Con hư tại... hàng xóm

,
Chia sẻ

Mãi đến lần mất tiền thứ 5, chị Thảo mới cay đắng nhận ra rằng, thủ phạm không phải ai khác ngoài con mình.

Khi chị hỏi "Ngày nào mẹ cũng cho tiền quà vặt mà sao con còn cần thêm tiền làm gì?", cu Dũng phụng phịu: "Con cần tiền để đi chơi game với bạn Tùng". Chị Thảo giật mình. Chiều nào cũng thấy hai đứa xỏ giày thể thao xin phép bố mẹ cho đi đá bóng, tối mịt mới về. Giờ nghĩ lại, chị mới nhớ ra rằng, cu Dũng đi đá bóng về, mặt thì phờ phạc mà chả có tí mồ hôi nào. Hoá ra, môn thể thao trong 4 bức tường đã tiêu tốn của chị mấy triệu đồng trong vòng có một tháng.
 


Dũng kể, hôm đầu Tùng rủ đi đá bóng, Dũng cũng tưởng thật. Sau thấy Tùng dẫn vào quán game online, được nhìn thấy Tùng giáp lá cà với các đối thủ trên mạng, Dũng như bị bỏ bùa mê. Không tài nào dứt ra được. Thế là theo Dũng, bỏ cả ăn sáng, lấy tiền chơi game. Tiền ăn sáng không đủ, mới nghĩ đến chuyện mượn tạm cái ví của mẹ. Tùng bày cho Dũng cách rút tiền trong cả cọc tiền nên mấy lần đầu chị Thảo không phát hiện ra. Chỉ đến khi giữa buổi về  nhà lấy tài liệu, sự thật phũ phàng phơi bày ra trước mắt, chứng kiến cảnh cậu con trai đang loay hoay nhét ví tiền của mẹ trở lại ngăn kéo, chân chị như muốn khuỵu xuống. Cứ tưởng cho con đi đá bóng cùng bạn cùng bè cho bớt căng thẳng chuyện học hành. Không ngờ lại để con ra nông nỗi này.

Biết chuyện, mẹ của Tùng cũng tá hoả, về kiểm tra xem mình có mất gì không. ôi thôi, bao nhiêu lần Tùng xin tiền mẹ đi học thêm, hoá ra đều đã được cống nạp cho các chủ quán game online. Tùng còn là khách ruột của một cửa hiệu cầm đồ ở phố Đặng Dung. Cái xe đạp của Tùng mỗi tháng được ra vào cửa hiệu này hàng chục lần.

"Thấy con có bạn chơi, cứ tưởng là phúc, ai ngờ rước hoạ vào nhà", chị Thảo than thở. Đổ hết lỗi cho con hàng xóm, nhưng thực ra trong chuyện này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chị Thảo. Nếu chị để ý đến con nhiều hơn thì...

 Theo ĐSPL

Chia sẻ