Cai sữa tùy tiện lắm rủi ro

,
Chia sẻ

Trung tâm chống độc của bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân bị ngộ độc aspirin gây ói ra máu do nghe bạn bè chỉ mẹo uống aspirin liều cao giúp tiêu sữa.

Theo các bác sĩ, không chỉ có trường hợp này, thực tế điều trị còn ghi nhận nhiều kiểu cai sữa khác cũng tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé.


Tránh cai sữa cho bé trước 12 tháng tuổi vì việc ăn sữa ngoài hoặc ăn bổ sung quá sớm sẽ gây tiêu chảy cho bé (ảnh chỉ mang tính minh họa)
 

Cai sữa sai cách, mẹ và bé đều nguy hiểm

TS.BS Nguyễn Viết Tiến, giám đốc bệnh viện phụ sản trung ương cho biết cai sữa không đúng cách có thể dẫn tới tắc tuyến sữa, gây viêm, sưng đầu vú, hoặc bị ápxe vú. Trong thực tế đã từng xảy ra không ít sự vụ các bà mẹ rước hoạ khi áp dụng những bí quyết cai sữa nghe từ bạn bè, kinh nghiệm truyền miệng trong dân gian.

Theo bà Đỗ Hồng Phương, cán bộ chương trình vì sự sống còn và phát triển của trẻ em thuộc quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef), có nhiều cách cai sữa, cai bằng mẹo như bôi dầu vào đầu vú, dán băng dính đen hoặc giảm dần số lần cho bú, tăng thức ăn ngoài để trẻ không còn cảm giác thèm sữa mẹ... đều có thể áp dụng. “Khi bôi thuốc vào đầu vú phải cẩn thận, nhất là với các loại thuốc đắng, dầu xoa vì một số hoá chất có khả năng gây hại nếu bé nuốt phải. Riêng việc uống thuốc để cai sữa cũng phải hết sức thận trọng vì các thuốc cai sữa thực chất là nội tiết tố của buồng trứng hoặc nội tiết tố của tuyến yên, có tác dụng giảm quá trình tiết sữa nhưng nếu tự ý mua dùng mà không hỏi ý kiến bác sĩ sẽ rất dễ gặp những hậu quả nguy hiểm”, bà Phương khuyến cáo.

Không cai sữa đột ngột, quá sớm

TS.BS Hoàng Kim Thanh, giám đốc trung tâm truyền thông và giáo dục dinh dưỡng, viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, các bà mẹ cần nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời và sau đó bên cạnh cho bé ăn bổ sung hợp lý, cần duy trì bú sữa mẹ đến 18 – 24 tháng. “Nếu muốn tiếp tục cho bé bú cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé, trừ trường hợp bé biếng ăn, kéo dài bú mẹ sẽ làm bé lười ăn hơn và quấy mẹ nhiều hơn”, bà Thanh nói. Cũng theo bà Thanh, các bà mẹ đang chuẩn bị cai sữa không nên cai đột ngột vì dễ làm bé bị sang chấn tinh thần và sinh biếng ăn. Tốt nhất giảm từ từ, nếu vẫn cho bú bốn, năm lần một ngày thì giảm thành ba, sau đó hai, rồi một; thay dần các bữa bú bằng bột, cháo (phải có thịt, cá, trứng, dầu, mỡ, rau quả tươi để đủ dinh dưỡng). Không cai sữa khi bé ốm, cai vào những lúc thời tiết xấu (như mùa hè nóng nực) vì mẹ và bé sẽ mệt mỏi, khó chịu.

Theo BS Tiến, các bà mẹ có thể dùng thuốc cai sữa nhưng phải có tư vấn của bác sĩ. Tránh cai sữa cho bé trước 12 tháng tuổi vì việc ăn sữa ngoài hoặc ăn bổ sung quá sớm sẽ gây tiêu chảy cho bé. Mặt khác, do hệ tiêu hoá của bé chưa làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ nên khả năng tiêu hoá, hấp thu kém sẽ khiến bé dễ suy dinh dưỡng. “Cho con bú ngoài duy trì tình cảm mẹ con, còn là cách truyền kháng thể của mẹ cho con, việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, kháng thể của mẹ truyền qua sữa sẽ giúp bé chống lại được nhiều bệnh tật”, BS Tiến lưu ý.

 

Không nặn hết sữa ra
Sau khi cai sữa cho bé, phần lớn các bà mẹ sẽ cảm thấy hai bên vú căng lên, cương tức sữa. Lúc đó có thể nặn sữa, nhưng không được nặn hết và không nặn thường xuyên vì càng nặn sữa sẽ càng ra, giống như khi có bé bú. Nếu muốn giảm cảm giác đau, khó chịu có thể dùng một chiếc khăn ấm nóng chườm nhẹ hai bên vú, rồi vắt bớt sữa đi. Nếu thấy đau quá thì cần đến gặp bác sĩ để được kê thuốc nội tiết cho tiêu sữa, tránh những tác dụng phụ khi tự ý dùng.
Đối với trường hợp không thể cho con bú vì mắc bệnh, phải cai sữa khi bé mới vài ba tháng tuổi, nặn sữa để giảm tiết sữa cũng không có kết quả, cần đến gặp bác sĩ để có những lời khuyên phù hợp.

 

 
 
Theo SGTT
Chia sẻ