Con không thích mẹ có em bé!

HN,
Chia sẻ

Trẻ em không có khái niệm anh em khi mẹ đang mang thai em bé vì chúng chưa nhìn thấy em. Tâm lý chung của trẻ là ghen tị.

Con lớn chưa đầy 2 tuổi, chị Liên lại phát hiện mình mang bầu đứa thứ hai. Để lại nuôi thì sợ vất vả, mà bỏ thì tội con, chị Liên đau đầu vô cùng về vấn đề này. Nhất là khi cô con gái lớn của chị lại có tính nhõng nhẽo, hay quấy và đòi làm nũng mẹ. Cuối cùng, vợ chồng chị quyết định giữ lại em bé với suy nghĩ: "Đẻ một thể, nuôi một lượt".

Thế nhưng, mọi việc không đơn giản như chị Liên vẫn nghĩ. Nhiều hôm mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi thì con gái lớn lại cứ đòi mẹ phải chơi cùng hoặc đòi mẹ phải đút cho ăn... Không chiều con thì con dỗi và lăn ra khóc, mà chiều con thì chị không còn sức... mà thở. Đấy là còn chưa kể việc, con gái đã biết "tị" với em bé trong bụng mẹ. Cứ thấy mẹ xoa bụng hay cho em bé trong bụng mẹ nghe nhạc là con gái chị lại tỏ thái độ hằm hằm xông đến đánh vào tay mẹ hoặc cầm tai nghe ném đi và đòi mẹ bế, đòi mẹ thơm... Biết con gái "ghen" với em bé chưa ra đời, chị Liên thường tranh thủ "tâm sự" với con về em bé để con biết yêu em hơn, nhưng xem ra tình hình không được cải thiện là mấy.


Chị Huyền cũng gặp tình trạng tương tự. Chị có một "cậu ấm" đầu lòng năm nay đã 4 tuổi. Ngay từ bé, "cậu ấm" đã được bố mẹ dành cho rất nhiều tình cảm nên cậu bé luôn có suy nghĩ mình là nhất, mình luôn là mối quan tâm số 1 của mọi người. Ngay từ khi còn bé, "cậu ấm" nhà chị Huyền đã tỏ ra rất quấn mẹ. Đến khi "cậu ấm" được hơn 4 tuổi thì vợ chồng chị quyết định sinh thêm em bé nữa. Những tưởng con trai đã lớn thì sẽ biết giúp đỡ bố mẹ và biết thương em và mong chờ em bé chào đời cho có anh có em, nhưng không phải vậy. "Cậu ấm" của chị Huyền phản ứng ra mặt khi thấy mẹ nói mẹ có em bé trong bụng. Có lần, hai mẹ con đang ngồi, "cậu ấm" đưa tay đánh bùm bụp vào bụng mẹ, vừa đánh vừa nói: "Đánh chừa em bé này, mẹ không được yêu em bé, mẹ phải yêu Sún cơ. Con không thích mẹ có em bé". Hoặc có lần mẹ mua quần áo cho em và đem giặt phơi khô để cất đi thì Sún nhao ra vớ hết lấy và ném ra sân để "em không có quần áo mặc thì mẹ không yêu em nữa". Thấy con như vậy, chị Huyền bực mình lắm, thường lấy roi ra dọa và đánh Sún, khiến Sún càng tin rằng vì em bé mà mẹ không yêu mình nữa nên Sún càng không thích em bé hơn.

Trẻ em không có mấy khái niệm anh em khi mẹ đang mang thai em vì chúng chưa nhìn thấy em. Chúng chỉ biết mẹ đang có em bé trong bụng, và khi thấy mẹ có những hành động tỏ ra thân thiết với "cái bụng" là lập tức trẻ tin rằng mẹ yêu em bé trong bụng mẹ hơn mình, từ đó trẻ nảy sinh tâm lý ghen ghét và đố kị.


Lúc này, cha mẹ cần làm gì?

- Nói về em bé mới: Khi bụng của bạn là thực sự lớn, có thể là 8 tháng, mẹ có thể nói nhiều hơn về em bé với con lớn: Ví dụ như "em bé mới của Sún". Hãy để con cảm thấy em bé và để con nói chuyện hoặc hát cho em bé nghe.

- Mua sách về em bé cho con xem: Cho con xem những hình ảnh về một em bé nhỏ xíu và nói với con về tất cả những điều bạn đã làm cho con và sau này là cho em bé.

- Kể cho trẻ đã biết đi và trẻ mẫu giáo về em bé ngay từ khi mẹ mới có bầu.

- Tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ hiểu biết, hãy nói cho con bạn tại sao bạn cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh, một cách ngắn gọn nhất, thiếu kiên nhẫn, và bất cứ điều gì khác mà bạn cảm thấy khi mang thai. Bạn có thể nói: "Em bé cần rất nhiều năng lượng để phát triển, và đó là lý do tại sao mẹ mệt mỏi và ngủ rất nhiều ... "

- Để cho con cảm nhận sự chuyển động của em bé trong bụng mẹ: Thông thường tháng thứ năm hoặc thứ sáu, trẻ lớn có thể cảm thấy bé cử động của em bé. Hãy để con tiếp xúc với em bé qua bụng mẹ bằng cách cảm nhận.
Chia sẻ