Còi xương vì ăn quá nhiều... thịt

,
Chia sẻ

Khi bác sĩ nói bé Mai bị còi xương là do ăn quá nhiều đạm, chị Linh cứ ngớ ra. Như nhiều bà mẹ khác, chị nghĩ thịt, trứng... nếu không bổ xương thì chí ít cũng không làm hại.

Ngày nay, phần lớn bà mẹ đều đã biết trẻ có thể bị còi xương do thiếu canxi, thiếu vitamin D, thiếu ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng việc cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn giàu đạm cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh này.

Chị Linh, trú tại Khu đô thị Bắc Linh Đàm, đã rất ngạc nhiên khi đưa con đến khám bác sĩ và được chẩn đoán còi xương. “Ở nhà, tôi cho cháu ăn khá rất nhiều thịt, cá, tôm... Cháu ăn rất tốt". Chị càng tỏ ý nghi ngờ khi bác sĩ cho rằng chính chế độ ăn quá nhiều thịt cá tôm đó đã góp phần khiến bé Mai bị còi xương.

Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc trung tâm Tư vấn phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện dinh dưỡng, những trẻ ăn quá nhiều chất đạm có thể xuất hiện tình trạng toan chuyển hoá, dẫn đến tăng đào thải canxi ra nước tiểu. Hậu quả là trẻ vẫn bị còi xương cho dù lượng canxi đưa vào cơ thể và được hấp thu vẫn ở mức bình thường. Do đó, các bậc phụ huynh đừng vì sốt ruột muốn con chóng lớn mà bồi bổ quá tay. Tỷ lệ các nhóm chất dinh dưỡng cần cân đối theo hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng. 


Còi xương vì quá bụ

Một số trẻ bị còi xương không phải do sai lầm trong chế độ dinh dưỡng mà là do tăng cân quá nhanh. Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết rất nhiều phụ huynh vốn tự hào vì nuôi con bụ bẫm đã rất sốc khi bác sĩ "phán" bé bị còi xương, như trường hợp chị Hương ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội.  Con chị hai tuổi, nặng 13 kg, trông cao lớn như một em bé ba tuổi. Cháu ăn khỏe, lớn nhanh, chỉ phải tội hay khóc về đêm. Hương không nghĩ rằng đây lại chính là một biểu hiện của còi xương.

Bác sĩ Lê Thị Hải giải thích, những trẻ lớn nhanh, cao và bụ bẫm càng cần lượng canxi nhiều hơn những trẻ phát triển bình thường. Vì vậy, những trẻ này cần được bổ sung canxi và vitamin D. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều canxi lại làm tăng sự đào thải chất này qua nước tiểu. Do đó, nên nhờ bác sĩ dinh dưỡng tư vấn cụ thể.

Nếu không có điều kiện cho trẻ bú mẹ đầy đủ, thay vì cho ăn bột sớm (trước 6 tháng tuổi), bạn có thể cho trẻ uống thêm sữa công thức vì nó được sản xuất cố gắng để gần giống sữa mẹ. Nên chọn loại chứa 100% lactose, chất có khả năng kích thích sự hấp thu canxi. Còn nếu cho ăn bột sớm, canxi trong cơ thể bé sẽ bị đào thải nhiều qua phân và nước tiểu.
 
Theo Kim Anh
Đất Việt
Chia sẻ