Con trầm cảm vì chứng kiến bố đánh mẹ

,
Chia sẻ

Đến 3 tuổi, Mai vẫn là một cô bé hay cười hay nói. Nhưng hai lần, chứng kiến cảnh bố uống rượu say về nhà đánh mẹ, quát tháo, đập phá đồ đạc, cửa kính... khiến cháu hoảng sợ, khóc thét lên và từ đó thay đổi hoàn toàn.

Giờ đây đã 7 tuổi nhưng bé Mai vẫn chẳng khác nào một cô bé 3 tuổi rụt rè, chỉ lủi thủi chơi một mình. Bé rất nhút nhát, ngại tiếp xúc, đi học hay đi chơi cũng chỉ ngồi thu lu một chỗ. Mọi sự phát triển của cháu rất chậm chạp nên gia đình còn cho rằng cháu bị thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ - bác sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội), cháu Mai không hề bị thiểu năng trí tuệ mà là bị rối loạn về tâm lý, cảm xúc thất thường. Nhiều lúc cháu im lặng, trầm buồn, không nói năng gì nhưng nhiều lúc lại cười nói liên tục, thậm chí còn nói cố tình giả vờ sợ một cách đùa cợt, sợ bóng đèn, đèn tuýp, các con thú trong giỏ đồ chơi, chỉ để thu hút sự chú ý của người khác.

Nguyên do cũng chỉ vì bé bị chấn động mạnh khi nhìn thấy cảnh bạo lực trong gia đình. Những trường hợp như thế không phải là hiếm gặp.

Tiến sĩ Bưởi cho biết bà đã gặp trường hợp một gia đình ở Quảng Ninh mà cả 3 cô con gái đều bị rối loạn lo âu do thường xuyên chứng kiến bố dùng bạo lực với mẹ chỉ vì uất ức mẹ không sinh được con trai.

Mỗi lần uống rượu say về là ông bố lại lôi người mẹ ra đánh, quát mắng, chửi bới trước mặt 3 đứa con. Điều đó khiến chúng khiếp sợ, co rúm người lại, ngồi thu lu vào một góc, trong đó nặng nhất là cô con gái út mới 7 tuổi. Những lúc bình thường cháu cũng hay hốt hoảng, tim đập nhanh, mồ hôi vã ra như tắm, la hét và buồn nôn.

"Những hình ảnh bạo lực xảy ra ngay trước mắt có thể khiến trẻ khiếp sợ, gây những tổn thương trong lòng. Một số bé sẽ sống thu mình lại vì sợ hãi, vì mặc cảm, một số thậm chí bị ám ảnh. Tất cả đều có thể dẫn tới những rối loạn về tâm lý", bác sĩ Bưởi nói.

Không phải cứ đánh nhau mới ảnh hưởng đến trẻ mà việc cha mẹ cãi nhau, lăng mạ, sỉ nhục, chửi bới nhau cũng để lại những ấn tượng xấu trong lòng trẻ. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là bất cứ trẻ nào nhìn thấy bố mẹ xô xát với nhau cũng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng về tâm lý.

Chỉ những trẻ nhạy cảm, không chịu nổi những tác động bên ngoài mới dễ bị những rối loạn về tâm lý. Còn một số trẻ khác khi chứng kiến cảnh đó, chúng thấy buồn và chán nản, thậm chí muốn bỏ đi để thoát khỏi tình cảnh này. Những lúc ấy chúng chỉ cần được lắng nghe, được trút bầu tâm sự thì hoàn toàn có thể vượt qua được.

Bác sĩ Bưởi cũng cho biết, người lớn nhiều khi quá vô tâm, họ thản nhiên cãi nhau, đánh nhau trước mặt con trẻ vì cho rằng chúng còn nhỏ không hiểu biết gì. Nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm vì ngay từ khi biết nói trẻ đã có thể cảm nhận những bất ổn xung quanh mình, và sẽ có sự phản kháng.

Vì thế cha mẹ nên tránh cãi cọ, xô xát trước mắt trẻ. Như thế vừa không làm xấu hình ảnh bố mẹ trong mắt con, vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý của trẻ. Khi đã vô tình để trẻ nhìn thấy cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu hoặc tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ về tâm lý, để tránh những hậu quả về sau.

Nam Phương/ Theo Vnexpress

Chia sẻ