Cách mẹ Nhật ứng xử khi trời lạnh con không chịu mặc áo ấm

Theo Seatimes,
Chia sẻ

Buổi sáng trước khi đi học, dù đã muộn và trời rất lạnh nhưng con vẫn kiên quyết không chịu mặc áo ấm để ra khỏi nhà, bố mẹ Nhật đã xử lý những tình huống này như thế nào?

Cách mẹ Nhật ứng xử khi trời lạnh con không chịu mặc áo ấm 1
Thay vì ép trẻ mặc quần áo theo ý mẹ hoàn toàn khiến trẻ khóc lóc thì mẹ hãy tạo ra một không gian lựa chọn cho trẻ chọn và trẻ sẽ thích. (Ảnh minh họa)

Rất nhiều phụ huynh chia sẻ rằng mùa đông lạnh nhưng sáng ra khi chuẩn bị cho con đi học thì rất stress vì con không chịu mặc áo ấm, không chịu đeo tất, vv... Điều này không chỉ trẻ em Việt Nam mà ngay cả một số trẻ em người Nhật ở trường cũng tương tự. Đây là một trường hợp bố mẹ có thể áp dụng lý thuyết Lựa chọn (Choice Theory).

Giải pháp của các mẹ Nhật trong tình huống này thường là đầu mùa đông dẫn con đi mua quần áo ấm, tất, giầy cho con tự chọn theo ý thích trong phạm vi khả năng tài chính của mẹ. Trước khi trả tiền, người mẹ nói “đắt quá, đắt thế này không biết mẹ có đủ tiền không. Mẹ sẽ mua nếu con hứa là sẽ mặc nó nhé?” Đứa con đồng ý về nhà sẽ mặc. Thay vì ép trẻ mặc theo ý mẹ hoàn toàn thì tạo ra một không gian lựa chọn cho trẻ chọn và trẻ sẽ thích.

Trong những trường hợp đặc biệt nếu trẻ nhất quyết không mặc ấm, mặc dù mẹ đã đủ cách thì mẹ Nhật thường giải thích rất nhất quán cho con hiểu: không mặc ấm, con sẽ bị ốm, bị ốm thì sẽ không được đi chơi, không được mua đồ chơi,… và áp dụng đúng logic vừa thống nhất với con. Vì thế con phải lựa chọn những bộ đồ ấm trong số con có để mặc.

Trong những trường hợp đặc biệt, bé liên tục vi phạm các qui định sau nhiều lần giải thích và tập luyện thì nhất thiết phải áp dụng hệ thống thưởng phạt từ mức độ nhẹ đến nặng đối với hình phạt và từ mức thưởng thấp tới thưởng cao. Khi nào phạt và khi nào thưởng, khi nào vừa phạt và vừa thưởng, phạt thế nào và thưởng thế nào để tạo ra sự thay đổi cũng là một nghệ thuật. 

Choice Theory: Trẻ em cũng có quyền lựa chọn

Trong gia đình và trường học, với mọi lứa tuổi, chúng ta đều bắt gặp những thành viên “đặc biệt”:

-  Con không chào khi gặp bố mẹ, người thân.

-  Khi tới trường, các bạn đều chào "con chào cô ạ", "con chào thầy ạ", "good morning", bé nhất định không chào.

-  Trong khi mọi người đều tự cất giầy dép của mình, bé nhất quyết không tự cất.

-  Trong khi mọi người đều tự xúc ăn, bé nhất quyết chỉ há miệng chờ cô xúc cho.

-  Trong khi mọi người hào hứng nói tiếng Anh, bé chỉ ngồi đếm một hai ba đến một trăm là hết giờ học…

Bố mẹ và thầy cô nên ứng xử như thế nào với những trường hợp con em như vậy?

Thuyết Choice Theory (Thuyết Lựa chọn) nói rằng: Mọi người, bao gồm cả trẻ nhỏ, đều có quyền lựa chọn. Một lựa chọn, trong một tình huống cụ thể, có thể là lựa chọn xấu (poor choice) và có thể là lựa chọn tốt (good choice). Lựa chọn xấu dễ dẫn đến thất bại và lựa chọn tốt sẽ dẫn đến thành công. Bất kỳ ai cũng muốn hướng tới thành công, kể cả trẻ nhỏ.

Khi trẻ lựa chọn xấu (ví như chọn cách im lặng không chào ai khi tới trường buổi sáng, ngồi đếm từ 1 đến 100 bằng tiếng Việt trong giờ học tiếng Anh, ngồi há miệng chờ cô xúc cho ăn chứ không tự xúc...), người làm giáo dục không nên trách mắng và phạt trẻ. Hãy tôn trọng lựa chọn của trẻ và để cho trẻ trải nghiệm sự thất bại nếu như sự lựa chọn đó trực tiếp dẫn đến sự thất bại có thể cảm nhận được ngay (ví dụ như không tự xúc ăn thì sẽ hết giờ và bị đói. Bố mẹ thường xót con nhưng bị bỏ đói một bữa cũng không sao cả, bữa sau bé sẽ hiểu rằng không tự xúc thì sẽ đói.)

Trong trường hợp lựa chọn xấu chưa dẫn tới thất bại có thể cảm nhận được ngay, người làm công việc giáo dục sẽ kiên nhẫn và nhẹ nhàng giải thích cho trẻ theo nguyên tắc nhân quả (cause-effect) để trẻ tự suy nghĩ (ví dụ như không cất giầy dép đúng chỗ thì người vệ sinh sẽ cất dép đó vào một chỗ xấu xí, chiều về bé phải tự đi tìm giầy của mình trong chỗ xấu xí mà bé không thích đó).

Trong những trường hợp mà hệ quả của lựa chọn xấu khó có thể nhận ra, tốt nhất hãy giúp trẻ “trải nghiệm” sự thất bại bằng mô hình. Chẳng hạn, để dạy con cẩn thận với bô xe máy, nếu giảng giải về bỏng thì sẽ khó hình dung vì chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác đó. Bố mẹ có thể cho con chứng kiến chân con búp bê cũ bằng nhựa bị tan chảy và bốc mùi khét khi đặt nó vào bô xe máy đang nóng. Bằng trải nghiệm thông qua thị giác, thính giác và khứu giác như vậy, trẻ sẽ hiểu được hệ quả của chạm vào bô xe máy.
Chia sẻ