Con bạn có thuộc tuýp dễ bị bạo hành ở trường mầm non?

Huyền Nguyễn ,
Chia sẻ

Một số biểu hiện trong tính cách và sinh hoạt thường ngày ở trẻ có thể khiến bé dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của việc bạo hành ở trường mầm non.

Trẻ mầm non bị bạo hành vì đâu?

Nhiều vụ bạo hành trẻ trong thời gian qua cho thấy cách hành xử tệ hại của các cô giáo thường bắt nguồn từ một số áp lực mà họ gặp phải trong việc cho trẻ ăn, cho trẻ ngủ, giữ trật tự lớp học… Những bé có biểu hiện khó khăn trong các hoạt động thường ngày này dễ khiến các cô nổi cáu, mất bình tĩnh và dẫn tới hành vi bạo hành ở trường mầm non.

1. Trẻ biếng ăn

Những bé gặp khó khăn trong việc ăn uống dễ có nguy cơ bị cô giáo bạo hành ở trường mầm non. Ở độ tuổi mẫu giáo, việc ăn uống được xem là quan trọng hàng đầu, chăm cho con sao cho tăng cân, mũm mĩm vẫn là một trong những yếu tố đánh giá chất lượng giáo viên và trường mầm non đó, chính vì thế, nó tạo ra áp lực không nhỏ cho giáo viên. 

Trẻ bị bạo hành

Khi gặp trường hợp bé biếng ăn, khó ăn, áp lực có thể làm cô căng thẳng và tìm mọi cách, dù phản khoa học, phản giáo dục để ép bé ăn. Kết quả là đã xảy ra những sự việc đau lòng như bóp mũi, đè ngửa trẻ ra để đổ cháo/sữa vào miệng trẻ, tát trẻ tới tấp buộc phải há miệng, dọa nạt và trừng phạt bé đủ kiểu vì tội lười ăn…

2. Trẻ hay khóc quấy

Có những bé chọn khóc để biểu lộ tâm trạng khó chịu, lo lắng hay sợ hãi điều gì đó ở trường. Đây có thể là những bé khá nhạy cảm và gặp nhiều khó khăn hơn so với các bạn khác để thích nghi với môi trường mới ngoài gia đình, thích nghi với sự chuyển đổi, với nếp sinh hoạt mới… 

Trẻ bị bạo hành

Tiếng khóc của trẻ chưa bao giờ là điều dễ chịu đối với người lớn và giáo viên cũng không phải ngoại lệ. Do đó, nếu bé nhà bạn hay khóc nhè để phản ứng trước những điều khiến bé không hài lòng, hay dùng nước mắt để mè nheo, đòi hỏi thứ gì đó rất có khả năng bị cô giáo “xử lý” bằng những hình thức bạo hành để buộc bé im lặng.

3. Trẻ bị coi là ngang bướng, nghịch phá

Những bé có cá tính mạnh, thường vận động không ngừng trong lớp học, gây nên cảnh mất trật tự, lộn xộn hoặc thường làm vỡ đồ đạc, trêu đùa bạn bè cũng có thể trở thành nguồn cơn stress của giáo viên. Với những đứa trẻ này, để giúp trẻ bình tĩnh và ngoan ngoãn không phải là việc dễ dàng, đòi hỏi ở giáo viên sự nhẫn nại, kiên trì, kỹ năng sư phạm tốt và cả sự bao dung lớn lao. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như vậy và xử phạt trẻ nghịch, bướng bằng cách đánh đập là biện pháp được lựa chọn để buộc trẻ phải vâng lời.

Trẻ bị bạo hành

4. Trẻ có những đặc điểm gây khó khăn cho việc chăm sóc

Những bé có biểu hiện từ nhẹ tới nghiêm trọng như hay nôn trớ, thiếu tập trung, không kiểm soát được cơn tức giận… gây khó khăn cho việc chăm sóc, thay vì được đặc biệt chú ý và chăm sóc kỹ hơn lại có thể trở thành nạn nhân bạo hành ở trường mầm non. Do số lượng trẻ trong một lớp quá đông, do không có trình độ chuyên môn, do một số lý do khác, có những giáo viên dễ dàng nổi cáu và trừng phạt những trẻ như vậy vì chúng “trót” gây thêm gánh nặng cho cô.

Trẻ bị bạo hành

Cha mẹ phải làm gì?

Không ai hiểu con mình hơn chính cha mẹ. Do đó, để đảm bảo đứa trẻ được đến trường trong niềm vui và sự an hòa, điều cha mẹ cần làm nhất là chuẩn bị tốt cả về tâm lý và kỹ năng cho con trước khi đi lớp, dựa trên hiểu biết về ưu/ nhược điểm của trẻ. Rèn cho con quen nếp ăn, nếp ngủ ở nhà theo lịch sinh hoạt như ở trường; thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, quan tâm tới con để hiểu tâm trạng, tâm lý và kịp thời nhận ra những thay đổi hoặc biểu hiện bất thường ở bé; thường xuyên trao đổi với cô giáo để đảm bảo có điều chỉnh sớm và can thiệp cần thiết khi bé có hành vi lạ lùng… 
Chia sẻ