Con không thích ăn sáng đâu!

,
Chia sẻ

Nhiều nghiên cứu chứng minh, những bé ăn sáng đều đặn có khả năng tập trung, tinh thần lạc quan và cách giải quyết tình huống rắc rối tốt.

Ngược lại, nhóm bé hay bỏ bữa sáng thường cáu kỉnh, mệt mỏi và dễ mất tập trung. Hơn nữa, lười ăn sáng còn dẫn tới suy giảm trí nhớ và kỹ năng ngôn ngữ. Hầu hết các bậc phụ huynh đều nhận thức được tầm quan trọng của bữa sáng với các bé. Tuy nhiên, có vài tình huống xảy ra trong thực tế khiến bạn dễ thỏa hiệp với việc bỏ ăn sáng của con.

1. Bé nói: ‘Con không đói’

Khi đó, bạn có thể đưa cho con một chiếc bánh mỳ, một miếng sandwich, kèm với một hộp sữa. Bé sẽ ăn sáng trên đường tới lớp vì thời gian ấy, cảm giác đói xuất hiện nhiều hơn lúc ở nhà.


2. Bạn không có thời gian

Nhiều cha mẹ chú trọng đến quần áo hay sách vở của con từ tối hôm trước nhưng lên kế hoạch cho bữa sáng của ngày hôm sau thì lại lơ là. Để tiết kiệm thời gian, bạn hãy chuẩn bị thực đơn cho bữa sáng của con từ tối hôm trước. Cần nhờ chồng hoặc người thân cùng chia sẻ khi chuẩn bị bữa sáng.

Có thể chuẩn bị bàn ăn sáng từ tối hôm trước và hỏi: “Sáng mai, con thích món gì?”.

Trong tủ lạnh, bạn hãy phân loại từng ngăn chuyên biệt: chỗ nào đựng sữa, hoa quả, rau xanh… Buổi sáng trở dậy, bạn dễ dàng lấy đồ ăn cho con, ngay cả lúc quá vội vàng.

3. Bữa sáng quá nhàm chán

Nhiều phụ huynh sai lầm khi coi bữa sáng là bữa phụ, chỉ cần chuẩn bị qua loa. Các món dành cho bé quanh quẩn chỉ là mỳ, bún, bánh mỳ hay xôi. Chính điều này khiến bé chán và muốn nhịn còn hơn. Vì thế, để bé hứng thú ăn sáng, bạn cần thay món cho con liên tục.

Dinh dưỡng cho bé tiểu học

Từ 6 tuổi, bé bắt đầu đi học. Do đó, các chất dinh dưỡng cung cấp hàng ngày cho bé qua thức ăn không chỉ để bé phát triển về thể chất, mà còn cung cấp năng lượng cho bé học tập. Vì vậy, ăn sáng hợp lý ở lứa tuổi này giúp bé thông minh, khỏe mạnh và phòng chống được bệnh tật.

Nhu cầu về năng lượng và chất đạm ở lứa tuổi này như sau:

6 tuổi: năng lượng (1.600 Kcal), chất đạm (36g).

7-9 tuổi: năng lượng (1.800 Kcal), chất đạm (40g).

10-12 tuổi: năng lượng (2.100-2.200 Kcal), chất đạm (50g).

Chú ý: Nếu không có điều kiện chế biến nhiều loại món ăn trong một ngày thì có thể tính lượng đạm của bé như sau: cứ 100g thịt nạc tương đương với 150g cá hoặc tôm, 200g đậu phụ, 2 quả trứng vịt hoặc 3 quả trứng gà. Nếu ăn các loại bún, miến, phở, khoai, ngô, sắn thì phải giảm bớt lượng gạo đi.

Chế biến thức ăn cho con

Lứa tuổi này bé đã hoàn toàn ăn cùng với gia đình, tuy nhiên bạn cần lưu ý một số điểm sau:

- Cho con ăn no vào bữa sáng (để tránh ăn quà vặt ở đường phố, hoặc ăn quá ít, nhịn sáng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, thậm chí hạ đường huyết trong giờ học).

- Nên cho con ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, tránh ăn một vài loại nhất định.

- Khuyến khích con ăn nhiều rau, để tránh táo bón, đồng thời cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.

- Ăn đúng bữa, không ăn vặt, không ăn bánh, kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.

- Không nên nấu thức ăn quá mặn, tập thói quen ăn nhạt.

- Không nên ăn quá nhiều bánh kẹo, nước ngọt vì dễ bị sâu răng. Đến bữa ăn nên chia suất ăn riêng cho bé, để tránh ăn quá ít hoặc quá nhiều.

- Tập thói quen uống nước kể cả khi không khát, lượng nước nên uống một ngày 1 lít.

- Giáo dục cho bé thói quen vệ sinh ăn uống: rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.

- Số bữa ăn: nên chia 4 bữa/ngày, 3 bữa chính và một bữa phụ.

 Ths.BS. Lê Thị Hải (SK & ĐS)

Theo Mẹ&Bé

Chia sẻ