Chống hăm cho bé

,
Chia sẻ

Bạn nên thay tã (bỉm) cho bé thường xuyên (khoảng 2 giờ đồng hồ bạn nên kiểm tra tã, bỉm cho bé một lần). Tránh để bé phải đeo một cái tã (bỉm) ướt hoặc bẩn trong thời gian dài.

- Bạn nên vệ sinh mông cho bé bằng nước ấm sạch. Bạn cũng nên nhớ lau rửa phần bẹn, các nếp gấp ở đùi, háng cho bé. Tuy nhiên, bạn không nên lau chùi nhiều nếu việc này có thể gây kích thích da bé.

- Đợi đến khi mông bé khô hoàn toàn, bạn mới nên đóng tiếp bỉm (tã) cho bé. Nên chọn loại bỉm chất lượng tốt, thấm hút nhanh.

- Bạn nên tránh dùng dung dịch có mùi thơm khi làm vệ sinh mông cho bé vì dễ gây dị ứng. Có thể bôi kem hoặc thuốc mỡ để làm dịu và bảo vệ da bé nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ. Không nên cho bé dùng những loại kem chứa axit boric, phenol, salicylate, benzoin, long não… vì chúng sẽ khiến các vết hăm trầm trọng hơn.

- Nếu bạn dùng tã vải, nên ngâm tã trong nước sôi khoảng 15 phút trước khi đem phơi. Cách này giúp tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ xà phòng có trong tã – tránh cho bé nguy cơ hăm vì nhạy cảm với xà phòng. Bạn cũng nên tránh sử dụng nước xả vải khi giặt tã cho bé. Chỉ nên dùng những loại tã thật sạch sẽ và khô ráo khi đóng cho bé.

- Tránh đóng tã hoặc mặc quần chất liệu nhựa tổng hợp cho bé. Bạn nên chọn loại cotton mềm mại và có khả năng thấm hút ẩm cao. Trên thị trường hiện có nhiều loại tã giấy khác nhau, bạn có thể chọn loại phù hợp cho bé. Loại tã màng đáy dạng vải khá phổ biến. Kích thước tã cũng nên phù hợp để chúng không gây sức ép lên vùng bụng, mông và đùi bé.

- Nếu có điều kiện, bạn nên để mông bé hở một lúc, để không khí lưu thông và làm thoáng mát vùng da mông của bé. Mùa hè, bạn nên hạn chế đóng bỉm (tã) cho bé. Bởi vì, thời tiết nóng bức sẽ tăng nguy cơ hăm tã cho bé. Nếu phải dùng, bạn nên thay tã cho bé thường xuyên hơn hoặc ngay sau khi bé đi tiêu (hoặc đi tiểu).

- Bạn không nên dùng phấn rôm xoa lên vùng da hăm vì sẽ khiến lỗ chân lông của bé bị bít lại, không thoáng mồ hôi, dễ kích ứng.

- Nếu tình trạng hăm da ở bé dễ tái phát, bạn thử thay đổi loại bỉm, dung dịch vệ sinh mông cho bé. Nếu vết hăm ngày một trầm trọng hơn, bạn nên đưa bé đi khám.

Thông tin thêm về chứng hăm ở bé

- Biểu hiện của bé bị hăm tã là xuất hiện những vùng da mẩn đỏ quanh mông, bụng dưới, đùi trên… (vùng da bị quấn tã). Nếu chuyển sang triệu chứng cấp, các mảng đỏ sẽ trở nên đau rát, bong vảy.

- Phân biệt hăm tã với viêm da do nấm và viêm da mặt, chân tay.

+ Viêm da do nấm: Thường xuất hiện vào tuần thứ 2 sau sinh. Nguyên nhân là do bé bị nhiễm nấm từ mẹ khi sinh. Bé nổi mẩn đỏ ở vùng quấn tã, có thể kèm theo mụn mủ. Ngoài ra, các nốt đỏ còn xuất hiện quanh miệng bé.

+ Viêm da mặt, chân tay: Bé bị viêm da vùng mặt và quanh miệng. Ngoài ra, những nốt trợt da còn xuất hiện trên nếp gấp bàn tay bé. Chứng bệnh này thường gặp ở bé suy dinh dưỡng, thiếu kẽm.
 
Theo Mevabe/Family
Chia sẻ