Chuẩn trẻ 5 tuổi: Nhiều chỉ số “có vấn đề”

,
Chia sẻ

“Nhiều chỉ số không cần thiết, có những chỉ số không khả thi, quá chung chung hoặc vênh nhau, trùng nhau. Những từ ngữ như "biết tìm cách giải quyết mâu thuẫn”, “chấp nhận sự phân công của nhóm” nghe rất nghiêm trọng".

 
Đây là nhận xét của bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) sau khi xem xong toàn bộ 29 chuẩn (125 chỉ số) trong “dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để lấy ý kiến.
Quá dễ hoặc quá khó
 
Trong dự thảo này, có những "chuẩn" quá dễ, chẳng hạn, 2 chỉ số thuộc lĩnh vực phát triển thể chất: Cài và mở được cúc áo; Cầm bát, thìa xúc ăn gọn gàng, không làm rơi vãi.
 
Các bé 5 tuổi chắc chắn đã làm được việc tự cài và mở cúc áo của mình, vì ngay từ lớp mẫu giáo bé hoặc ngay tại gia đình, các bé đã được chỉ bảo và thực hành thuần thục. Còn với việc cầm bát, thìa xúc ăn gọn gàng, không làm rơi vãi thì ngay từ khi bé 3 tuổi, chúng tôi đã tập luyện cho bé và bé đã làm thành thạo.
 
Nếu đưa những chỉ số này vào thì các giáo viên “nhắm mắt” cũng đánh giá được”.

Đặc biệt, 2 chỉ số của chuẩn 24 (Nhận thức về hình học và hướng trong không gian) thì không cần khảo sát, đánh giá vì hầu hết trẻ 5 tuổi đều đã nhận thức được các loại hình, khối, vị trí trong - ngoài, trên – dưới, phải – trái, ..”.

Trong khi có những chỉ số quá dễ thì lại có chỉ số “không khả thi” vì khó quá.

Chuẩn 20 yêu cầu các bé nhận thức về môi trường, xã hội, kể được tên, tuổi, nghề nghiệp của bố mẹ và các địa điểm gần nơi bé sống. Đây là điều chắc chắn bé nào cũng làm được khi đã lên 5 tuổi.

Nhưng chuẩn 29 (khả năng sáng tạo, thể hiện cái độc đáo trong trò chơi, âm nhạc, kể chuyện) thì sẽ rất nhiều trẻ không đạt được. Đây là vấn đề năng khiếu nên rất khó đánh giá các em. Nếu có đánh giá thì có bé sẽ bị thiệt nếu chẳng may bé không có năng khiếu.

Vênh nhau
 
Chỉ số “cố gắng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực” của chuẩn 9 không thống nhất với chỉ số “dễ hòa đồng với bạn trong nhóm chơi” của chuẩn 10. Những bé đã “dễ hòa đồng” với bạn thì thường không có cảm xúc tiêu cực. Như vậy, làm sao cô giáo biết được các bé có cố gắng để kiềm chế cảm xúc tiêu cực hay không để còn đánh giá?

Sự mâu thuẫn này, là việc tạo ra chỉ số đã không phù hợp với tính cách của các nhóm đối tượng:
Nếu đưa ra 2 chỉ số trên thì phải chia các bé thành 2 nhóm: 1 nhóm các bé cá tính mạnh cần cố gắng kiềm chế cảm xúc tiêu cực, còn một nhóm các bé “thuần tính” hơn. Như vậy mới công bằng cho các bé và dễ thực hiện việc đánh giá đối với các cô giáo.

Trùng nhau

Không chỉ “vênh”, có chỉ số còn trùng nhau. Chẳng hạn, chỉ số “dự đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản (mưa, gió, …) sắp xảy ra” của chuẩn 21 và chỉ số“nói được mối liên hệ nguyên nhân – kết quả đơn giản trong cuộc sống hàng ngày” của chuẩn 28 thực chất là một, vì nó chỉ là 2 cách thể hiện khả năng suy luận của bé mà thôi.
 

Câu chữ trong dự thảo còn có chỗ chưa rõ ràng, “đao to búa lớn”. Việc dùng những “khẩu hiệu” như"biết tìm cách giải quyết mâu thuẫn”, “chấp nhận sự phân công của nhóm” nghe rất nặng nề, nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, lại có những chỉ số nội dung rất chung chung, không cụ thể. Đọc xong chỉ số “Rót nước vào cốc không làm đổ ra ngoài” tôi không biết phải hiểu thế nào. Vấn đề là rót nước từ đâu thì lại không được nêu ra. Nếu ấn nút từ bình nước thì chẳng bé nào làm đổ ra ngoài, kể cả bé 3 tuổi. Vậy thì đánh giá thế nào đây?

Trẻ sẽ không bị “quá tải”?

Trước đây, chúng tôi căn cứ vào bộ chuẩn ban hành năm 1990 để đánh giá trẻ 5 tuổi. Có thể, con số 125 ở bộ chuẩn dự thảo này gây “hoang mang” bởi sẽ có nhiều người băn khoăn: 1 đứa bé mới 5 tuổi liệu có đáp ứng nổi ngần ấy chỉ số hay không.

Chúng tôi đã trực tiếp tập luyện và thấy các bé hoàn toàn có thể làm được điều này. Những thay đổi trên tôi nghĩ phù hợp với điều kiện phát triển của trẻ em bây giờ. Chiều cao và thể lực, dinh dưỡng các em tốt hơn, nhu cầu vận động cao hơn.

Tuy nhiên, nếu dự thảo này được áp dụng với mọi đối tượng trên phạm vi cả nước thì tôi e là không ổn.

Chỉ số “Thể hiện sự thích thú với sách (tìm kiếm sách để xem, yêu cầu người khác đọc cho nghe, thích đọc theo người lớn, tham gia đọc sách với bạn)” là không tưởng. Ở nông thôn, vùng sâu, xa, làm gì có sách để tìm kiếm, lấy đâu ra người đọc cho bé? Mặt khác, thể lực, dinh dưỡng các bé mỗi nơi mỗi khác, không thể “cào bằng” được.

Vấn đề tôi quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để đánh giá chính xác được các bé và giáo viên phải dạy như thế nào để ra được kết quả này. Dành thời gian nào để đánh giá? Việc đánh giá dựa vào cá nhân giáo viên vì họ là người trực tiếp dạy dỗ các bé hàng ngày, nên nếu năng lực, nhận thức giáo viên không tốt thì hiệu quả sẽ không cao”.

Chúng tôi đang chờ dự thảo được sửa đổi sẽ “co lại”, càng ngắn càng tốt. Nhà trường cũng có các tổ chuyên môn thường xuyên giám sát, kiểm tra đột xuất để tránh giáo viên báo cáo không đúng thực tế".
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ