Con hơi tí là dỗi

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Bé Quỳnh Anh (4 tuổi) có rất nhiều đồ chơi. Mẹ đem dọn dẹp để cho em Tũn nhà dì thì Quỳnh Anh dỗi mẹ, mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước.

Nếu mẹ có cố tình bắt chuyện thì Quỳnh Anh lờ đi, làm mặt giận, chạy vào ôm cổ ba khóc tức tưởi như bị gì oan ức lắm.

Biết Quỳnh Anh thích ăn kem, mẹ mua kem về dỗ mà cô nàng vẫn không chịu ăn. "Mỗi lần giận ba mẹ điều gì là bé thường hay dỗi, mà mỗi lần dỗi kéo dài cả tuần. Rõ dai" - mẹ Quỳnh Anh tâm sự.

Cũng như mẹ Quỳnh Anh, chị Hồng có con gái mới 2 tuổi nhưng lại cũng rất hay dỗi. Cứ không thích gì là bé dỗi. Dỗi bất kể ai trong nhà làm phật ý từ ba mẹ đến ông bà. Thậm chí bé ra sân khu tập thể chơi, hàng xóm trêu gì cũng dỗi. Mà mỗi lần dỗi là xị mặt ra, không nói năng gì cả, mặt nặng như chì, ai hỏi gì cũng không nói, nhưng nếu không hỏi đến thì lại tức tưởi khóc vì không được quan tâm.

Mẹo hay cho cha mẹ có con hay dỗi

Trong khi phần lớn các bé ở độ tuổi mẫu giáo thích mè nheo thì có một số bé sử dụng “vũ khí” dỗi để ứng phó với những tình huống không hài lòng. Tuy nhiên, nếu mè nheo thường tự nhiên chấm dứt khi bé lớn hơn thì hờn dỗi lại không giới hạn (ngay cả người lớn cũng dùng cách dỗi để gây sự chú ý với người khác). Giống như “chú cún nhỏ cần thêm thức ăn”, bé dùng chiêu dỗi để nhận được sự quan tâm hơn nữa từ cha mẹ. Điều khó chịu là khi ấy, bé không bộc lộ lòng mình nên cha mẹ không biết cách đáp ứng.
 

Nếu bé mè nheo phải đòi bằng được thứ bé muốn (thông qua ngôn ngữ) thì bé thích dỗi muốn gây sự chú ý của cha mẹ bằng ngôn ngữ cử chỉ (mặt buồn, hay khóc, ít nói). Cần nhớ rằng, hành vi này ở bé đã được thay thế cho lời nói, để ám chỉ những gì bé không hài lòng.

Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh. Nếu cáu kỉnh hay quát tháo, bé sẽ tìm cách thu mình lại, càng khóc nhiều hơn trong khi cha mẹ có thể không tìm ra nguyên nhân. Cha mẹ thử kiểm tra những nguyên nhân khiến bé dỗi như: “Bé chưa muốn đi ngủ”, “Bé không thích mẹ ôm hôn các bé khác”, “Bé muốn được đi chơi bây giờ”… Tiếp đến, cha mẹ sẽ giúp bé bày tỏ mong muốn bằng cách đề nghị: “Mẹ biết là con đang buồn. Con có điều gì muốn nói với mẹ không?”. Sau đó, có thể hỏi lại những câu mà bạn cho là nguyên nhân khiến bé dỗi; chẳng hạn: “Con muốn đi chơi à?” rồi giải thích lý do có thể đáp ứng bé hay không.

Bên cạnh đó, các mẹ có thể tham khảo cách trị con dỗi của mẹ Cún Bông nhé. Cún Bông trước đây cũng rất hay dỗi, mỗi lần dỗi là mếu máo, nước mắt nước mũi rơi lã chã. Mẹ Cún Bông đã dùng nhiều cách để đánh lạc hướng nhưng không ăn thua. Vậy là mẹ Cún Bông nghĩa ra một cách, lấy máy ảnh chụp lại hình Cún Bông lúc đang mếu máo và đưa cho con xem, bảo: Con xem này, con khóc nhè xấu quá, trông buồn cười quá". Mặc dù đang khóc rất to nhưng khi nhìn thấy hình ảnh mếu máo của mình con cũng nín và phì cười vì mặt con trông buồn cười quá. Sau vài lần như vậy thì Cún Bông cũng bớt tính hay dỗi hẳn. Các mẹ thử áp dụng chiêu này của mẹ Cún Bông xem có phù hợp với con mình không nhé!

Chia sẻ