Con, cha mẹ và “chuyện người lớn”

,
Chia sẻ

Không ít cha mẹ bối rối trước câu hỏi: làm sao khi con bé/ thằng bé... có “bồ” hoặc thắc mắc “chuyện đó”!?

 
Dù trẻ chỉ biết đại khái những chuyện vốn dĩ chưa hợp với tuổi của trẻ, nhưng cũng làm phụ huynh ngẩn ngơ và toát mồ hôi hột.
 
Ngọng nghịu nói chuyện... yêu đương
 
Trong buổi lễ bế giảng năm học ở trường mầm non, con gái 5 tuổi của anh G.B. (Q.12, TP.HCM) chạy đến ôm một bạn trai và thơm vào má bạn. Anh B. liền hỏi: “Sao con làm vậy?”. Cô bé bi bô: “Con làm vậy để bạn biết là con thương bạn. Con thấy trên tivi như vậy mà”.

Anh B. tủm tỉm cười vì sự “thông minh” của con nhưng cũng không khỏi giật mình. Còn chị Thảo Tiên (Q.7, TP.HCM) cũng ngớ người khi nghe con gái 7 tuổi véo von kể: “Ở lớp, các bạn ghép đôi con với bạn Đức nhưng con không thích bạn Đức vì bạn ở dơ và học dở. Con sẽ chỉ lấy chồng Tây thôi, khi đi đâu chồng Tây sẽ bồng con cho mình, xách giỏ cho mình. Mình đi tay không cho sướng!”. Chị Tiên gặng hỏi cô bé vì sao biết điều đó, cô bé cười lỏn lẻn: “Bạn Huyền cùng lớp nói với con đó. Lớp con nhiều bạn nói vậy lắm!”.

Đến tuổi “tiền dậy thì” các bậc phụ huynh càng tá hỏa khi thấy con bộc lộ tình cảm về bạn khác giới. Một chuyên viên tư vấn tâm lý kể ca tư vấn của anh: một người mẹ bối rối khi tìm thấy trong cặp của con gái học lớp 5 lá thư rất tình cảm con viết cho bạn, lẫn lộn ngôn ngữ “xì tin” và nhuốm mùi phim Hàn Quốc. Cô bé viết: “Em bít (biết) là em đã sai khi chia tay anh và iu (yêu) người khác. Xin anh hãy tha thứ cho em. Cả tuần nay em bùn (buồn) lắm, xin anh hãy tin em lần này nữa thôi, một lần này nữa thôi... Vì em biết rằng em sẽ không thể nào sống mà thíu (thiếu) anh”.

Đối thoại với “dậy thì tâm hồn”

Con sớm biết nhiều chuyện làm cho bố mẹ vui nhưng cũng lo lắng không ít. Chị Thảo Tiên (Q.7, TP.HCM) chia sẻ: “Điều kiện sống hiện nay cho trẻ cơ hội tiếp xúc rất nhiều kênh thông tin so với thế hệ trước đây, cha mẹ khó kiểm soát triệt để. Điều quan trọng là cha mẹ dạy cho trẻ hiểu những gì đúng, sai, nên làm và không nên làm”.

Cũng trăn trở về chuyện “dậy thì tâm hồn” sớm ở con, anh G.B. cho rằng: “Khi ở lứa tuổi các cháu, tôi chỉ chơi bắn bi, trốn tìm, tạt lon, nhưng bây giờ con tôi mới học tiểu học đã biết chơi game trên điện thoại di động, thích xem phim người lớn hơn xem phim hoạt hình và đặc biệt rất thích xem biểu diễn nhạc trẻ, thời trang, khiêu vũ... Các bạn của cháu cũng “hiện đại” như vậy. Tôi thật sự lo mình không kiểm soát hết những yếu tố đang tác động đến cháu”.

Về vấn đề này, Th.S tâm lý học Lê Thị Linh Trang gợi ý khi trẻ hỏi và thể hiện những hiểu biết chung chung về giới tính, phụ huynh không nên quy gán cho trẻ như người lớn thu nhỏ. Chị đưa ra ví dụ, một bé trai 3 tuổi hôn môi bé gái hàng xóm 2 tuổi, những người giữ trẻ xúm lại bàn tán. Người bảo: “Thằng này ghê quá, mới bây lớn đã biết... dê”, người cười cợt, cổ vũ cháu làm lại lần nữa, người nói: “Con nít bây giờ biết yêu sớm quá”... Cha mẹ chứng kiến điều này lúc đang vui thì cười bảo “Thằng này lớn giống ba”, lúc không vui thì đè con ra đánh mắng... Những điều ấy chỉ làm cho trẻ không hiểu nổi người lớn và cũng không hiểu nổi mình!

Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - gợi ý giải pháp cho bố mẹ: “Đừng hoảng hốt, quát mắng làm trẻ sợ, cũng đừng tránh né hay gạt phắt đi. Ví dụ khi trẻ hỏi chuyện yêu đương, hãy giải thích cho trẻ về tình cảm thương yêu trong gia đình, chỉ cho trẻ cách bày tỏ tình cảm với cha mẹ, bạn bè, người xung quanh. Như vậy không chỉ giải đáp được thắc mắc cho con mà còn giúp con phát triển nhân cách, ứng xử. Lối sống cha mẹ rèn cho con từ nhỏ chính là hàng rào thường trực nhất, tấm lọc vững chãi nhất trước “những thứ dường như có màu đen”.
 
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ