Dạy cháu đích tôn: Không dễ!

,
Chia sẻ

Dạy con chữ hiếu ngày nay rất khó và càng khó hơn với những trường hợp cháu đích tôn như con trai tôi.

Bà nội cháu luôn cưng chiều thằng bé ra mặt, khiến tôi không dám nói nặng cháu trước mặt ông bà, nếu không muốn thấy “bão tố”.

Tôi thường được chứng kiến cảnh con trai vừa ngồi ăn vừa đọc truyện. Hết chén cơm, cháu gọi: “Bà nội!”, ngay lập tức, bà đang ở ngoài sân hay trên lầu đều vội vàng chạy vào xới cơm mới cho cháu, dù nồi cơm nằm chình ình ngay trước mặt. Thi thoảng, tôi còn nghe con nạt bà nội khi bà làm không vừa ý cháu. Tôi ấm ức than vãn với cha chồng để tìm đồng minh, ngờ đâu ông cũng đồng tình với bà, cho rằng cháu còn quá bé để hiểu chuyện (?!). Có điều vì là mẹ, tôi rõ rằng cháu đã rất hiểu chuyện. Ở nhà ông bà là thế (tôi thường gửi con cho ông bà khi phải đi công tác, nghỉ hè…), nhưng khi về nhà tôi, cháu hoàn toàn khác, rất lễ phép, dù là con trai nhưng cũng xuống bếp rửa chén nấu cơm… Tôi hỏi con: “Sao ở nhà bà nội con lại đối xử với bà như thế?”. Con tôi trả lời tỉnh rụi: “Con là cháu đích tôn. Bà thương con lắm!”.

Ảnh minh họa: GettyImages.com

Sự nuông chiều của ông bà đã hình thành ở con tôi thói quen ỷ lại, thích hưởng thụ. Đến khi cháu lớn, bà nội già yếu, mỗi lần “phục vụ” cháu, bà lại ca cẩm, than phiền rằng tôi không biết dạy con nền nếp, thói quen trật tự… Tôi thú thật với bà, ở nhà tôi cháu hoàn toàn khác, bà ngỡ ngàng. Một mặt tôi nói bà hãy giảm bớt sự chiều chuộng, phục vụ cháu, mặt khác, tôi cho con đọc những gì liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch để cháu biết bà đang mệt mỏi chống chọi với bệnh tật. Cháu bắt đầu thay đổi nhưng chuyển biến rất chậm.

Cha đẻ tôi bệnh, ba chị em tôi thay phiên nhau lo cho cha. Do tôi nhỏ con nhất nhà nên khó đỡ cha mỗi lúc uống thuốc, ngồi lên, nằm xuống, vì vậy, mỗi lần vào bệnh viện chăm sóc cha thì đều có chồng, con… hỗ trợ. Con trai tôi quen dần với việc lo lắng cho ông ngoại. Tranh thủ những lúc như thế, tôi kể với con về những kỷ niệm mà cha lo cho tôi khi còn bé. Tôi nhắc lại những chuyện ông bà nội, ngoại đã lo lắng chăm sóc khi cháu còn nhỏ. Tôi kể lúc cháu bị sốt, bà nội đã bế cháu chạy bộ vào bệnh viện, rồi những lúc ông chỉ vì một quyển truyện cháu thích mà lang thang khắp các nhà sách, tìm mua kỳ được.

Cha tôi mất, ba chị em tôi thay phiên đến chăm sóc mẹ. Tôi thường nhờ con chở đi mỗi khi sang bà ngoại. Một hôm, tôi bị bệnh, con trai tôi tự nguyện xin sang ở nhà bà thay mẹ, cháu nói: “Mẹ mà ngủ với bà, sẽ lây bệnh cho bà đó”. Tôi cám ơn con trai vì sự chia sẻ trách nhiệm này và cháu cũng rất vui khi giúp mẹ.

Tôi chợt hiểu, không ai khác mà chính bản thân mình phải làm gương để con cái noi theo. Trong quá trình làm tròn chữ hiếu, vô tình tôi đã thay đổi suy nghĩ của con trai về cách sống. Từ một người ích kỷ chỉ biết nhận, cháu đã biết lo toan cho ông bà. Từ đó, mỗi lần bà nội có biểu hiện gì về bệnh như đứng lên rất khó khăn, ông nội bị lãng tai… là cháu “báo cáo” đầy đủ cho cha mẹ. Bà nội vui mừng nhận xét: “Thằng cháu đích tôn bây giờ ngoan lắm biết quan tâm lo lắng cho bà rồi”.

Phước Hà
Theo PNO
Chia sẻ