Để đôi chân bé không bị vòng kiềng

Lan Anh,
Chia sẻ

Bên cạnh chăm lo cho sức khỏe dinh dưỡng của bé, cha mẹ cũng rất quan tâm lo lắng sao cho con mình có một phom dáng chuẩn. Trong đó, làm sao để bé có đôi chân thẳng, không bị vòng kiềng là điều rất được quan tâm.

Rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng em bé mới sinh của mình có đôi chân cong, vòng kiềng. Tuy nhiên, thông thường, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều bị cong cẳng chân do tư thế nằm trong bụng mẹ, gọi là cong cẳng chân sinh lí. Không cần xoa bóp, chân cũng tự thẳng khi trẻ 1 tuổi. 

Điều cha mẹ cần chú ý nhiều nhất là lứa tuổi tập đi của trẻ. Trẻ ở tuổi này chân đã bắt đầu thẳng dần. Tuy nhiên, nếu chân trẻ không thẳng là do một số nguyên nhân sau:

- Trẻ bị bệnh còi xương ở lứa tuổi này là một trong những nguyên nhân của hiện tượng chân vòng kiềng. 
 
Còi xương là một rối loạn phát triển xương, thường do thiếu vitamin D hoặc calci trong chế độ dinh dưỡng. Trẻ thiếu vitamin D thường có những biểu hiện như: cẳng chân cong, đau cơ, gan lách to... Trẻ còi xương và hậu quả là bị chân vòng kiềng có thể điều trị, khắc phục bằng việc bổ sung vitamin D và calci vào chế độ ăn hàng ngày cho bé. Tuy nhiên, một số dạng còi xương là do di truyền thì cần được khám và điều trị tại các chuyên khoa nội tiết.
 
Nếu trẻ bị thiếu vitamin D, cha mẹ cần bổ sung lượng vitamin D cho lứa tuổi tập đi của trẻ nhằm có lượng canxi phù hợp chế tạo các tế bào xương. Để phòng chứng còi xương, trẻ đang bú mẹ cũng cần được bổ sung vitamin D.
 
- Bé có cân nặng quá tải đối với đôi chân hoặc cho trẻ đứng và tập đi quá sớm so với độ tuổi của bé cũng ảnh hưởng đến hình dáng đôi chân bé. Cha mẹ nên để trẻ tập đi, tập đứng phù hợp với sự phát triển tự nhiên của trẻ vì mỗi trẻ có cấu trúc xương khác nhau nên độ tuổi tập đi cũng sẽ khác nhau. Có trẻ 6 tháng tuổi đã biết đi, nhưng cũng có trẻ lâu hơn thế. Không nên cho bé ngồi xe tập đi quá sớm vì trọng lượng cơ thể sẽ ảnh hưởng đến chân của bé.
 
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian xoa nắn, mát xa chân cho bé sơ sinh hàng ngày theo hướng thẳng từ đùi bé trở xuống sẽ vừa tạo cho bé sự dễ chịu và vừa có tác dụng điều hoà tốt.
 
Các cách hiểu như: đóng bỉm, mặc tã dày cho bé quá lâu, bế cắp nách khiến chân bé bị vòng kiềng là hoàn toàn sai lầm vì theo các bác sỹ, trẻ dưới 2 tuổi hệ thống xương và dây chằng của trẻ còn rất mềm, có thể đàn hồi tốt nên thường không bị những chấn thương về xương.
 
Đối với trẻ đã bị chân vòng kiềng, cha mẹ muốn có sự điều chỉnh về đôi chân cho trẻ thì việc mổ nắn không nên tiến hành khi trẻ dưới 5 tuổi nếu trẻ không có bệnh lý nào khác. Vì từ lúc sinh ra cho đến trước 5 tuổi, chân trẻ có 2 lần chuyển dạng sinh lý về xương (đang thẳng lại cong và ngược lại). Khi có ý định mổ nắn cho trẻ, cha mẹ cần đưa con đến các bệnh viện chỉnh hình lớn để có sự tư vấn của các bác sỹ và có cách xử lý phù hợp.
 
L.A
Chia sẻ