Chuyện của bố trẻ con

Leena,
Chia sẻ

21 tuổi, bố mẹ Su chính thức lên chức bố mẹ trẻ con. Tính tình trẻ con, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, lại làm bố mẹ trẻ con, cả nhà Su lúc nào cũng nháo nhác như chạy loạn.

Kết hôn sớm vì “ăn cơm trước kẻng”, thế là khi mới 21 tuổi, bố mẹ Su có Su và chính thức lên chức “bố mẹ trẻ con”. Tính tình còn trẻ con, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, lại làm bố mẹ trẻ con, cả nhà Su lúc nào cũng nháo nhác như chạy loạn. Ngày Su mới sinh, mẹ chưa có sữa nhiều, lại vẫn mệt nên mọi nhiệm vụ chăm sóc Su được giao toàn quyền cho bố Su. Những lần đầu pha sữa, sợ sữa pha không ngọt bằng sữa mẹ, bố Su đã cho thêm cả đường vào để con dễ ăn hơn. Lần một, lần hai, đến lần thứ ba thì bị bà nội phát hiện, lúc này bố Su mới biết là pha sữa cho con thì không cần phải thêm đường.

Con ị xì xoẹt cả ngày lẫn đêm. Từ trước đến nay vốn không phải động chân động tay đi đổ rác chứ đừng nói là thay bỉm toàn phân thối hoắc của con. Thế mà bố Su vẫn phải làm. Những ngày đầu, con tè thì bố còn biết thay, chứ con mà ị là bố Su lại hét toáng lên: “Bà nội ơi Su ị rồi, mau mau cấp cứu cấp cứu, thối quá, mau mau…”. Lần nào cũng vậy, bố Su kêu như cháy nhà rồi ngồi dạt sang một bên, vừa bịt mũi vừa nhìn bà thay rửa cho Su. Bà nội về quê, bố Su phải đảm nhiệm tất cả. Cứ mỗi lần thay bỉm cho con là bố Su lại một tay bịt mũi, một tay lôi miếng bỉm ném vèo vào cái chậu dưới nền nhà, sau đó lau rửa cho con sạch sẽ. Cứ bảo làm bố trẻ con khó, thế mà bố Su làm mấy việc đó cũng khéo lắm.
 

Bố Su rất thích bế con ra đường “hóng hớt”. Cứ hễ ra đường có ai nói: “Ôi thằng bé giống bố quá, mẹ nó đẻ thuê rồi”, là thế nào bố Su cũng cười tít mắt. Bố Su luôn “sắp” sẵn một câu trả lời lặp đi lặp lại là: “Nhà cháu bố cháu đẹp giai nhất. Vì cháu mới đẻ nên chỉ đẹp giai thứ nhì thôi. May mà không giống ông hàng xóm…”. Mẹ Su luôn phải nhắc bố Su là đừng nói con giống ông hàng xóm, nhưng bố Su thích chí, cứ vâng dạ ạ ừ rồi quên tịt.

Su bụ sữa nên trộm vía hai cái má rất phính, nhìn rất yêu, ai nhìn cũng chỉ muốn cắn cho một cái. Nhưng chưa ai cắn Su cả trừ bố Su. Bố Su rất thích thơm vào má con, có lúc hứng chí quá thì cắn nhẹ cho con một cái, lần nào mà quên thì thế nào cũng cắn một cái khá đau làm Su khóc ré lên. Có lần con khóc lâu, dỗ mãi không nín, bố Su không biết làm sao, bực mình dốc ngược con lên để con hết khóc. Cả nhà được một phen hú vía.
 

Bố Su rất thích ăn quà vặt và đọc truyện tranh. Dù đã có con, bận tối ngày với con nhưng hai sở thích đó thì không thể bỏ được. Có lần đang ăn sữa chua lạnh đóng đá, bố xúc luôn cho Su một thìa. Su ăn ngon lành, bố lại hí hửng xúc tiếp vài thìa nữa. Mẹ Su mắng bố cho con ăn lạnh sẽ viêm họng với lại Su đã ăn được sữa chua người lớn đâu thì bố SU chống chế: “Đằng nào chẳng ăn được, các bà trong ngõ bảo, phải cho ăn tạp cho quen đi không sau này nó kén ăn thì khổ lắm”. Có hôm bố mua truyện tranh về nhà, dí vào tay con một quyển và bảo “bố con mình cùng đọc”. Su đã biết gì đâu, mắt trước mắt sau là Su xé roẹt cả cuốn truyện. Bố Su nhìn tiếc rẻ: “Sao bé tí đã biết xé truyện nhỉ. Con thấy cuốn đó không hay, thích đọc cuốn khác thì phải bảo bố chứ”.

Bố Su luôn bị cả nhà mắng là “bố trẻ con”, đã làm bố rồi mà tính tình vẫn như trẻ con, không biết đến bao giờ mới thành người lớn được. Cứ chê bố Su trẻ con nhưng bố Su cũng ra dáng và có trách nhiệm lắm. Nhiều lần Su ốm, cả đêm trằn trọc không ngủ, lại hay quấy khóc, thế là bố giành việc trực đêm để mẹ Su ngủ cho con. Những lúc ấy, bố Su thường lôi một đống truyện về nhà vừa đọc vừa trông chừng con. Ngày đi làm, tối vừa ngủ, vừa đọc truyện vừa canh cho con ngủ, thế mà bố Su vẫn cười tươi và không hề kêu than gì cả.
 

Tối tối, nghe bố tỉ tê mà mẹ Su không nhịn được cười: “Su lớn nhanh nhưng đừng lấy vợ sớm như bố con nhé. Lấy vợ có con sớm vất vả lắm, không còn được tụ tập bạn bè thường xuyên đâu”. Ấy thế mà, lần nào gặp bạn bè bố Su cũng là người lên tiếng đầu tiên: “Đã có thằng nào nặn được thằng nối dõi như tao chưa, tất cả thua tao hết”, rồi cười ha hả rất chi là đắc chí. Đúng là bố Su vẫn còn “nhí nhố” lắm, gọi ‘bố trẻ con” thật chẳng sai tí nào.

Chia sẻ