Cuộc "cách mạng" quanh vành nôi

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

Để dạy con tư duy độc lập theo cách của Tây, nhiều phụ huynh trẻ phải cố công đi ngược lại với nếp nghĩ "cá không ăn muối cá ươn".

Chị Hoài Thu, một bà mẹ kiên quyết dạy con kiểu Tây đã gặp phải phản ứng dữ dội của cả bố mẹ chồng lẫn bố mẹ đẻ. Chị phạt con nhịn ăn khi bé hất đổ bát cơm, bà lại cặm cụi dỗ dành, nịnh cho bé ăn bằng được. Khi chị phản đối, bà quát: “Nuôi con thì phải chịu khó dỗ con chứ. Bắt con nhịn thế làm sao nó chịu được!”.

Thấy bé ngã khá đau, chị động viên con tự đứng lên. Bà cụ lao đến ôm lấy cháu, xót xa: “Sao mẹ mày lạnh lùng thế hả con? Cháu ngã đau thế này mà không dỗ con chút nào cả!”. Lập tức, bé nhà chị khóc một hồi dài cho đến khi bà mang cả bố, cả mẹ, cả bàn ghế ra để “đánh chừa”.

Chị Hoài Thu nhận ra, nếu sống chung, phải thay đổi các cụ trước. Từ đó, mỗi lần có ông bà can thiệp, chị kiên quyết nói: “Con đang dạy cháu, dù đúng hay sai, ông bà cứ để đó cho con!”. Không ít lần, chị bế con khỏi tay ông bà.

Thời gian đầu, mình stress nặng vì ông bà nói với họ hàng như mình tàn nhẫn, có học mà không biết dạy con. Mình cũng phải kiên trì giải thích và chứng minh với các cụ là con tiến bộ”- chị Thu nói.



Vợ chồng anh Minh (Thanh Xuân - Hà Nội) thì kém may mắn hơn khi ông bà vẫn chưa "thông" với lối nghĩ này.

Con còn nhỏ, biết gì, phải chiều chuộng nó chứ. Lớn lên thì hãy nghiêm khắc" - bố của anh Minh dạy lại.

Muốn cách mạng tư tưởng thì phải mất lòng trước!” - anh Minh mạnh dạn thực hiện phương pháp dạy con, và chấp nhận chịu tiếng “tàn nhẫn, lạnh lùng” và thích dạy khôn bố mẹ. Anh Minh thở dài: “Đợi “hồi sau”, các cụ sẽ hiểu”.

"Ra riêng" để dạy con cho tốt

Ra riêng là lựa chọn của gia đình anh Quân (Cầu Giấy - Hà Nội). Anh biết tính bố mình rất bảo thủ và gia trưởng, mọi việc trong nhà ít khi trái ý ông cụ. Đặc biệt, với cậu cháu "đích tôn", ông cưng hơn vàng và chiều cháu hết mực. Khi vợ chồng thống nhất được cách dạy con, anh Quân quyết định ra ở riêng.  

Thời gian đầu, hai vợ chồng xoay xở với con như chong chóng. Khi có người giúp việc, anh chị lại bỏ công sức dặn dò người giúp việc không làm thay những việc bé có thể làm, không chiều chuộng bé khi bé hư và dỗi.

Tuy nhiên, hằng ngày, anh chị vẫn phải nghe những cuộc điện thoại “điều khiển từ xa” của bố mẹ về chuyện bé phải tự ăn cơm, bé gầy so với các bạn cùng tuổi, về người giúp việc không chịu làm cho cháu những việc như mặc đồ, rửa bát.

Anh Quân tự nhủ: "Mình muốn con có một nền tảng ấu thơ tốt để sau này dạy con sẽ suôn sẻ hơn. Chỉ có thể để thời gian cho ông bà thấy cháu ngoan và khôn lớn thế nào, ông bà mới hiểu cho vợ chồng mình được".

Chị Hồng - một phụ nữ đơn thân dù có bố mẹ sẵn sàng ở bên - thừa nhận chỉ có sống một mình, chị mới dạy con như mình mong muốn. Dù mới chỉ là những năm đầu đời của bé, nhưng chị tin con tự lập, con biết nghe lời, con có nề nếp chính là nền tảng tốt để chị phát triển cho bé trong tương lai.

Chị tâm sự: “Dạy con có lẽ là công trình lớn nhất của cuộc đời mình. Và có lẽ là công trình kỳ công nhất. Mới chỉ là những bước chân đầu tiên của con, mình cũng phải dạy tốt để con bước thật vững.”
Chia sẻ