Bố mẹ lơ là, con thành ăn cắp

K. M,
Chia sẻ

Câu chuyện của hai mẹ con cứ xoay quanh chuyện lấy đồ chơi và cuối cùng, con trai ôm cổ chị Mai thủ thỉ: "Mẹ ơi con sai rồi, mai con sẽ mang lên lớp và xin lỗi cô giáo".

Nhìn thấy con đang ngồi cầm đồ chơi lạ trên tay, chị Mai hỏi thì cậu con trai thú nhận đã lấy trên lớp. Con trai còn biện hộ: "Lúc con lấy không bạn nào nhìn thấy đâu mẹ ạ. Cô giáo cũng không thấy nên không ai biết đâu, mẹ không phải lo". Không bằng lòng với lối suy nghĩ của con, chị Mai giải thích cho con hiểu, lấy đồ của người khác, dù là của ai đi chăng nữa mà không được sự đồng ý của họ đều là một việc làm sai trái, không đáng hoan nghênh. Chị Mai liền gọi con lại để nói chuyện:

- "Trong số những món đồ chơi của con, con thích đồ chơi nào nhất?"

- "Con thích đoàn tàu hỏa nhất".

- "Thế có một ngày con đi lớp, ở nhà có người lấy tàu hỏa của con, về nhà không thấy con sẽ thế nào?"

- "Con sẽ buồn ạ, vì từ nay không được chơi tàu hỏa nữa" - con trai ấp úng.

- "Thế con đã biết nếu con lấy đồ chơi trên lớp về nhà, thì các bạn trên lớp sẽ thế nào chưa?"

- "Các bạn sẽ không có đồ chơi để chơi ạ"
...

Câu chuyện của hai mẹ con cứ xoay quanh chuyện lấy đồ chơi và cuối cùng, con trai ôm cổ chị Mai thủ thỉ: "Mẹ ơi con sai rồi, mai con sẽ mang lên lớp và xin lỗi cô giáo". Xoa đầu con trai, chị Mai biết chị vừa dạy con được một bài học về sự trung thực và tính tự giác.
 

Không tự giác được như con trai chị Mai, bé Bo con trai nhà anh Trung, chị Hậu cũng có thói quen mang đồ chơi của người khác về làm của mình và... không bao giờ trả lại. Phát hiện con lấy đồ chơi nhà bạn mang về, anh Trung quát mắng con: "Tại sao con lại mang đồ chơi nhà bạn về hả?". Bo lí nhí: "Tại nhà mình không có đồ chơi đó ạ, mà con thì lại thích". "Thích thì phải bảo để bố mẹ mua chứ, lần sau không được lấy của bạn nghe chưa". Mắng con vậy thôi chứ anh Trung cũng không đả động gì đến chuyện phạt con hay bảo con mang đồ trả lại cho bạn. Vợ chồng anh Trung, chị Hậu làm kinh doanh nên thường bận tối ngày, chuyện của con trai anh chị chỉ kịp "mắng" con vài câu như vậy chứ cũng chẳng có thời gian giải thích cho con làm thế nào là đúng làm thế nào là sai, và cũng không bắt con phải nhận lỗi và sửa lại hành động của mình.

Lâu dần, bé Bo nổi tiếng khắp cả khu tập thể lẫn cả ở trường mẫu giáo là một bé có tính tắt mắt và "thích" cầm nhầm đồ của người khác. Nói chuyện với bố mẹ Bo thì cả hai chỉ xuề xòa: "Nói con trai bao nhiêu lần rồi mà vẫn chứng nào tật nấy". Bố mẹ Bo không biết rằng chính thái độ của mình đã không giúp Bo sửa được tật xấu này.

Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, trẻ lấy trộm đồ của người có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau:

- Do quá thích đồ vật đó mà không tự kiểm chế được ham muốn sở hữu.
- Do có lần, trẻ đòi mua thứ đó mà bố mẹ không mua.
- Do ganh tị với bạn: sao bạn có mà mình không có?
- Do “trả thù” người có đồ vật nên lấy trộm làm cho người đó phải thua thiệt.
- Do bắt chước hành vi ăn trộm của người khác.

Khi phát hiện con có hành động không đúng là lấy đồ của người khác mà không hỏi, cha mẹ cần "xử lý" ngay. Đừng mắng quát con vội mà hãy chuyện trò với con để con hiểu hành động đó là không đúng, dù là người lớn hay trẻ con thì đều không nên làm vậy. Giải thích cho con hiểu nếu làm vậy thì hậu quả sẽ thế nào, người bị mất đồ sẽ cảm thấy ra sao và mọi người sẽ đánh giá thế nào về con nếu con lấy đồ của người khác mà không hỏi...

Sự trò chuyện nhẹ nhàng giữa cha mẹ và con cái sẽ giúp con hiểu ra vấn đề và tự tìm được cách sửa sai cho hành động của mình. Nếu con không biết làm thế nào nữa thì cha mẹ hãy hướng cho con cách giải quyết tốt nhất.

Chia sẻ