Cười rụng rốn với những pha chăm con kinh điển của các ông bố

Nhã Đan,
Chia sẻ

Mọi người vẫn thường nghĩ, chăm con là đặc quyền của người mẹ, các ông bố lóng ngóng thì sao trông được con. Tuy nhiên, với nhiều người vợ, chồng lóng ngóng vụng về chăm con song vẫn vô cùng đáng yêu.

Những câu chuyện xung quanh cục ị của con

Chị Lan, anh Tùng (Cầu Giấy – Hà Nội) có hai bé, một bé 3 tuổi, một bé 7 tháng tuổi. Một lần nhà có giỗ, chị phải cùng mọi người dọn bát đũa, mâm cơm, ông bà nội trông hộ bé 3 tuổi, còn anh Tùng đảm nhận nhiệm vụ trông thằng con 7 tháng tuổi. Dọn dẹp xong, ngó lên thì thằng anh cũng đã ngủ, chị đi tìm hai bố con cậu út ít. Chị mếu máo nhớ lại: “Trời ơi là trời, mình bước vào phòng thấy ông bố thì ngủ chảy dãi nhoe nhoét dính dưới sàn, còn thằng con thì mặt mũi tay chân toàn "sản phẩm nặng mùi". Gọi nhưng chồng chẳng hay biết gì, vẫn say sưa ngủ, phải dùng đến biện pháp dí nguyên thằng con vào mũi chồng, chưa đầy 5 giây sau anh mới gào rú rồi lồm cồm bò dậy”.

Trước đây khi anh chị mới có một bé, anh chẳng phải đụng tay đụng chân vào làm việc gì vì đã có ông bà hai bên giúp đỡ. Nhưng từ sau khi bé thứ 2 chào đời, anh cũng phải lục đục tham gia vào công cuộc chăm con cùng chị. Cả nhà ai cũng trêu rằng anh Tùng có duyên với chuyện ị đái của cậu con thứ 2. Cứ thay bỉm cho con là thế nào anh cũng bị “dính chưởng”, ban ngày có thể “né” kịp nhưng cứ đêm đến, anh phải dí sát mặt vào để nhìn cho rõ thì y như rằng bị con tè ướt hết mặt mũi.

Mỗi lần như vậy, chồng chị cứ lầm bầm: “Thằng anh ngoan bao nhiêu thì thằng em 'bố láo' bấy nhiêu”. Không những thế cứ đều như vắt chanh, khi nào anh chị chuẩn bị bê mâm cơm dọn ra ăn thì cậu con lại mặt mũi đỏ gay đòi ị thối. Thế là ngày nào cũng vậy, bố cứ nhồm nhoài nhai cơm thì mẹ lại lấy bô rồi rửa đít hì hục cho con. 

Cười rụng rốn với những pha chăm con kinh điển của các ông bố 1
Mọi người vẫn thường nghĩ, chăm con là đặc quyền của người mẹ, các ông bố lóng ngóng thì sao trông được con. Tuy nhiên, với nhiều người vợ, chồng lóng ngóng vụng về chăm con song vẫn vô cùng đáng yêu (Ảnh minh họa)

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi gia đình, mỗi thành viên lại có cách cư xử khác khi đứng trước "bom tấn" của con. Anh Tâm (Định Công, Hà Nội) luôn có câu cửa miệng khi lên chức bố là “Cứt của ngài là đề tài của chúng tôi”. Anh biết cứ khi nào bé Chuối không ị được là ngày đó bé quấy khóc, khó chịu lắm. Hôm nào con không ị được quá 3 ngày, anh lại hì hục lấy bông tẩm mật ong rùi ngoáy hậu môn con để kích thích con ị. Khốn nỗi, "sản phẩm" của bé Chuối lại... siêu thối, trong khi cả nhà dạt hết sang phòng khác, anh lại cười sung sướng ra mặt rồi khen con “Thơm, cứt con bố thơm”. Và cứ khi nào bé đánh ủm một cái thì anh lại sướng ra mặt, chạy đi khoe cả nhà. 

Càng lớn, bé Chuối càng bám bố lắm, dù mới có 2 tuổi nhưng bố cứ đi làm là cậu lại khóc, Chuối chỉ thích ăn cơm với bố, được bố cho đi ị. Thế là cứ khi nào con ị dù đang làm gì, anh cũng gác lại và ra ngồi với con. Có lần đi làm về muộn, bụng đói meo nhưng cậu con hành đi ị, thế là con thì ị, bố thì mếu máo: “Mày ị nhanh để bố mày còn ăn, đói lắm rồi”.

Rồi đến chuyện ăn của con

Chuyện ị thì thế, đến chuyện cho con ăn, nhiều chị em bức xúc kể rõ ràng về tội của chồng. Chị Ngân (Yên Ninh, Hà Nội) chia sẻ chuyện chồng chăm con của gia đình mình. Anh Chiến rất yêu con, thương vợ, cứ khi nào đi làm về thấy chị đang cho con ăn cháo, anh hăm hở bảo: “Mẹ nó để bố cho nó ăn, em làm gì thì cứ làm, nghỉ ngơi cứ nghỉ”. Lần nào cũng vậy, 15 phút, bé đã khoắng sạch bát cháo, chị tấm tắc tự hào về anh lắm. Một lần tình cờ chị lên phòng sớm hơn, chị bắt quả tang khi thấy con thì nằm ngoáy ngoáy dưới chiếu, bố thì hồn nhiên vừa xem tivi vừa ăn cháo của con. 

Khi được hỏi rõ ràng, chị mới biết, từ trước đến nay, toàn bố ăn hộ con là chính, anh còn ngây thơ bào chữa: “Anh hỏi con là có ăn nữa không, thấy nó lắc thì thôi anh ăn nốt cho nhanh gọn”.

Thấy chồng cười hì hì, chị vừa tức vừa buồn cười bảo: “Bố nó mà là người giúp việc chắc mình cho nghỉ hưu từ lâu rồi”.

Cười rụng rốn với những pha chăm con kinh điển của các ông bố 2

Chuyện chăm con

Chị Hà Phương (Đội Cấn, Hà Nội) kể chuyện “chắc cả đời không quên” của chồng chị. Lúc đó, bé Khoai mới 10 tháng tuổi, hôm đó là ngày nghỉ, chị đi chợ búa cơm nước cho bữa chiều và dặn chồng ở nhà chăm con. Khi đi chợ về, chị tá hỏa khi thấy chồng thì đang lăn quay ra ngủ say sưa trong khi con thì không thấy đâu. Lay dậy nhưng anh còn ngái ngủ chỉ trỏ linh tinh: “Con nằm ngay đây này vợ”. 

Lo lắng, chị nhéo anh một cái thật đau cho tỉnh, hai vợ chồng ngớ ra khi trong phòng 30m2 không thấy con đâu. Vợ chồng chị chạy sang nhà hàng xóm cũng không ai thấy con “bò ngang qua”. 

Chưa bao giờ chị lo lắng đến thế, vợ thì khóc bù lu bù loa, anh thì toát mồ hôi hột chạy khắp nơi, ông bà họ hàng hàng xóm nghe tin tức tốc phi lên để thông báo “tìm trẻ lạc” với công an phường. Cả nhà đang tán loạn thì tự dưng thấy Khoai chui lồm ngồm từ gầm giường ra, tay dụi mắt lấy dụi mắt để. Chị bảo, lúc đó cả nhà mừng không gì tả xiết. Hóa ra bố say sưa ngủ, bé Khoai chẳng có ai chơi nên chui vào gầm giường nghịch rồi ngủ quên trong đó lúc nào không hay. 

Không “đau tim" như trường hợp trên nhưng anh Tú - chồng chị Chi ở Khâm Thiên, Hà Nội lại rất ẩu. Chị nhờ anh lau mặt cho con thì anh cứ tiện tay vớ được cái gì thì lau cho con bằng cái đó, vì cái tính bạ đâu làm đó của anh mà cậu con trai 2 tuổi của chị cũng bị nhiễm, cứ thấy cái gì trước mặt là lôi ra lau lau, kể cả đồ lót của mẹ, giẻ lau bàn cũng được bé nhiệt tình chùi mặt. 

Con trai lớn 2 tuổi rồi nhưng anh vẫn sợ khi chăm con một mình. Lúc nào vợ đang nấu cơm nhờ chồng chơi cùng con, chị cũng bị chồng làm phiền bằng hàng loạt câu hỏi:

"Em ơi đang làm gì đấy? Lên đây mà xem này!"

Lục đục lên thì hóa ra con bị muỗi đốt, anh vẫn nhiệt tình hỏi: 

"Tại sao tay con có mấy nốt đỏ này nhỉ?"

Đang bận rán cá, chị giải thích nhanh với chồng rồi lại đi xuống. Được 2 phút, anh lại í ới:

"Em ơi, con đái rồi!"

"Anh thay quần cho con giúp em"

"Quần để đâu? Mặc cái nào? Màu nào hả em?"

"Trong tủ đồ của con ấy anh, quần nào cũng được".

Lúc lên phòng, chị tá hỏa khi giữa trời nóng như thiêu đốt, anh "diện" cho con nguyên một cái quần nỉ. 

Không đoảng như anh Tú nhưng anh Duy cũng khiến vợ anh là chị Nhàn (Bạch Mai, Hà Nội) đôi khi dở khóc dở cười. Chị rất vui khi anh chiều con, nếu ngày nghỉ nào mẹ bận việc, anh cũng chủ động cho con đi chơi đây đó. Lần nào chị cũng dặn 11 giờ phải đưa con về để ăn trưa rồi ngủ nhưng lần nào chị cũng phải gọi anh như hò đò; 11 giờ gọi điện, anh không nghe máy; 12 giờ gọi lại thì anh bảo hai bố con đang về; 1 giờ chiều gọi thì anh bảo: “Anh hỏi Sóc thì nó bảo nó thích ăn kem, hai bố con ăn trưa bằng kem no lắm rồi”. 

Chị điên tiết, mắng anh và bảo anh đưa Sóc về ngay còn ăn bù và ngủ. 3 giờ chiều, chị mới thấy bố con tha nhau về, hỏi thì anh bảo: “Ăn kem xong hai bố con cà phê tâm sự tí”. Chị vừa tức vừa thương chẳng nói được lời nào. 



Biết vợ vất vả, anh thấy mình phải có trách nhiệm và chia sẻ với vợ nhiều hơn. Vì thế, anh luôn dành phần chăm con thay cho vợ, để vợ ngủ cho ngon giấc.
Cười rụng rốn với những pha chăm con kinh điển của các ông bố 3
Chia sẻ