Con nhìn trộm hay bố mẹ quá vô tư!?

HN,
Chia sẻ

Dù con nhìn chằm chằm bố mẹ thay đồ hay con cố ngó qua cái lỗ nhỏ xíu trên tấm cửa nhà tắm để nhìn bố hoặc mẹ tắm thì vợ chồng chị Huyền vẫn “vô tư” mặc kệ.

Suốt mấy ngày hôm nay, không khí trong nhà chị Huyền thật ảm đạm. 3 người ở trong một căn phòng thuê 20m2, một gác xép thế nhưng chẳng ai nói với ai câu nào. Đến bữa thì lầm lũi ăn cơm, ăn xong thì việc ai nấy làm. 7 ngày trôi qua, như không thể chịu đựng được thêm, chị Huyền quyết định phải nói chuyện nghiêm túc với chồng về chuyện của con trai.

Một tuần trước, cô giáo chủ nhiệm của thằng Thanh, con trai chị Huyền năm nay học lớp 5, gọi điện cho chị Huyền và mới chị lên văn phòng nhà trường nói chuyện. Cô giáo phản ánh rằng, cu Thanh dạo này có biểu hiện rất lạ đi ngược với nền nếp đạo đức. Đó là, cháu rất hay tìm cơ hội có thể ngắm nhìn cơ thể các bạn nữ. Không ít lần cô giáo nghe phong phanh các bạn gái trong lớp nói chuyện với nhau và bảo nhau nên cảnh giác với Thanh, bởi Thanh thường hay nhìn qua cổ áo của các bạn nữ trong lớp. Nhưng vì không bắt được quả tang nên không thể kết luận gì được. Để ý một chút thì cô giáo chủ nhiệm thấy đúng là Thanh thường có thói quen đứng sát vào các bạn gái và liếc vào trong cổ áo của bạn. Hơn nữa, Thanh còn thường chú ý dáng đi của các bạn nữ rất chăm chú. Những lần như vậy, cô giáo thường ra hiệu hoặc gọi Thanh để Thanh biết ý mà chừa tật xấu đó đi, nhưng xem ra không có hiệu quả. Gần đây nhất, cô giáo còn bắt gặp Thanh đứng lấp ló ngoài cửa phòng thay đồ khi các bạn nữ đang thay đồ để chuẩn bị lên biểu diễn văn nghệ. Khi cô hỏi tại sao đứng đó thì cu cậu lúng túng và ấp úng nói rằng định gọi bạn Thu để chốt tiết mục văn nghệ của lớp hộ các bạn trai, cho dù cu cậu không tham gia tiết mục nào.
 

Chị Huyền không khỏi bất ngờ và xấu hổ khi được cô giáo thông báo như vậy. Cô giáo không làm lớn chuyện vì không muốn Thanh phải xấu hổ. Cô chọn cách trao đổi với gia đình để hiểu hơn về Thanh.

Không còn cách nào khác, chị Huyền đành xin lỗi cô giáo và hứa sẽ về nói chuyện, trao đổi với con và giúp con từ bỏ tật xấu này. Hứa với cô giáo như vậy, nhưng chị biết, con đường giúp con từ bỏ tật xấu này gian nan và cần phải kiên trì nhiều lắm. Bởi chỉ biết tại sao, từ ai mà con chị có tính xấu đó.
 
Vợ chồng chị lấy nhau từ hai bàn tay trắng, đi thuê nhà ở từ trước khi cưới đến khi cưới rồi khi có con trai là cu Thanh và cho tới tận bây giờ. Trước đây, khi Thanh còn nhỏ, anh chị thuê một căn phòng diện tích hẹp hơn một chút, lại không có gác xép riêng biệt nên tất tần tật sinh hoạt gia đình diễn ra trong một phòng, ai làm gì cũng công khai nên như không muốn giấu. Trừ chuyện vợ chồng là anh chị chờ đến lúc con ngủ say mới làm, còn những việc khác, kể cả việc thay đồ hay tắm giặt đều diễn ra trước mắt con. Anh chị tặc lưỡi: “Con nó còn nhỏ, đã biết gì mà phải lo”. Thế nên, dù cho ánh mắt của con cứ nhìn chằm chằm vào bố mẹ khi bố mẹ thay đồ hay khi con cố ngó qua cái lỗ nhỏ xíu trên tấm cửa mỏng manh để nhìn vào nhà tắm khi bố hoặc mẹ tắm thì vợ chồng chị Huyền vẫn “vô tư” mặc kệ. Thậm chí khi hai vợ chồng cùng xem phim có chút “nhạy cảm” anh chị cũng “hồn nhiên” để thằng cu con khi đó mới 6 tuổi cũng dán mắt vào xem theo chứ không bật qua chương trình khác.
 
 
Một lần, bạn thân chị Thanh đến đón chị cùng đi đám cưới. Chẳng ngại ngần, chị thay đồ luôn trước mặt khách và con sau khi đã xin phép. Chị bạn thân lấy làm ngạc nhiên lắm khi thấy chị Thanh vẫn giữ thói quen thay đồ trước mặt con như vậy, cho dù lúc đó thằng bé mới học lớp 2. Sau khi được chị bạn thân khuyên nên tránh mặt con lúc thay đồ, để không ảnh hưởng đến nhân cách của con sau này, vợ chồng chị Thanh mới nghiêm túc nghĩ đến chuyện kín đáo hơn khi thay đồ.
 
Anh chị cứ nghĩ con còn nhỏ lắm, chưa biết gì nên không cần ý tứ, và khi con lớn, tự khắc con sẽ biết có nên nhìn hay không. Thế nhưng, sự thực không phải như vậy. Hậu quả nhãn tiền chính là hành vi không đáng được hoan nghênh của con chị như cô giáo nói.

Trẻ con có tính tò mò, càng lớn trí tò mò của trẻ càng tăng và gây ra những ảnh hưởng khác nhau. Từ chỗ thường xuyên thấy bố mẹ thay đồ hoặc nhòm qua khe hở nhà tắm, trẻ từ lớn đến nhỏ sẽ hình thành những thắc mắc như: Của bố và của mẹ có khác nhau không? Của mình giống bố hay giống mẹ? Giống như thế nào? Ở tuổi mình khác của bố mẹ như thế nào? Và các bạn đồng trang lứa với mình nhìn ra sao, có giống mình không?...
Khi những thắc mắc này của con không được giải đáp một cách thỏa mãn thì trẻ sẽ phải tự tìm hiểu. Đó chính là một trong những lý do khiến nhiều trẻ có tính “ngó nghiêng” không tốt như cu Thanh nhà chị Huyền.
Chia sẻ