Con tâm thần vì cha mẹ hám cho du học

Theo SGTT,
Chia sẻ

Một năm trời đi học bên Pháp, bất ngờ Thế Bảo, 18 tuổi, được đưa về nhà trong trạng thái ngơ ngơ, ngẩn ngẩn.

Lúc này, việc cho con đi học ở Mỹ, Âu không quá khó đối với nhiều gia đình. Có nhà con mới năm tuổi, phụ huynh đã nghĩ ngay đến việc thiết lập một tài khoản để dành cho con đi du học sau này!

Nhưng có phải chỉ cần lo xong tấm visa với số tiền kha khá trong tài khoản là bố mẹ có thể an tâm với chuyện cho con sang xứ người “gặt” kiến thức?
 
Ngành học quá tầm với
 
Một năm trời đi học bên Pháp, bất ngờ Thế Bảo (tên nhân vật trong bài đều đã được thay đổi), 18 tuổi, được đưa về nhà trong trạng thái ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Gia đình đưa em đến phòng khám. “Học xong cấp 3, cả nhà làm thủ tục cho Bảo sang Pháp để theo chuyên ngành tâm lý học. Không hiểu vì sao mới một năm mà con trai tôi lại trở thành như vậy, nó được chu cấp kinh tế đầy đủ, lại được học ở một trường đàng hoàng có thua ai đâu chứ”, bà Hoàng Thu, mẹ của Bảo ngồi chờ con trước hành lang phòng khám, chia sẻ.
Bên trong phòng khám, khi không có bố mẹ bên cạnh, khó khăn lắm Thế Bảo mới thổ lộ nỗi niềm của mình với bác sĩ: Bảo vốn là học sinh khá giỏi ở một lớp chuyên Anh, và em rất đam mê máy tính. Vậy nhưng khi tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ lại làm thủ tục cho Bảo sang Pháp theo học một lĩnh vực mà từ trước đến giờ Bảo chưa hề nghĩ đến. Hơn nữa, Bảo phải bắt đầu học tiếng Pháp từ vỡ lòng.

Dù bên đó có ông bà nội, người thân, nhưng Bảo không khỏi lạ lẫm khi vào một lớp học toàn sinh viên nước ngoài với những tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Pháp. Không bắt kịp lời giảng viên, cũng không đủ vốn từ giao tiếp với bạn bè, thầy cô, em bắt đầu rơi vào trạng thái ít nói, ngơ ngẩn, về đến nhà là bó gối trong phòng. Đến lúc nhận thấy Bảo có trạng thái bất thường, khóc cười, la hét không kiểm soát được, người thân bên Pháp mới đưa Bảo tìm đến bác sĩ. Sau tám tháng trời chạy chữa, gia đình đưa Bảo về Việt Nam. Bác sĩ điều trị tại Việt Nam cho biết: Bảo bị chứng loạn thần cấp, cần thời gian khá dài mới có thể hồi phục!
 
Ảnh SGTT

Đem con bỏ giữa xứ người

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp, nguyên trưởng khoa khám trẻ em, bệnh viện Tâm thần TP.HCM; trưởng phòng khám Tâm Gia An, cho biết: “Có tháng, phòng khám chúng tôi tiếp nhận năm đến bảy trường hợp du học sinh có vấn đề về tâm thần, đa số tuổi từ 15 đến 18. Sau những cuộc trò chuyện, rồi điều trị kết hợp thuốc men và trị liệu tâm lý, chúng tôi được biết nguyên do khiến các em bị sang chấn tâm lý là do thiếu kinh nghiệm, không hoà hợp văn hoá, ngoại ngữ kém. Phần lớn các em đi học do sự xếp đặt của gia đình.

Ở nhà, có thể các em là những học sinh giỏi, nhưng khi sang các nước, những gì em có trong đầu thật khác xa so với kiến thức xứ người. Yếu tố này khiến các em thất vọng ở bản thân mình, cảm thấy phụ công ơn bố mẹ, nên bị stress, có trường hợp còn nghĩ đến cái chết”.

BS Diệp đã từng điều trị cho một nữ sinh du học ở Úc. Em tên Liên, 20 tuổi, sang Úc học từ những năm cấp 3. Liên khá ngoại ngữ, là con một gia đình giàu có, mọi sinh hoạt đều có người nhà lo hết. Còn sang bên này, một thân em phải xoay trở mọi thứ từ đi xe buýt, giặt đồ, nấu ăn, tự chăm sóc khi ốm. Những năm cấp 3 trôi qua ổn thoả, nhưng khi tiếp cận môi trường đại học, cuộc sống của em bị đảo lộn hoàn toàn.

Những học trình với tài liệu khó khiến Liên không theo kịp, em thường xuyên bị căng thẳng, ức chế. Bố mẹ thường xuyên gọi điện cho Liên, nhưng chỉ hỏi thăm chuyện học hành, điểm số, càng khiến em lo lắng, áp lực hơn. Không biết chia sẻ với ai, Liên mất ngủ thường xuyên, không tập trung vào bài vở nên có học kỳ bị rớt toàn bộ các môn. Em suy sụp hoàn toàn. Gia đình biết chuyện, hốt hoảng bay sang để đưa em về nước. Lúc dọn hành lý, mẹ Liên vô tình tìm thấy nhật ký của em, biết được đã nhiều lần con mình có ý định tự tử!

“Lúc ở nhà em là đứa ham chơi, xém chút nữa là nghiện hút. Bố mẹ chạy vạy làm thủ tục cho em đi học ở Ấn Độ, trong khi một chữ tiếng Anh em cũng không có. Sang bên đó, không gia đình, bạn bè bên cạnh, vùng đất em ở chỉ toàn tiếng quạ kêu cuối chiều, đêm về lại trú ngụ những con nghiện đầy cám dỗ. Tụi em học thì ít, phần lớn là lo tránh nạn, thi thoảng còn bị chủ nhà đuổi ra ngoài đường vì ăn nhiều thịt bò (khác với tôn giáo của họ)... Đến năm thứ hai, chịu không nổi, em bỏ về nhà, mặc kệ bố mẹ la mắng”, Nguyễn Bảo Ân, 20 tuổi, kể lại khoảng thời gian du học của mình.

Hiểu con muốn gì trước khi chắp cánh

“Con đã bị ức chế tâm lý, phải điều trị, nhưng khi con hồi phục, cha mẹ lại tìm cách khuyên nhủ, đẩy con trở lại xứ người, mặc cho con không hề mong muốn điều đó”, BS Diệp chia sẻ một số trường hợp phụ huynh đến nhờ chị bằng mọi cách phải khuyên con cái họ trở lại con đường cũ. Gặp tình huống đó, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý đành lắc đầu, bởi họ không thể tiếp tay để bệnh nhân trở lại với bệnh tật.

BS Diệp có lời khuyên: “Một khi con trẻ đã hồi phục tâm lý, tốt hơn hết phụ huynh đừng nhắc với con về chuyện trước kia. Hãy để con tự thiết lập ước mơ, và theo đuổi ước mơ đó. Đừng vì những kỳ vọng, so sánh mà bố mẹ vô tình phá hỏng cuộc đời của con cái”.
 
Cũng theo BS Diệp, du học là một kế hoạch lý tưởng cho tương lai. Nhưng, trước khi cho con đi xa, phụ huynh nên chuẩn bị cho con tâm lý kỹ càng, vốn ngoại ngữ đầy đủ, đặc biệt là những kỹ năng sống độc lập để con có thể tự xoay trở những lúc gặp khó khăn mà không có gia đình bên cạnh. Phụ huynh cũng cần tìm hiểu rõ về môi trường nơi con học, như trường lớp, chỗ ăn ở, phương tiện giao thông đi lại. Quan trọng hơn hết, cần hiểu rõ tâm nguyện của con, biết những đam mê của con để hướng con đi đúng đường.

Chia sẻ