Cư dân mạng xôn xao về E102 trong mì ăn liền gây hại cho trẻ

LÊNA NGUYỄN,
Chia sẻ

Chỉ trong vài ngày, các topic bàn về mì ăn liền và chất tạo màu thực phẩm tartrazine (còn gọi là E102) đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Những bình luận dài trên diễn đàn Webtretho tới 20 trang và đang tiếp tục “ngôn luận” giữa các thành viên xung quanh đề tài mì ăn liền có chứa phẩm màu vàng E102 nguy hại xem ra vẫn chưa có hồi kết. Nhiều thành viên chỉ ra rằng E102 là một trong những thành phần bị đưa vào “danh sách đen” của nhiều nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì vẫn được phép sử dụng. Chính vì thế nên các hãng sản xuất vẫn ngang nhiên đưa chất này vào thực phẩm, đặc biệt là mì ăn liền – món ăn có thể nói là phổ biến nhất ở Việt Nam.
 
Từ các thảo luận trên các diễn đàn, các bà mẹ đã tự xây dựng cho mình hành vi tiêu dùng thông thái khi kháo nhau rằng nếu mua mì ăn liền cho gia đình thì cần phải xem kỹ thành phần ghi trên bao bì của các loại mì ăn liền hiện nay, chọn loại nào không có phẩm màu vàng E102 để “tự cứu mình trước khi được các cơ quan chức năng cứu”.

Nhiều trẻ em Việt Nam có thói quen ăn mì sống

Thành viên Mitki trên diễn đàn webtretho đặt câu hỏi: “Phẩm màu liệu có tốt cho thực phẩm hàng ngày chúng ta dùng không? Chất phẩm màu E102 được đưa vào tất cả các thực phẩm ở Việt Nam như vậy, liệu thực phẩm nước ngoài có thành phần này không?”.
 
Như để trả lời cho câu hỏi trên, thành viên jackiepicky đang sống ở Nhật cho biết cùng một loại mì ăn liền của cùng một hãng sản xuất nhưng mì ở Việt Nam thì có E102 còn mì tại Nhật Bản lại không có chất này ghi trên bao bì. Một thành viên khác có nick là FCUK2011 từng du học tại Nhật thì đưa ra nhận xét là mì ăn liền ở Nhật Bản không có màu vàng sậm và mùi vị thơm như mì của Việt Nam.
 
Veronika.becker lại cho rằng: “Ở Việt Nam không có lệnh cấm E102 nên mì nào cũng dùng chất này để tạo màu vàng cho đẹp mắt và thơm ngon. Nhưng mỳ Nhật và Hàn có màu như vậy đâu vì họ biết nghĩ đến sức khỏe của người dân nên cấm từ lâu rồi với cả một phần nữa là dân họ ý thức cao, biết bảo vệ sức khỏe của chính mình”. Không ít các thành viên cũng đặt vấn đề yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét tác hại của phẩm màu vàng E102 nếu có, như thành viên Belenbacanhatapnoi (webtretho) chia sẻ: “Mình nghĩ tất cả các loại hóa chất nhân tạo dù cho vào thực phẩm với mục đích làm đẹp hơn, ngon hơn, thơm hơn thì ít hay nhiều đều không tốt, cho nên hạn chế được gì thì sẽ bớt đi cơ hội đối mặt với bác sỹ”.

Chứng hiếu động thái quá và xu hướng bạo lực ở trẻ nhỏ có liên quan đến phẩm màu vàng E102 trong mì ăn liền - Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Trên diễn đàn lamchame, các thành viên cũng đua nhau tranh luận về đề tài này và tỏ thái độ lo ngại thật sự vì mức độ sử dụng mì ăn liền, đặc biệt đối với trẻ em khi chất E102 chứa trong đó được cảnh báo là nguyên ngân gây gây hiếu động thái quá và kém tập trung, giảm chú ý ở trẻ em, hình thành nên thói lăng xăng, hành động kỳ quái hoặc tự kỷ, ám thị ở trẻ nhỏ… Thành viên i.love.cosmetic cho rằng: “Nếu trên mạng đã có những thông tin như thế này thì chắc chắn các nhà sản xuất không thể không biết. Lợi nhuận bây giờ cao hơn sức khỏe con người ư?”.
 
Trong khi cuộc tranh luận về chất tạo đục DEHP trong thực phẩm vẫn đang tiếp diễn thì nay đến lượt phẩm màu vàng E102 khiến cộng đồng mạng lại thêm một lần hoang mang. Thực hư về phẩm màu vàng E102 thế nào vẫn còn là một câu chuyện dài chưa rõ hồi kết khi chưa có sự lên tiếng của các cơ quan chức năng.
Chia sẻ