Con biết nghe lời bố hay mẹ đây?

,
Chia sẻ

Mẹ không cho Tôm “sờ” đến máy tính vì sợ hại mắt. Bố lại bảo cho chơi 1 tiếng/ngày. Mẹ bảo cho Tôm đi học thêm ở nhà cô. Bố lại phản đối: “Lớp 1 cần gì học nhiều”.

Dạy con kiểu "trống đánh xuôi -  kèn thổi ngược"

Từ ngày cu Tít đi mẫu giáo, hai vợ chồng chị Lan không ngớt lời qua tiếng lại. Bố muốn cho con học trường Quốc tế, để con làm quen sớm với tiếng Anh, sau này còn đặt nền tảng đi du học.

Chị lại bảo: “Bé tí đã nói tiếng Việt sõi đâu mà tiếng Anh. Gần 7 triệu/tháng chứ có ít đâu. Đi học ở đấy cho phí tiền. Thà để tiền đấy tích lũy cho con đi du học còn sướng hơn”. Đi học trường gần nhà, chị đưa đón hàng ngày cũng đỡ vất vả hơn.

Vợ muốn làm theo ý vợ, chồng thích cách của chồng. Cuối cùng chị Lan cũng đành nghe lời chồng vì anh đã dẫn chứng được mấy trường hợp bạn anh có con đi học mẫu giáo ở trường Quốc tế: “Bây giờ mới 5 tuổi mà bọn nó siêu tiếng Anh như gió”.

Cu Tít đi học tuần đầu tiên về đã bắt đầu viêm họng, nóng sốt. Về đến nhà, con ăn nhiều hơn (Cứ như kiểu ở lớp bị cô bỏ đói). Sáng ngủ dậy, bé bấu chặt áo mẹ không chịu đi học. Chị “hả hê” lắm, cho rằng các cô không chăm sóc bé tốt và sốt sắng muốn đổi trường hoặc cho con ở nhà với bà thêm năm nữa cũng được.

Ai dè, anh chỉ phán một câu: “Đứa nào mới đi học mẫu giáo mà chả hay khóc, đòi ở nhà. Em phải bình tĩnh đi, khong thì sao con biết tự lập”.

 “Cuộc chiến” giữa hai vợ chồng nhà anh Hải lại càng gay gắt hơn. Bé Tôm mới vào lớp 1 nhưng đã không biết nên học theo cách của bố hay của mẹ đây? Mẹ bảo mẹ muốn cho con đi học thêm tiếng Anh sớm. Trẻ con càng tiếp xúc sớm với tiếng Anh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tối nào, mẹ cũng bắt con học hết tiếng Việt đến tiếng Anh đến hơn 10 giờ. Hôm nào bị điểm kém, phải học thêm 1 tiếng nữa rồi mới được đi ngủ.

Trong khi đó, bố lại khăng khăng: “Trẻ con cấp 1 chỉ cần chơi là chính, học để biết. Điểm ở trường có thấp một tí không sao. Cái chính là con hiểu vấn đề.”

Nhiều lúc nói vợ không nghe, anh lại tỉa tót một câu: “Em xem bên nhà anh và bên nhà em ai học cao hơn. Kiểu học nhồi nhét từ bé mà chỉ toàn học đến trung cấp, cao đẳng. Nhà anh học lớt phớt kiểu gì mà toàn bằng tiến sỹ với thạc sỹ” làm chị tức điên lên. Hai vợ chồng cứ thế lời qua tiếng lại chả vì lý do gì cả.

Nhưng quan trọng hơn, bé Tôm biết được “cách dạy của bố mẹ”, nên ỉ lại bố. Mẹ cứ bắt học, cu cậu lại cãi: “Bố bảo không cần phải học nhiều. Bố bảo cho con chơi mà”.
Mẹ thì ép con ăn, bố bảo chỉ cần con ăn theo nhu cầu (Ảnh minh họa)

Bố mẹ nên thống nhất khi dạy con

Tình trạng bất đồng dạy con giữa các cặp vợ chồng ngày càng “bùng nổ” và ngày càng gay gắt hơn. Và bé – người ở giữa, đã biết tận dụng cơ hội này để đáp trả lại bố mẹ kiểu như: “Mẹ cho phép con...” hoặc “Bố bảo con làm thế này cơ mà”.

Sở dĩ bố mẹ tranh cãi quyết liệt vì mỗi người đều muốn giáo dục con theo cách mình cho là đúng và đã được trải nghiệm suốt thời thơ ấu. Nếu hai bố mẹ không đưa ra một sự thỏa thuận chung trong cách dạy con thì dù cách giáo dục dù đúng hay không đều phản tác dụng mà thôi.

Điều tối kỵ là bố mẹ không nên tranh cãi trước mặt con về cách nuôi dạy. Bố mẹ nên bàn bạc, thống nhất trước khi đưa ra một quyết định cho con. Nên có những dấu hiệu riêng giữa vợ và chồng nếu cuộc chiến chợt bùng nổ. Chọn thời điểm và không gian không có con ở đó để ngồi nói chuyện với nhau.

Sự bàn bạc và thỏa thuận giữa các bố mẹ cũng nên ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau. Không nên vì cái tôi, sự hiếu thắng của mình mà động chạm đến sự tự ái của “bên còn lại”: “Anh/em im đi để việc dạy con tôi lo”, “Biết gì mà dạy”, “Không biết thì im mồm đi”...
Bố mẹ nên thống nhất trước khi đưa ra quyết định dạy con (Ảnh min họa)

Một số gợi ý cho bố mẹ

Nếu bố mẹ chưa lựa chọn được phương pháp học nào là phù hợp cho con, hãy viết ra tất cả những ưu điểm và hạn chế của cách học đó và đem lên bàn cân so sánh. Bên nào nhiều ưu điểm hơn, sẽ chọn dạy con theo phương pháp đó.

Trong gia đình nên có những quy tắc chung, rõ ràng để tránh những tranh cãi lắt nhắt. Những quy tắc chung này có thể được thay đổi, cập nhật và phù hợp với từng thời điểm để tất cả các thành viên trong gia đình cảm thấy thoải mái. Mỗi quy tắc nên có “khoảng trống”, ngoại lệ cho bé “dễ thở”, không lo “mất lòng bố” hay được lòng mẹ.

Ví dụ mẹ không thích cho con chơi máy tính. Nhưng nếu cuối tuần rảnh rang, con học tốt trong tuần, mẹ có thể thưởng cho con chơi từ 1 – 2 tiếng để con làm quen với máy tính.

Khi mẹ/bố thỉnh thoảng cố tình chiều con, cho con làm theo ý riêng của mình, người còn lại không nên quá cáu giận. Đợi lúc nào chỉ có hai vợ chồng, nhắc nhở một cách nhẹ nhàng về những quy định trên.

Thu Hằng
(Tổng hợp)
Chia sẻ