Đa thai tiềm ẩn lắm nguy cơ

Theo NLĐ,
Chia sẻ

Sản phụ mang đa thai thường phải đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe thai kỳ, tai biến sản khoa, con thường bị non tháng, nhẹ cân.

Mới đây, sản phụ Trần Thị Tình (32 tuổi, ngụ huyện Lai Vung - Đồng Tháp) được Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Đồng Nai chuyển cấp cứu đến BV Từ Dũ - TPHCM do bị tiền sản giật, dọa sinh non. Đây là một ca sinh khó với nhiều nguy hiểm cho mẹ và con: 4 bé gái ra đời rất nhẹ cân, có bé chỉ 1,2 kg và cả gia đình phải lưu lại BV gần một tháng để chăm sóc y tế.

Dễ tai biến khi sinh

Theo bác sĩ (BS) Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ, đây là một ca đa thai điển hình vì sản phụ phải đối diện với nguy cơ sinh khó, tai biến, con non tháng và nhẹ cân, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc về sau. Nhiều người quan niệm sai lầm khi cho rằng “ông bà thương” mới được đa thai hoặc sinh đôi, sinh ba sẽ dễ nuôi.
 
“Phụ nữ thông thường khi mang thai một đứa trẻ có cân nặng trung bình (khoảng 3 - 3,5 kg) kèm các phần phụ khác như bánh nhau, nước ối… thì thể tích tử cung tăng lên 5 lít. Với phụ nữ mang đa thai, thể tích này có thể tăng gấp đôi hoặc hơn nữa. Việc mang một cái thai quá to chắc chắn gây cho sản phụ nhiều mệt mỏi, khả năng lao động bị cản trở” - BS Hải cho biết.

Bên cạnh đó, các cơ quan như tim, phổi có thể bị chèn ép hoặc phải hoạt động quá mức làm bộc phát một số bệnh lý trong thời gian mang thai, thậm chí là phù phổi cấp hay các bệnh lý tim mạch cực kỳ nguy hiểm cho sản phụ. “Sản phụ mang đa thai cũng dễ bị sưng phù, giữ nước ở phần thân dưới nhiều hơn do thai quá to gây chèn ép các mạch máu ở vùng bụng, cản trở tuần hoàn” - BS Hải phân tích.
 
Những cháu bé sinh non trong ca sinh 4 của sản phụ Trần Thị Tình được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Từ Dũ

 
BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết: “Sản phụ mang đa thai dễ gặp rủi ro hơn sản phụ mang đơn thai. Đáng lo ngại nhất là khi sinh, do diện nhau bám rộng và tử cung căng dãn quá mức, sản phụ có thể gặp các tai biến như đờ tử cung, băng huyết, chảy máu sau sinh… Đây cũng là những ca sinh khó, nhiều khi phải mổ vì ngôi thứ các thai nhi không bình thường. Sản phụ cũng có nguy cơ bị vỡ, nứt vết mổ cũ trong quá trình mang thai và sinh nở do thai quá to, nếu đã từng sinh mổ trước đó”.
 
Nên tầm soát trước
 
BS Hải nhấn mạnh: “Khi sinh, sản phụ mang đa thai nên tìm đến những BV có đầy đủ phương tiện hồi sức, các phẫu thuật viên sản khoa nhiều kinh nghiệm và có đơn vị chuyên trách chăm sóc trẻ sơ sinh. Các cháu bé sinh đôi, sinh ba hay nhiều hơn, đa phần là non tháng, nhẹ cân và có nhiều yếu tố bất lợi khác cần được chăm sóc đặc biệt”.
 
Sản phụ cũng cần được theo dõi sát sao, kiểm tra sức khỏe tổng quát các cơ quan chức năng, nhất là hệ tuần hoàn và yếu tố đông máu; tham vấn BS để có chế độ dinh dưỡng phù hợp; tầm soát các bất thường ở thai nhi vào lúc thai 11-13 tuần tuổi. Việc khám, tầm soát thai thường xuyên ở trường hợp đa thai rất quan trọng. Bởi lẽ, khi các thai nhi nằm chen chúc nhau trong một bào thai thì việc phát hiện các bất thường cũng như thai có phát triển đồng đều hay không sẽ khó khăn hơn so với đơn thai.
 
Theo BS Thông, đa thai được xếp vào nhóm thai kỳ có nguy cơ nên thai phụ rất cần được theo dõi, khám tại các BV chuyên khoa sản lớn, đầy đủ phương tiện. Ngoài việc khó phát hiện bất thường ở thai, hội chứng truyền máu cho nhau giữa các bào thai rất đáng lo ngại, có thể dẫn đến tình trạng một thai sống, còn một thai chết lưu. Đây là trường hợp rất khó xử lý nếu muốn bảo toàn cho bào thai sống, bào thai chết lưu để lâu ngày cũng có thể gây bệnh lý về đông máu ở mẹ, rất nguy hiểm khi sinh.
Chia sẻ