Con biếng ăn, cha mẹ cãi nhau

Theo TGPN,
Chia sẻ

Con tôi gần 6 tuổi nhưng rất lười ăn. Hầu như cháu không hề thích bất cứ loại đồ ăn nào, trừ bimbim. Nếu tôi không cố gắng ép con ăn thì chắc chắn cháu đã bị suy dinh dưỡng nặng rồi.

Mặc dù tôi đã đọc nhiều sách, thay đổi chế độ ăn thường xuyên cho con, thậm chí vì chuyện ăn uống của con mà vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra bất đồng”, chị Trần Minh Hạnh (27 tuổi, Q.2, TPHCM) tâm sự với bác sĩ khi đưa con đi tư vấn dinh dưỡng.

Cũng trong tâm trạng tương tự, chị Trường Thanh (29 tuổi, TP Huế) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đứa con đầu, đến đứa thứ 2 cũng rơi vào tình trạng đó, vợ chồng tôi đã chủ động ép con ăn bằng cách vừa kết hợp pha trò vừa dọa nạt thì con mới có thể ăn hết bát cháo nhỏ trong vòng 30 - 45 phút, nếu không bữa ăn có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Nhiều khi bực quá tôi đánh con vài roi. Đánh xong rồi thì lại thấy xót. Nhưng có thế thì mỗi ngày con mới ăn được 500ml sữa, 3 bát cháo, vui tươi khỏe mạnh. Có đợt quá mệt mỏi vì chuyện cho con ăn uống, vợ chồng tôi đã để kệ con ăn tùy thích, kết quả 2 ngày chỉ được 1 bát cháo, 1 bình sữa và đến  ngày thứ 3 thì cháu lăn ra ốm”.

Theo GS.TS Hoàng Trọng Kim, một trong những chuyên gia đầu ngành về Nhi khoa tại Việt Nam, hiện tượng trẻ biếng ăn không còn là chuyện cá biệt nhỏ của một vài gia đình mà đã trở nên khá phổ biến, chiếm tới 50% trong các gia đình hiện đại ngày nay. Có rất nhiều nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ, từ tâm lý cho đến bệnh lý. Vì thế, nếu trong một thời gian nhất định mà tình trạng lười ăn ở trẻ không được cải thiện thì cha mẹ cần phải đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi để khám, đánh giá về tình trạng dinh dưỡng của trẻ, tìm nguyên nhân và cách điều trị thích hợp.


Nhiều trẻ trở nên biếng ăn do cha mẹ suốt ngày ép ăn.


Ép ăn càng khiến trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng

GS.TS Hoàng Trọng Kim khuyến cáo, nếu trẻ biếng ăn do mắc các bệnh cấp tính thì phải điều trị trước và thực hiện chế độ nuôi dưỡng tốt hơn. Bởi khi trẻ ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hóa (viêm dạ dày, viêm ruột…) thì một lượng lớn các vitamin và các chất khoáng bị mất, nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, magiê, B6, sắt, kẽm. Hơn nữa, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, khiến trẻ bị chướng bụng, khó tiêu. Ngoài ra, cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối, có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn. Do vậy, khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung, cha mẹ nên tập cho con ăn đa dạng và luôn thay đổi cách chế biến để kích thích trẻ ăn ngon miệng.

Bác sĩ Như Huỳnh, Bệnh viên Nhi đồng I, TPHCM, cho biết: “Từ 1 đến 5 tuổi, đa số trẻ chỉ tăng khoảng trên dưới 2kg/năm (so với 12 tháng đầu đời, cân nặng của trẻ có thể tăng khoảng gần 7kg) và có khi 3 hoặc 4 tháng không thấy trẻ lên cân. Tình trạng này y khoa gọi là chứng chán ăn sinh lý. Việc trẻ ăn bao nhiêu là đủ sẽ được kiểm soát bởi trung tâm thèm ăn trên não bộ và tự bản thân đứa bé sẽ ăn theo nhu cầu năng lượng cần thiết. Do đó, “nhiệm vụ tối cao” của các bậc phụ huynh lúc này là hãy chuẩn bị chế biến cho bé một bữa ăn đầy đủ dưỡng chất và hợp khẩu vị với trẻ chứ đừng bắt con ăn thường xuyên một loại thực phẩm.

Một nguyên nhân khác khiến trẻ hình thành thói “không biết đói” là trẻ đã được cho ăn vặt trước đó quá nhiều. Do vậy, cần kiểm soát việc ăn quà vặt của bé để đảm bảo rằng bé ngồi vào bàn ăn với một “chiếc bao tử rỗng”. Ngay cả việc cho trẻ uống nước khi bé khát giữa bữa ăn cũng cần giới hạn lượng nước uống vào dưới 200ml/ngày. Đặc biệt, dùng hình thức dọa nạt để ép con ăn là không nên và có rất nhiều tác hại về mặt tâm lý cho trẻ.
 
Như vậy, chứng lười ăn ở trẻ dưới 6 tuổi không phải là bệnh lý. Tuy nhiên, bạn không nên lơ là mất cảnh giác mà cần đưa con đi khám bệnh khi trẻ có 1 trong những dấu hiệu như: sụt cân; không tăng cân trong vòng 6 tháng; có những triệu chứng bệnh kèm theo như tiêu chảy, sốt, ói…

Chia sẻ