Cảm xúc thật của trẻ: Mẹ phải làm gì để trẻ tự bộc lộ?

Saga,
Chia sẻ

Muốn gào khóc vì ghen tị, phải kìm nén! Muốn hét lên vì bực tức, phải nhẫn nhịn!… Người lớn chúng ta có thể kiềm chế được cảm xúc vì mối quan hệ, vì cuộc sống… Nhưng với con trẻ, ai nỡ ngăn những dòng nước mắt ngây thơ?

Ấy vậy mà người lớn chúng ta, dù vô tình hay cố ý, cũng đã ít nhất một lần ngăn cấm con không được bộc lộ cảm xúc thật của mình. Nhiều lần như vậy sẽ khiến trẻ tự thu mình trong “vỏ ốc”, không dám thể hiện cảm xúc, hoặc nếu có thể hiện thì cũng né tránh không để bạn thấy được điều đó. Dần già, hai mẹ con sẽ ngày càng xa cách. Trẻ sẽ không xem bạn như một người bạn lớn để dốc bầu tâm sự những lúc vui buồn. Bạn có thực sự muốn điều đó xảy ra? Vậy mẹ phải làm gì để trẻ có thể bộc lộ cảm xúc của mình một cách lành mạnh nhất?

Gọi tên các trạng thái cảm xúc

Muốn con bộc lộ cảm xúc thật của mình thì trước hết bạn cần dạy con phân biệt được các trạng thái cảm xúc từ khi con còn bé. Thế nào là vui, là hạnh phúc, là yêu thương; thế nào là buồn, là giận hờn, là bực tức. Bạn có thể dạy trẻ qua sách báo, trong lúc chơi đùa, trong cuộc sống hằng ngày hay đơn giản qua cách mà chính bạn thể hiện cảm xúc đó như thế nào. Trẻ sẽ học được rất nhanh qua những tình huống thực tế ấy. Tuy nhiên sẽ phải mất khá nhiều thời gian để trẻ có thể phân biệt được và gọi tên đúng cảm xúc mà mình đang trải qua.

Khi đã gọi tên được đúng cảm xúc, hãy dạy trẻ cách biểu cảm trên khuôn mặt cho phù hợp với trạng thái cảm xúc đó. Từ đó, trẻ sẽ học được cách thỏa hiệp với cảm xúc của mình và điều khiển hành vi sao cho đúng đắn.

 

Bộc lộ cảm xúc của chính bạn

Khi bạn bộc lộ cảm xúc của chính mình trong những tình huống cụ thể, đó sẽ là một tấm gương phản chiếu để trẻ học cách thể hiện cảm xúc rất nhanh. Chính vì vậy, muốn trẻ bộc lộ cảm xúc và có hành vi phù hợp với cảm xúc đấy thì trước hết bạn phải là người làm gương cho con. Nếu bạn ném hết đồ đạc lúc tức giận, trẻ cũng sẽ bắt chước y như vậy. Nếu bạn lo lắng mỗi lúc con ốm, trẻ cũng sẽ hỏi han quan tâm những lúc bạn mệt… Và cứ thế, tính cách hay cảm xúc của trẻ sẽ được hình thành từ chính bản thân người mẹ!

 

Cho con tự thể hiện cảm xúc của mình

Khi con đã biết phân biệt được các trạng thái cảm xúc, biết cần phải làm gì để thể hiện cảm xúc ấy thì cũng là lúc con bắt đầu bước vào độ tuổi muốn khẳng định cái Tôi của riêng mình. Đây sẽ là giai đoạn rất khó khăn cho cả mẹ và con vì để uốn nắn một đứa trẻ độ tuổi này mà vẫn muốn giữ được cá tính riêng của nó thì mẹ phải là người cực kì kiên nhẫn và sáng suốt.

Trước hết, mẹ cần lắng nghe cảm xúc của con. Khi trẻ vui, buồn, hay tức giận, lo lắng.. là lúc trẻ cần được lắng nghe nhiều nhất, đặc biệt là từ người mẹ. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bạn đang vô cùng tức giận mà có ai đó bên cạnh lớn tiếng bảo bạn phải làm thế nọ thế kia? Lúc đấy không những bạn không giữ được bình tĩnh mà thậm chí có thể còn đẩy sự việc đi xa hơn. Trẻ con cũng không phải là ngoại lệ. Khi trẻ tức giận, hãy ngồi xuống cùng con, lắng nghe câu chuyện của con. Điều này trước hết sẽ làm cho trẻ cảm thấy được tôn trọng và kể một cách chi tiết cho bạn biết chuyện gì đã xảy ra. Và khi kể lại câu chuyện của mình, trẻ cũng sẽ nhìn nhận lại một lần nữa nguyên nhân khiến mình có cảm xúc như vậy, từ đó trẻ sẽ tự phân tích xem mình thể hiện cảm xúc như vậy có thái quá không, hành động của mình có đúng không. Và như thế, bạn đã giúp chính bản thân trẻ suy nghĩ và thậm chí trẻ sẽ tự có hướng giải quyết cho câu chuyện của mình.

 

Trong lúc lắng nghe con, tuy im lặng nhưng bạn hãy thể hiện thái độ đồng cảm với con bằng những cử chỉ như ôm con, vuốt tóc con, an ủi con hay bằng ánh mắt dịu dàng chia sẻ. Hãy thử tưởng tượng xem lúc bạn đang cảm giác thất vọng nhất, hụt hẫng nhất, có ai đó dang rộng cánh tay ôm bạn vào lòng, để bạn khóc thỏa thích và cảm thông với bạn thì nỗi buồn sẽ nhanh chóng vơi đi. Con trẻ lại càng cần điều đó vì với tâm hồn non nớt của con, một việc mà người lớn có thể xem là chuyện nhỏ cũng đã là một vấn đề vô cùng to lớn đối với con. Được an ủi, được nói hết những gì mình nghĩ, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn và có thể nhìn nhận sự việc ở góc độ tích cực hơn. Thật vui vì nhờ thế tình cảm giữa hai mẹ con cũng sẽ gắn bó hơn rất nhiều!

Bên cạnh đó, mẹ không nên ép buộc và trừng phạt cảm xúc của con. Sợ hãi, tức giận hay bối rối, đó là những cảm xúc rất bình thường trong quá trình hình thành và phát triển tính cách của trẻ. Hãy đặt mình vào tình huống của con, vào cảm xúc của con để hiểu con hơn, thay vì giận giữ, quát nạt hay thậm chí là cấm đoán, trừng phạt con. Trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi chính người thân của mình, cảm thấy không được tôn trọng, ngày càng tự ti hơn về bản thân và giấu diếm cảm xúc thật của chính mình. Bạn sẽ không còn là người mà trẻ có thể tin tưởng để chia sẻ mọi cảm xúc của mình. Và một khi không biết chia sẻ cùng ai, trẻ sẽ có những hành động dại dột mà bạn không lường trước được!

Và điều quan trọng nhất, hãy dạy trẻ cách vượt qua cảm xúc của mình để có hành vi đúng đắn. Nếu trẻ vui thái quá, hãy cứ để con cười nói hò hét thỏa thích để thể hiện niềm vui đó. Nhưng hãy dạy trẻ cười mà không gây quá nhiều tiếng ồn khi đang ở nơi công cộng. Nếu trẻ buồn hay tức giận, khóc, gào thét là điều rất đỗi bình thường. Người lớn chúng ta còn vậy, huống hồ là con trẻ ngây thơ! Nhưng hãy dạy trẻ cách hít thở sâu, nhìn nhận lại vấn đề và vượt qua được cảm giác tồi tệ đó. Càng ngày trẻ sẽ càng tự điều chỉnh được cảm xúc và hành vi của mình sao cho phù hợp với không gian và văn hóa ứng xử.

 

Nhờ vậy, trẻ sẽ ngày càng tự tin hơn vào cách thể thiện cảm xúc của mình, cách kiếm chế cảm xúc sao cho phù hợp để từ đó tự tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề của mình! Một đứa trẻ có cảm xúc ổn định và biết điều khiển cảm xúc của mình sẽ phát triển tốt hơn, vì vậy đừng bao giờ quên giúp con hiểu được điều gì đang xảy đến với chúng!

Chia sẻ