Căng thẳng đến nghẹt thở chuyện ông bố tự đỡ đẻ cho vợ tại nhà

T.Q,
Chia sẻ

Vợ bỗng dưng trở dạ ở tuần thai thứ 30, ông bố trẻ bất đắc dĩ trở thành bà đỡ đẻ cho vợ ngay tại nhà. Đặc biệt hơn, em bé sinh non khi sinh ra vẫn còn nằm ngoan trong túi ối.

Câu chuyện tự tay đỡ đẻ cho vợ và em bé vẫn nằm nguyên trong túi ối đã diễn ra cách nay hơn 4 tháng nhưng vợ chồng Phan Linh – Cẩm Hằng (ba mẹ của bé Guyn 24 tháng tuổi và Yuri 4 tháng 9 ngày tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) vẫn còn vẹn nguyên cảm giác lo sợ đến rùng mình khi trải qua giây phút ấy. Và họ đã chiến đấu kiên cường để giành giật sự sống và dòng sữa mẹ cho đứa con bé bỏng sinh non chỉ nặng vỏn vẹn 1,1kg. 

Xuyên suốt những dòng nhật ký của ông bố trẻ Phan Linh là toàn bộ quá trình sinh con non tháng tại nhà, đấu tranh với nhân viên y tế để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn khi con nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (NICU). Tiếp đó là quá trình chăm con Kangaroo tại bệnh viện với nhiều khó khăn, áp lực. 

Hiện tại khi con gái út – bé Yuri đã được hơn 4 tháng, ông bố trẻ Phan Linh vẫn nhớ như in hành trình vượt cạn đầy gian nan của hai vợ chồng. Và anh đã ghi lại nhật kí những ngày tháng ấy như một kỉ niệm để lưu giữ cho con và cho cả gia đình.

tự đỡ đẻ cho vợ
Tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng Linh - Hằng bên bé Guyn và Yuri.

Sáng thứ 4, ngày 22 tháng 7 năm 2015, mẹ đi khám thai định kỳ khi con đang ở tuần thứ 30, mọi việc vẫn suôn sẻ, không có dấu hiệu gì bất thường. Bác sĩ hẹn 2 tuần sau tái khám. Chiều ba đi làm về có mua lẩu cho mẹ vì mẹ bảo thèm ăn, trong nhà có thêm ông ngoại của Guyn lên chơi từ hai hôm trước. Giờ cơm chuẩn bị xong thì mẹ bảo cảm thấy hơi mệt nên cả nhà cứ ăn trước đi. Trong lúc ba đang cho Guyn ăn thì nghe mẹ hét lên to lắm. Phản xạ tự nhiên là ba chạy vào thật nhanh xem có chuyện gì xảy ra, Guyn được ông ngoại bế vào cùng cũng khóc thét lên vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tình hình trở nên cấp bách khi bà xã có dấu hiệu sinh và không kịp để đi bệnh viện cấp cứu. Làm gì bây giờ? Ba cứ cuống quýt cả lên, ba không chuẩn bị trước cho tình huống này đâu. Giờ phải làm gì, làm gì bây giờ?. “Gọi cho chị Hồng”, bà xã nhắc ba, nhưng mà gọi không được em ơi! “Gọi cho Sour Hậu”, Sour lại đang ở bệnh viện chăm Sour bề trên…, cứ thế mọi chuyện rối rít cả lên. 

Khoảng 2 phút sau có 2 Sour chạy lên, ba bảo ông ngoại bế Guyn ra ngoài vì Guyn khóc to quá. Sour thì nắm tay động viên, Sour thì đi nấu nước nóng còn ba vào vai người đỡ đẻ vì không ai biết việc này cả. Ra một tí rồi em ơi, ba thấy một phần của cái bọc ối rồi. Lờ mờ trong lớp bọc ối ba thấy một bàn chân nho nhỏ, vừa sờ bọc ối vừa bảo vợ rặn đi em… Khi bọc ối ra khoảng 20% thì bà xã ngưng rặn vì hết cơn gò. Vợ bảo chờ đến khi có cơn gò rồi cố gắng rặn, lúc đó ba phụ mẹ lôi em ra nhé, vừa nói vợ vừa ngồi dậy xem thử bé đã ra bao nhiêu phần rồi. Bên cạnh, Sour thì gọi xe cấp cứu, người thì vừa động viên vừa cầu nguyện. Chân em đang đạp trong túi ối nè, ba có thể cảm nhận được qua bàn tay, một lát sau không thấy em đạp nữa, ba lo quá nên bảo mẹ. Cuối cùng, nguyên cả bọc ối chạy ra trên tay ba. 

Sinh non
Ngày Yuri vẫn nằm ở bệnh viện Từ Dũ.

Rồi ba tìm vị trí khuôn mặt của con, túi ối chỗ dày chỗ mỏng nên chỉ nhìn thấy 2 bàn chân mà thôi. Sau một lát cũng xác định được vị trí của mặt em, ba xé túi ối nhưng mà nó dai quá, lại trơn nữa nên xé mấy lần không đứt. Cuối cùng cũng xé được, nhanh chóng bỏ túi ối ra, em thì bé tí xíu và mềm nhũn, toàn thân một màu tím nhạt. 

Không kịp xem con là trai hay gái, hai vợ chồng cùng bế em lên người vợ theo tư thế Kangaroo, kể cả bánh nhau và giây rốn. Nhanh chóng lấy khăn đắp ủ ấm cho con rồi ba bế 2 mẹ con ra thang máy dưới sự giúp sức của 2 Sour. Xuống thì taxi quen đã chờ sẵn (gọi trong khi đang sinh), lúc này đồng hồ chỉ 7h20 phút tối. Loay hoay một lát mới vào được taxi, bật máy sưởi lên và nhanh chóng đi vào Từ Dũ. Trên đường đi nghe tiếng em kêu e e mà thấy an lòng, em lại còn đạp nữa chứ. 

Khoảng 19h35 thì tới bệnh viện, con được kẹp và cắt dây rốn ngay cửa taxi rồi nhanh chóng đưa 2 mẹ con đi cấp cứu. Trong khi đó ba làm thủ tục nhập viện cho 2 mẹ con rồi qua phòng dịch vụ khách hàng chờ tin tức từ bệnh viện.

Khoảng 21h, tại phòng dịch vụ khách hàng ba nhận phiếu thăm bé cho ngày hôm sau lúc 15h, và đặt phòng luôn cho vợ. Làm xong thủ tục thì vội lên phòng hồi sức xem tình hình vợ thế nào, tình hình có vẻ ổn, vợ tỉnh táo và nhìn khỏe khoắn hơn lần trước nhiều. Sau đó vội vàng chạy qua khoa sơ sinh, phòng chăm sóc đặc biệt (NICU) để thăm con và để chắc chắn con không bị tráng ruột bằng sữa công thức. 

Đôi chân đất, quần áo máu me, hai bàn tay không, vừa đi vừa nghĩ nên làm gì bây giờ? Vừa bước vào khu NICU thì một dãy khoảng 12 phòng nối tiếp nhau với rất đông nhân viên ý tế, ai cũng nhìn ba với ánh mắt đầy ngạc nhiên và hơi khó chịu. Một cô hỏi là anh đi đâu? Ba bảo là anh có bé sinh non ở nhà vừa vào cấp cứu ở đây, anh vào để nắm tình hình sức khỏe của bé như thế nào. Quan trọng hơn, anh có người nhà làm ở WHO và UNICEF và anh yêu cầu con của anh chỉ dùng sữa mẹ mà thôi, tuyệt đối không sử dụng sữa công thức dù chỉ là một giọt. 

Nghe tới đây thì thái độ của cô ấy khác hẳn. Cô ấy dẫn ba qua phòng số 4 thăm con và thông báo cho ba biết là: bé suy hô hấp, phải thở CPAP, chuyền dịch qua cuống rốn và theo dõi dịch dạ dày qua ống thông dạ dày. Về yêu cầu của anh thì ngày mai em sẽ thông báo cho ban chủ nhiệm khoa để sắp xếp thời gian và cách mang sữa cho bé vì bệnh viện không nhận sữa vào buổi tối. Ngày mai 9h sáng anh xuống để bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe của bé. Từ giờ đến lúc đó bé vẫn chưa thể ăn được nên anh yên tâm, khi nào bé ăn được bệnh viện sẽ thông báo cho gia đình. 

Nghe tới đây thì lòng thấy thật sự yên tâm và nhẹ nhõm vì cái ba lo nhất trước mắt là ổn rồi. Trước khi ra khỏi phòng thì cũng không quên hỏi bé là trai hay gái bởi vì bệnh viện đeo vòng tay cho bà xã màu xanh, là màu của sản phụ có con trai. Nhân viên y tế phụ trách phòng của em cười và bảo là con gái, còn đưa ra cho ba xem để chắc chắn nữa, chắc là lúc cấp cứu vì gấp quá mà ngoài đó đeo nhầm vòng tay cho vợ. 

Về phòng hồi sức thông báo tình hình cho vợ yên tâm rồi chờ để nhận phòng. Khoảng 1h sáng ngày 23/07, hai vợ chồng về tới phòng. Biết Guyn ở nhà ngủ ngon nên yên tâm ngủ một giấc đến sáng mai. Ở nhà lúc này có em gái, cháu gái và ông ngoại qua giúp lo công việc nhà cửa, bà ngoại bà nội thì đang chuẩn bị vào Sài Gòn luôn. Khoảng 7h sáng Guyn vào với ba mẹ, cậu mừng lắm rồi ôm mẹ bú bù cho tối hôm qua. Tình hình sức khỏe của em vẫn chưa có thay đổi gì cả.

Sinh non
Yuri được ấp kangaroo trên ngực ba.

Ngày 24/07, bệnh viện thông báo là bé sẽ thử tráng ruột và xem phản ứng của dạ dày của bé vào cữ ăn lúc 16h. Đến thời điểm này thì sữa non mà vợ vắt được cũng khá nhiều rồi. Tất cả được trữ trong ống tiêm đặt vào tủ đá trong phòng (tất nhiên sữa mang xuống cho em là sữa nóng hổi vừa mới vắt xong). Mang sữa xuống cho con rồi nhìn con được ăn những giọt sữa non đầu tiên sau 45h sinh thật là tuyệt vời, mới đầu chỉ là 1ml mà thôi. Sau đó về phòng chuẩn bị cho cữ ăn 19h của con. Hôm đó anh Guyn ở lại bệnh viện với ba mẹ và có một đêm bú mẹ no nê tuyệt vời.

Sau vài ngày lạ lẫm với hình ảnh ông bố cứ 3 tiếng lại ghé đưa sữa cho con cả ngày lẫn đêm thì ba có cảm giác như là một phần trong phòng NICU này vậy. Các cô và ba cũng thế, gặp nhau là cười để chào hỏi, hồ sơ của con ngoài bìa là dòng chữ “BÉ ĂN SỮA MẸ HOÀN TOÀN”. 

Mẹ Hằng vừa cho Guyn bú, vừa da tiếp da với Yuri.

Ngày 25/07 thì vợ xuất viện, hành trình mang sữa cho con từ nhà bắt đầu từ đây, từ nhà ba tới bệnh viện khoảng 12 cây số. Ngày mang sữa 8 lần mỗi lần cách nhau 3 tiếng: 1h – 4h – 7h – 10h – 13h – 16h – 19h – 22h. Thời gian lúc đó chủ yếu trên yên xe máy, dù mưa hay nắng nhưng chỉ có một cảm giác sung sướng đó là con sắp được ăn sữa mẹ mà thôi. Cứ mỗi lần mang sữa cho con xong, ba lại ngồi một góc trong bệnh viện ghi lại những chuyển biến và tình hình mới nhất của con cũng như tâm trạng của người vận chuyển. Con nằm trong NICU cho đến ngày 31/07 thì tự thở tốt, không cần chuyền dịch nữa chỉ dùng sữa mẹ thôi, nên gia đình cũng xin cho ra Kangaroo sớm.

14h, ngày 31 tháng 7, con chính thức được đón ra phòng Kangaroo với ba mẹ trong niềm vui mừng và hân hoan của cả gia đình. Mọi việc tưởng chừng hoàn hảo nhưng thực ra đây chỉ là bắt đầu cho một giai đoạn khó khăn phía trước mà ba mẹ không ngờ tới!

* Mời độc giả đón đọc tiếp phần 2 - giai đoạn nuôi con sinh non đầy khó khăn của bố mẹ bé Guyn và Yuri.
Chia sẻ