Dạy con ngồi bô cũng lắm gian truân

K.Minh,
Chia sẻ

Mỗi lần có nhu cầu "giải quyết cái bụng ấm ách" là bé Bào Ngư lại một mực bắt mẹ bế để bé ị vào bô hoặc vào chậu chứ nhất quyết không chịu tự ngồi.

Mới hơn 1 tuổi nhưng cu Bin nhà chị Hạnh (Mỹ Đình, Hà Nội) tỏ ra rất sạch sẽ. Mặc dù chưa nói sõi nhưng cu Bin có thể biểu lộ cho mẹ biết những lúc bé có nhu cầu đi ngoài. Đặc biệt, mỗi lần đi cầu bé nhất quyết đòi ngồi toilet chứ không chịu để mẹ bế cho ị như hồi còn nhỏ. Sở dĩ cu Bin có thói quen này là vì ngay từ hồi biết ngồi vững, chị Hạnh đã rèn cho con tập ngồi bô. Cái bô xinh xinh có hình con vịt, khi ngồi lại có tựa lưng nên cu Bin rất thích. Thế nên, việc chuyển từ ngồi bô lên ngồi toilet của cu Bin cũng không khó khăn là mấy. Vậy là, cứ lúc nào thấy mặt con trai đần đần ra, giật giật tay mẹ nói "mẹ, ị, ị" là chị Hạnh biết con đang... có nhu cầu ngồi toilet.

Trái ngược hẳn với cu Bin, bé Bào Ngư nhà chị Thảo lại nhất quyết không chịu ngồi bô hay ngồi toilet. Mỗi lần có nhu cầu "giải quyết cái bụng ấm ách" là Bào Ngư lại một mực bắt mẹ bế để bé ị vào bô hoặc vào chậu. Dù cho mẹ nịnh nọt, dỗ dành bao lần thì Bào Ngư vẫn nhất quyết không chịu. Phải đến khi hơn 2 tuổi, đi học lớp mẫu giáo, các cô giáo rèn cho thói quen ngồi toilet thì chị Thảo mới đỡ vất vả vì chuyện vệ sinh của con.

Việc tập cho bé ngồi bô là mối bận tâm lớn của nhiều phụ huynh. Không ít phụ huynh than thở rằng con mình không biết ngồi bô như con nhà chị Thảo. Nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng không cần phải đào tạo trẻ việc ngồi bô tự vệ sinh vì nghĩ rằng lớn lên trẻ sẽ tự khắc tiếp thu được bằng bản năng... Tuy nhiên họ không biết rằng, việc đào tạo ngồi bô cho trẻ là một cột mốc quan trọng, nó đánh dấu tiến độ đầu tiên của con mình khi bước sang giai đoạn phát triển mới của cuộc sống.

Thực tế, tập cho bé ngồi bô là một cách lâu dài để giữ cho ngôi nhà và môi trường xung quanh sạch sẽ. Ngoài ra, việc tập luyện cho bé ngồi bô từ sớm sẽ giúp trẻ tránh được những nguy cơ nhiễm khuẩn hay mẩn đỏ do bé đái dầm hay ị đùn. Các chuyên gia tâm lí cho rằng việc đào tạo trẻ ngồi bô vừa giúp bé kiểm soát bàng quang không làm ướt giường vào mỗi đêm, vừa khiến trẻ tự nhận thức được tính độc lập của bản thân.


Dưới đây là một số lưu ý khi các bậc phụ huynh muốn rèn cho con mình thói quen ngồi bô:

Khi nào thì bắt đầu cho bé ngồi bô?

Thời điểm ngồi bô tùy thuộc từng bé. Nhưng theo các nghiên cứu về trẻ em thì tuổi trung bình để tập cho trẻ ngồi bô là 28 tháng (cho việc ngồi bô ban ngày) và 3 năm (cho việc ngồi bô ban đêm). Hiểu được mình muốn gì, khả năng thể chất kiểm soát bản thân và muốn ngồi bô là các bước then chốt để các bé thành công.

Có một vài dấu hiệu để xác định xem bé đã sẵn sàng tập ngồi bô hay chưa:

- Bé quan tâm đến nhà vệ sinh.
- Bé muốn mọi người xem mình như người lớn và thể hiện tính độc lập.
- Bé gọi mẹ khi muốn đi tè/ị.
- Bé thấy khó chịu khi mặc bỉm.
- Bé không đi ị hay đi tè trong vòng 1 tiếng. Điều này chỉ ra rằng bé đã biết cách kiểm soát cơ bàng quang và hậu môn.
- Bé đã có thể tự cởi quần áo.

Một số mẹo giúp con làm quen với việc ngồi bô:

- Mùa hè là thời gian tuyệt vời để bắt đầu cởi bỏ bỉm cho trẻ và cho trẻ tập ngồi bô.
- Sử dụng bô thường hơn là toilet, vì toilet dường như quá lớn và làm bé sợ hãi.
- Đặt bô kế bên toilet và giải thích rằng bô để đó chỉ dành cho bé mà thôi.
- Lần đầu tiên thử dùng bô, bạn nên ở bên cạnh bé và hãy bảo đảm rằng bé đang mặc loại quần áo dễ cởi.
- Cho bé bắt chước: Chỉ cho bé thấy các anh/chị của mình đi bô như thế nào và để bé bắt chước.
- Mua những chiếc bô thật bắt mắt: Mẹ nên mua những chiếc bô có hình con vật ngộ nghĩnh mà bé yêu thích để con thích thú với việc ngồi bô hơn.
- Nên chuyện trò với bé: Không nên tạo áp lực cho bé, trò chuyện với con thường xuyên để biết được bé lo lắng hay sợ điều gì khi ngồi bô và mẹ có thể giúp trẻ giải tỏa những lo lắng đó.

Những điều không nên làm khi dạy con ngồi bô:

- Thưởng vì bé đã ngồi bô "thành công".
- Phạt hay trách bé vì có rủi ro gì đó xảy ra khi ngồi bô.
- Dù trẻ không muốn, vẫn cứ bắt trẻ ngồi bô.

Chia sẻ