.

Tôn trọng trẻ

Khi bé tỏ ra bẽn lẽn, xấu hổ, bạn không nên bắt bé phải sửa đổi ngay lập tức, bởi như thế có thể gây phản tác dụng, khiến bé càng cảm thấy sợ sệt và nhút nhát hơn. Những bé nhút nhát, hay xấu hổ khi lần đầu tiên đi nhà trẻ sẽ cảm thấy rất sợ sệt, bạn nên dẫn trẻ đi xem những nơi xung quanh nhà trẻ trước để bé quen dần với môi trường mới này, cách làm này có thể giúp trẻ vượt qua sợ hãi, xấu hổ khi đến lớp.

Khích lệ bé một cách dịu dàng cũng là một sự giúp đỡ bé rất hiệu quả, bạn cần tin rằng qua một thời gian làm quen và điều chỉnh, bé sẽ thích ứng được với môi trường mới. Khi trẻ không muốn, bạn không nên bắt trẻ biểu diễn hay ca hát trước đám đông, bởi đối với những bé hay xấu hổ thì đây là một hoạt động rất khó chịu. Nhưng khi tự bé muốn khắc phục sự nhút nhát của mình, bạn nhất định phải cổ vũ, động viên bé kịp thời, giúp bé dần dần tự sửa tính nhút nhát của mình. Khi bé hoàn thành một việc mà bé phải quyết tâm lắm mới làm được, bạn cần khen thưởng và khẳng định thành quả của bé kịp thời.

Dạy bé cách khắc phục sự rụt rè

Ví dụ bạn nên dạy bé, khi gặp thầy cô giáo bé sẽ phải chào như thế nào, bé nên hòa hợp với các bạn thế nào khi chơi cùng các bạn, làm thế nào để nêu lên ý kiến của mình, hay làm thế nào để thể hiện những cảm nhận của bản thân... Bạn có thể tập luyện với bé trước ở nhà, để giúp bé có sự chuẩn bị tốt về tâm lý và để bé biết khi gặp tình huống như thế sẽ phải làm gì. Nếu từ khi sinh ra bé đã là một đứa trẻ nhút nhát thì qua quá trình thích ứng, rèn luyện và với sự giúp đỡ của bạn, bé sẽ dần trở thành một em bé có tính cách cởi mở và dễ gần.

Bằng những cách đó, bạn sẽ dần nhận được sự đồng cảm ở trẻ và như thế, bạn sẽ trở thành những ông bố bà mẹ tuyệt vời.

Hương Liên

Chia sẻ