Cả nhà xuống đường đi bộ vì trẻ tự kỷ

,
Chia sẻ

Sáng ngày 18/4/2010, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chương trình Đi bộ "Cùng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng" đã thu hút hàng ngàn người tham dự.

Chương trình do Clb Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội và O2TV tổ chức.
 
Đây cũng là chương trình cộng đồng đầu tiên được tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết đúng đắn của cộng đồng về Hội chứng tự kỷ ở trẻ em, giúp mọi người sớm phát hiện triệu chứng và tìm cách chữa trị kịp thời, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng không phân biệt đối xử với trẻ tự kỷ, giúp trẻ được hòa nhập với xã hội.

Rất nhiều các bố mẹ đã đưa con bị tự kỷ và hàng ngàn người đã tham dự chương trình. Tại buổi lễ mitting, các em nhỏ bị tự kỷ đã trình bày các tiết mục ca nhạc, múa rất sôi động.
 
 

Ở dưới khán đài, có bạn đang tập vỗ tay theo nhịp hát trên sân khấu.

Anh Hoàng Đức Đồng (Phúc Tân – Hà Nội), bố cháu Hoàng Phúc Thắng (12 tuổi) mắc chứng tự kỷ tâm sự: “Đến đây tham dự chương trình, cháu Thắng có vẻ thích thú lắm. Con gái đầu của tôi hoàn toàn bình thường. Cháu Thắng là con thứ hai. Khi biết cháu bị tự kỷ, gia đình cũng tự động viên nhau và cố gắng dạy cháu mọi thứ có thể.
 
Cháu 12 tuổi mới có thể tự vệ sinh cá nhân, ăn uống. Còn việc học hành thì cực kỳ khó và chậm hơn các bạn khác rất nhiều. Cháu thích chơi với các bạn trong xóm, thích hoạt động tập thể, nhưng có gì không vừa ý hoặc không thích là cháu đánh luôn. Gia đình luôn phải giám sát và dặn mọi người phải cảnh giác. Các cháu tự kỷ, mỗi cháu là một dạng khác nhau. Ví dụ như con tôi hầu như không ăn thịt, chủ yếu là ăn rau, lạc, đỗ, vừng, như người ăn chay.
Bố mẹ chỉ có cách phải lựa theo con và giáo dục dần dần”.
 
Cháu Thắng (bên phải, áo trắng) và người bạn mới quen tại chương trình
 
 Hiện nay  khoa học chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra chứng tự kỷ và cách chữa trị dứt điểm. Nhưng những nghiên cứu về các phương pháp can thiệp sớm, điều trị phục hồi chức năng, điều trị y sinh, tâm lý trị liệu... đã mang lại nhiều kết quả tốt. Thực tế cho thấy, nếu được can thiệp kịp thời và đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể đến trường phổ thông và có trẻ có trả năng đặc biệt về trí nhớ, hội họa hay âm nhạc. Mặc dù có “nét” tự kỷ, nhưng người tự kỷ vẫn có thể sống được độc lập.
 
Cháu Hiếu – mắc chứng tự kỷ từ lúc hơn 2 tuổi và gia đình đã có những biện pháp can thiệp kịp thời. Hiện nay, Hiếu 11 tuổi, có thể hoàn thành một bức tranh rất đẹp và chơi đàn piano cực hay. Trước những tiến bộ của con, mẹ cháu Hiếu chỉ biết cười trong nước mắt: “Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ để con chúng ta ở một mình. Hãy liên tục nói chuyện với trẻ, yêu thương trẻ và giải thích cho trẻ tất cả công việc mà chúng ta đang làm. Những khó khăn mà trẻ gặp phải, hãy dạy trẻ từng tí một. Với gia đình có trẻ tự kỷ phải có lòng kiên nhẫn và tình yêu con vô bờ bến”.
 
Nghệ sỹ Đức Hải - Đại sứ thiện chí của chương trình giúp cháu Hiếu hoàn thành bức tranh con mèo và ngôi nhà nhiều màu sắc

Theo cô giáo Hoài (trường Albert Einstein) chuyên dạy các em bị tự kỷ, đối với các em, bố mẹ và thầy cô giáo phải dành nhiều tình cảm, thật kiên nhẫn. Không biết bao lần tôi cũng thấy bất lực và thất vọng. Không có giáo án khuôn mẫu nào để dạy các con. Chúng tôi tự lên chương trình và chủ yếu dạy các con kỹ năng sống.

Hội chứng tự kỷ mới xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm trở lại đây và ngày càng phổ biến, số trẻ mắc tự kỷ năm sau cao gấp 2-3 lần năm trước.
 
Tự kỷ được xem là một chứng rối loạn phát triển, trẻ hạn chế trong giao tiếp xã hội, khiểm khuyết về sử dụng ngôn ngữ, có những hành vi bất thường
Bé nhỏ, dạy đánh răng rửa tay, đi vệ sinh phải đóng cửa. Các bé lớn phải dạy nấu ăn, đi chợ, quét nhà, đi chợ. Riêng đi chợ phải dạy tới 3 năm các con mới mua được một món đồ mà cô vẫn phải đi kèm. Các bố mẹ cần can thiệp sớm và đúng cách nếu con mắc chứng tự kỷ.
 
Là bố của 4 đứa con xinh xắn, nghệ sỹ Đức Hải – đại sứ thiện chí của chương trình cho biết: “Những bé tự kỷ là những bé không hiểu hành vi của mình và để lại rất nhiều vất vả, khó khăn cho bố mẹ, gia đình. Trong xã hội, những gia đình có trẻ tự kỷ chưa biết gửi trẻ ở đâu, hoặc đến những môi trường chuyên biệt nào.
 
Tôi chỉ mong muốn cuộc đi bộ hôm nay chỉ là khúc dạo đầu và vĩ thanh của nó là tất cả cộng đồng, hoạt động mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc. Có một ngôi trường chuyên biệt, rất nhiều phòng để có chỗ cho các cháu chơi, các cháu được học 1 cô 1 trò, được học hát, múa, vẽ và giao tiếp, thực sự sống như tất cả các trẻ khác. Hy vọng rằng sẽ có nhiều nhà tài trợ cùng chúng tôi làm công việc này”.
 
Sau buổi lễ miting, tất cả mọi người đã đi bộ vòng quanh vườn hoa Lý Thái Tổ kêu gọi "Cùng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng".
 
Một số hình ảnh về buổi đi bộ: Dẫn đầu là nghệ sỹ Đức  Hải.

Sau đó là rất nhiều sinh viên ở các trường Đh, các bạn học sinh, bố mẹ và các bạn nhỏ.
 
 
 
 
Con cũng tham gia cùng mọi người nhé!
 
 
Hàng ngàn người tham gia vào buổi đi bộ
 

Cuộc đi bộ lần này nhằm tuyên truyền về những kiến thức cơ bản về hội chứng trẻ tự kỷ và những vất vả khó khăn mà các bố mẹ đang phải vượt qua. Trẻ tự kỷ không phải bị thần kinh hoặc bị bệnh như nhiều người lầm tưởng. Chỉ có điều khác biệt là các em có khả năng đặc biệt riêng, có thế giới riêng và hãy hiểu các em thông qua thế giới riêng ấy.

Thu Hằng

 

Chia sẻ