Đau đầu vì con hỏi "khoai"

Xuân Lan,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Không thắc mắc về chuyện các loài thú thì Tít lại quay sang chuyện bố mẹ. “Bố ơi, tại sao bố gọi mẹ là em, mà mẹ lại gọi bố là anh ạ?"

Đau đầu với loạt câu hỏi từ lòng vòng tới "khoai"

Sự kiện bé Tít biết nói khiến cả nhà chị Trà (Nghi Tàm, Hà Nội) vừa mừng khôn xiết nhưng cũng mệt rã rời. 

Mừng là sau 2 năm mong ngóng, cuối cùng Tít cũng đã biết nói. “Trước, bé chỉ biết nói ‘me me, bà bà, papa’, cả nhà ai cũng lo lắng bé bị tự kỷ nhưng cũng an tâm phần nào vì tuy bé ít nói, nhưng vẫn hiểu bố mẹ muốn nói gì”, chị Trà chia sẻ. 

Mệt mỏi rã rời là sau khi Tít biết nói, đặc biệt khi con tròn 3 tuổi, ngày nào anh chị cũng bị con “tra tấn” bằng một loạt những câu hỏi. 

“Mẹ ơi, sao con này là con cá mập mà không phải là cá kiếm?”

"Thì tên các nhà khoa học đặt cho chúng cái tên như vậy, ấy mà con?”

"Thế tại sao họ không đặt cá mập là cá kiếm ạ?”, nhìn con ngây thơ hỏi, chị cũng không nỡ mắng mà chỉ lờ đi cho xong vì những câu hỏi của con “hết sức lòng vòng”.

Đau đầu vì con hỏi "khoai" 1
Trong cuộc sống hàng ngày, việc gặp phải những câu hỏi khó nhằn, lòng vòng của con trẻ 
đôi khi khiến các bậc phụ huynh cảm thấy khó chịu (Ảnh minh họa)

Không thắc mắc về chuyện các loài thú thì Tít lại quay sang chuyện bố mẹ. “Bố ơi, tại sao bố gọi mẹ là em, mà mẹ lại gọi bố là anh ạ?"

Anh Thanh – chồng chị nhỏ nhẹ giải thích: “À, vì bố hơn tuổi mẹ”

Tít lại hỏi: "Tại sao lớn hơn lại là anh ạ?"

Anh nhẫn nại: "Tại từ xưa người ta quy định thế rồi, bé thì là em, lớn thì là anh".

Tít lại hỏi thêm: "Tại sao người ta không quy định lớn làm em, bé là anh ạ?”

Thấy chồng có hiện tượng cáu con, chị Trà chạy ra kéo con lên gác dọn phòng cùng mình. Chị thuận miệng dặn dò con: "Năm sau Tít đẹp trai được hơn 4 tuổi, lớn lắm rồi, con ngủ riêng nhé?”

“Tại sao bố lớn đùng rồi mà không phải ngủ riêng trong khi Tít hơi hơi lớn lại phải ra ngủ riêng ạ?”. 

Tại chính thời điểm ấy, thắc mắc của con khiến chị ngắc ngứ không biết nói thêm gì. “Mà nào nó đã tha, ngày nào Tít cũng tua đi tua lại câu hỏi đó thậm chí con còn hỏi cặn kẽ ông bà”, chị than thở. 

Biết không trốn được câu hỏi, hai vợ chồng chị suy nghĩ mấy hôm, và giải thích với bé: “Tít biết không, lỗ mũi bố mẹ rất là to, những 4 cái cơ mà, con nằm cạnh bố mẹ sẽ bị hít hết không khí. Bố mẹ yêu con, muốn con mau lớn nên mới khuyến khích Tít ra ngủ riêng”. 

Đến lúc này, Tít mới ừ hứ, tạm chấp nhận câu trả lời đó. 

Chị Ngọc (Kim Ngưu, Hà Nội) cũng đau đầu với những câu hỏi của con nhưng bé Na (học lớp 4) nhà chị không hỏi những câu ngây thơ như tên con cá, ngủ riêng hay chung. 

Một ngày, bé cứ vặn vẹo chị rằng: "Ơ, mẹ ơi vì sao cứ phải quy đồng mẫu số mà chẳng quy đồng tử số ạ?"

Thấy mẹ lờ đi thì bé nhấn mạnh: “Ngày xưa mẹ bảo mẹ học giỏi lắm cơ mà”.

Chị Thương (Ngọc Khánh, Hà Nội) nhớ lại, trước đây bé Nu cũng có câu hỏi quy đồng như vậy khiến cả nhà khá căng thẳng, bé hỏi hết bố mẹ rồi bà, ai cũng bảo “Thì sách nó dạy thế, sao thắc mắc lắm thế” nhưng bé nhất quyết không chịu với câu trả lời đó. Phải đến khi ông ngoại giải thích thì bé mới gật gù. 

Ông giải thích thế này: "muốn so sánh hai chị em Nu ăn được mấy phần của cái bánh chưng thì qua mắt thường ông khó có thể đoán định được ai hơn ai mà ông sẽ làm theo cách quy hai mẩu bánh của các cháu vào mấy phần của cùng 1 chiếc bánh. Khi đó, ông so sánh được dễ dàng hơn rất nhiều". 

Cũng chán ngán những câu hỏi loanh quanh luẩn quẩn không đầu không cuối của con là nhà chị Quý (Quận 3, TP HCM). Suốt ngày bé Nini (3 tuổi) thắc mắc. Lúc thì “Sao chị Titi lại được mẹ sinh ra trước, không phải là con”, “Sao khi đi ngủ con nằm giữa bố mẹ, sáng ra con lại nằm bên ngoài?”

“Có lúc đi làm mệt kinh khủng lại nghe con ‘tua băng’, lúc đó mình chỉ muốn cho con ăn roi”, chị tâm sự.

Hỏi là cách con tìm hiểu thế giới xung quanh

Trong cuộc sống hàng ngày, việc gặp phải những câu hỏi khó nhằn, lòng vòng của con trẻ đôi khi khiến các bậc phụ huynh cảm thấy khó chịu, nhiều người giận tới mức còn đánh mắng con. Tức giận không phải là cách khiến trẻ thỏa mãn trí tò mò của chúng, ngược lại hành động này còn khiến con sợ hãi, thui chột tính sáng tạo. 

Anh Lâm (Bạch Đằng, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm, trước đây con anh suốt ngày thắc mắc về tên gọi của các loài vật: “Giải thích do các nhà khoa học đặt thì bé không nghe nhưng khi mình bảo cũng như tên con thôi, con là Mi còn bạn hàng xóm là Mai vậy, thế mà con cũng gật gù không hỏi thêm những vấn đề liên quan tới tên gọi nữa”. 

Chuyên gia tư vấn tâm lý Hồng Hà cũng nhận định thêm rằng, thắc mắc, hỏi han là một trong những cách để trẻ khám phá thế giới xung quanh. Cha mẹ nên có thái độ và cách trả lời hợp lý, tích cực, dạy con biết cách đặt câu hỏi bằng việc trả lời logic, chính xác, phù hợp với lứa tuổi.

Chuyên gia nhấn mạnh, đứng trước những câu hỏi của trẻ nhiều phụ huynh lờ đi hoặc quát mắng, dọa nạt bé... việc làm này hết sức sai lầm. Cách cư xử như thế sẽ khiến bé sợ hãi,  không dám bộc lộ bản thân nữa.



Mẹ bảo Chit kể cho mẹ nghe chuyện ở lớp, Chit kể: "Cô giáo kể chuyện con gà. Trèo lên lưng tôi đi. Trèo lên lưng tôi đi". 
Đau đầu vì con hỏi "khoai" 2
Chia sẻ