Cuộc đấu tranh với hội chứng chậm tiếp thu

,
Chia sẻ

“Jonny khoẻ mạnh, giao tiếp, vui chơi với mọi người bình thường. Nhưng cậu bé này không thể tập trung làm việc gì quá 10 phút. Chính vì thế cậu tiếp thu các bài học ở lớp rất khó khăn.”

Mary Grande bế cậu bé Jonny năm tuổi ra khỏi phòng khám của bác sĩ Laura Solomon tại nam California. Vừa rời khỏi vòng tay mẹ, Jonny đã lao ra ngoài và sà vào khu vui chơi dành riêng cho các bệnh nhân nhí của bác sĩ Solomon. Nếu chỉ nhìn qua, ít ai tin rằng cậu bé này đang có một căn bệnh trong người. Nhưng Jonny đã mất ba buổi sáng làm việc cùng bác sĩ Solomon để có một bản test chính xác về hội chứng chậm tiếp thu của mình.

“Jonny khoẻ mạnh, giao tiếp và vui chơi với mọi người bình thường. Nhưng cậu bé này không thể tập trung làm việc gì quá 10 phút. Chính vì thế cậu tiếp thu các bài học ở lớp rất khó khăn,” bác sĩ Solomon lý giải. Đã 27 năm nay, vị nữ bác sĩ này gắn bó với công việc thực hiện các bài test về khả năng nhận thức và tiếp thu của trẻ em để đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất cho hàng ngàn trường hợp trẻ em tại California bị mắc chứng chậm tiếp thu. “Những bài kiểm tra như thế này là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật về tâm lý. Test không phải để xác định bệnh nhân có bệnh hay không mà vấn đề chỉ là mức độ như thế nào để tác động và cải thiện tình hình”.

Tình trạng chậm tiếp thu ở trẻ em là một hội chứng không có thuốc chữa bởi nó có nguyên nhân từ những rối loạn trong hệ thần kinh của trẻ. Chỉ có thể phát hiện sớm và xây dựng những phác đồ cải thiện theo mức độ cụ thể của từng trường hợp. Đa số các em có biểu hiện chậm biết đọc hoặc biết viết, thậm chí có thể đọc nhưng lại không thể đánh vần. Hoặc các em không thể tập trung thực hiện một công việc nào đó đòi hỏi trí não như làm bài tập hay các bài tập ngoại khoá.

Cuối tháng 1 vừa qua, báo cáo về sức khoẻ học đường của uỷ ban Giáo dục thành phố New York đã khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Các chuyên gia cho biết hội chứng chậm tiếp thu ở trẻ em trong mấy năm gần đây tăng lên đáng kể do những nguyên nhân từ tác động của gia đình. “Sự thật là hội chứng chậm tiếp thu không hề dễ phát hiện. Kể cả những bà mẹ chỉ hoàn toàn làm công việc nội trợ cũng chỉ biết con mình mắc bệnh sau khi các cháu đi học,” bác sĩ Solomon phân tích.

Những trẻ bị mắc chứng này sẽ phải trải qua chương trình cải thiện tốn kém và mất nhiều công sức

Cha mẹ không dành đủ thời gian cho con trẻ hay cách thức dạy dỗ cũng như vui chơi cùng con chưa hợp lý khiến các em dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý. Chưa kể những tác động rất lớn của tivi và các phương tiện giải trí như video game với trẻ em là rất lớn. “Trong chương trình cải thiện cho các em, chúng tôi luôn phải yêu cầu các ông bố, bà mẹ hạn chế tối đa, thậm chí không cho con xem tivi và sử dụng các thiết bị giải trí mà hướng các hoạt động ra bên ngoài”, bác sĩ Solomon cho biết.

Không có thuốc điều trị và cách duy nhất là thực hiện các chương trình cải thiện do bác sĩ đề ra. Nhưng nhiều gia đình tại Mỹ đang gặp một trở ngại khác, đó là chi phí cho những chương trình này vô cùng đắt đỏ. Trung bình một trẻ thực hiện test và tham gia chương trình cải thiện, bố mẹ sẽ phải mất từ 3.000 tới 5.000 đôla. Đây là con số không hề nhỏ nếu chưa tính tới công sức mà bố mẹ sẽ phải bỏ ra.

Trong một đạo luật về trách nhiệm với trẻ em chậm tiếp thu viết tắt là IDEA do Chính phủ Mỹ ban hành năm 1975, có điều khoản quy định việc các trường công phải có trách nhiệm hợp tác với gia đình khi phát hiện có học sinh bị mắc chứng chậm tiếp thu và cùng chia sẻ với gia đình của học sinh những chi phí cho công việc điều trị. Tuy nhiên luật là luật và thực tế lại là chuyện khác.

Ông Neal Rosenberg là cố vấn pháp lý cho rất nhiều gia đình trong cuộc đấu tranh với các trường tiểu học tại Manhattan. “Họ biết rằng luật pháp không đứng về phía mình. Nhưng uy tín và nhất là những con số chi phí quá lớn khiến các trường luôn tìm đủ mọi cách để đối phó với những trường hợp đặc biệt này”, luật sư Rosenberg cho biết.

Thậm chí một hệ thống các trung tâm Thông tin và tư vấn cha mẹ cũng được xây dựng và đặt trụ sở tại nhiều bang của Mỹ. Đây là nơi các bác sĩ, luật sư và thậm chí những ông bố, bà mẹ có kinh nghiệm về vấn đề này sẽ tư vấn cho những người cần giúp đỡ. “Chúng tôi rất hiểu những lo lắng của cha mẹ khi con cái mắc hội chứng này. Cùng lúc những gia đình đó phải đối mặt với hai cuộc chiến. Một bên là để con cái mình khỏi bệnh và phát triển bình thường như mọi đứa trẻ khác. Một bên là đấu tranh để quyền lợi của mình được thực hiện cũng như gánh nặng được sẻ chia”, chị Kyle Karen, một tình nguyện viên của trung tâm tâm sự.

Trẻ em Việt Nam có mắc hội chứng chậm tiếp thu?

Theo bác sĩ Quách Thuý Minh, trưởng khoa tâm bệnh (bệnh viện Nhi Trung ương), trẻ em bị mắc hội chứng này tại Việt Nam khá nhiều. Khi tới khám tại đây, các em cũng được thực hiện các bài test để xác định mức độ bệnh và cách cải thiện. Tuy nhiên, ngoài các lớp học đặc biệt do bệnh viện tổ chức, theo bác sĩ Minh cách tốt nhất là bố mẹ phải là người chữa bệnh cho con. “Chúng tôi phát những tài liệu hướng dẫn cách hỗ trợ con cho các bậc phụ huynh để từ đó họ có thể đồng hành với các cháu và giúp các cháu khỏi bệnh,” bác sĩ Minh cho biết.

Hiện nay ở nước ta không có chính sách nào hỗ trợ cho các em bị mắc hội chứng này. Tuy nhiên chi phí cho một ca cải thiện tâm bệnh tại nước ta không cao như tại các nước khác. Trong trường hợp cần thực hiện các kiểm tra về nội tiết của trẻ, đây là những công nghệ trong nước chưa làm được và các gia đình sẽ phải chi phí tới hàng chục triệu để gửi mẫu xét nghiệm ra nước ngoài lấy kết quả.

Theo SGTT

Chia sẻ