Bố mẹ học về "chuyện ấy" để dạy con

,
Chia sẻ

Không chỉ giúp bố mẹ gần gũi hơn với con cái, việc học hỏi các kiến thức về giới tính, tình dục còn giúp nhiều cặp vợ chồng "gương vỡ lại lành".

"Thế hệ tôi lúc lấy vợ vẫn chẳng dám hỏi hay nói về 'chuyện ấy', giờ đầu hai thứ tóc lại đi học về cấu tạo bộ phận sinh sản, tình dục... nên ngại lắm. Nhưng nhờ đó mà tôi có thể trò chuyện với các con về những chuyện tế nhị này", ông Phú, 51 tuổi chia sẻ. Ông là một trong những thành viên tích cực của câu lạc bộ cha mẹ và sức khỏe vị thành niên ở xã Yên Hồng, Ý Yên, Nam Định từ giữa năm 2007 đến nay.

Lúc mới nghe cán bộ xã vận động tham gia câu lạc bộ, ông cũng như những bà con trong thôn, đều e ngại vì nghĩ "ai lại nói về việc này giữa đông người", hay "nói với bọn trẻ thì khác gì vẽ đường cho hươu chạy"... Nhưng sau vài buổi tập huấn, ông đã thay đổi suy nghĩ.

"Đọc tài liệu, nghe phổ biến kiến thức, mình mới hiểu tâm lý của con ở lứa tuổi mới lớn tò mò lắm, mình không nói với con thì nó cũng tự mày mò tìm hiểu, có khi bằng cách xem các băng đĩa đồi trụy thì nguy hiểm lắm", ông tâm sự.

Tuy nhiên, ông cho biết, mình hiểu con, biết kiến thức là một chuyện, nói với bọn trẻ về việc đó lại là chuyện khác vì không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào. Ban đầu, sau mỗi buổi đi sinh hoạt về, ông không nói gì, chỉ đem những tờ rơi hay cuốn sách về giới tính như "con cần phải biết chuyện ấy là thế nào"... đặt ở chỗ dễ thấy, cho bọn trẻ tò mò tự mở xem.

Sau đó, khi các con đã có kiến thức, ông lựa những lúc thích hợp để có thể trò chuyện với hai con - một trai, một gái trong cặp sinh đôi đang học lớp 10. Chẳng hạn, khi các con học môn sinh có các bài dạy về bộ phận cơ thể hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ông cũng đến hỏi han rồi cùng con chia sẻ kiến thức, bàn luận các tình huống có thể xảy ra...

Thời gian đầu, cán bộ dự án phải đến từng gia đình vận động tham gia câu lạc bộ cha mẹ
vì sức khỏe vị thành niên.

Dần dần, hai con ông đã gần gũi hơn với bố. Có lần, nghe cậu con trai thổ lộ: "Có bạn gái hôm nào đến lớp cũng ngồi sát con, làm con ngượng cả người", ông tranh thủ nói với con về tình bạn khác giới, những cảm xúc hay cách ứng xử để giữ tình bạn trong sáng...

Với cô con gái, vì hoàn cảnh vợ đi công tác xa, ông là người trực tiếp chỉ bảo con cách giữ vệ sinh, và cũng chẳng ngại việc sắm những đồ nhỏ, băng vệ sinh cho con gái. "Mọi người cứ cười tôi, bảo việc đó của đàn bà, sao tôi phải lo. Nhưng tôi thì thấy bình thường. Ở nhà tôi, chả việc nào là của riêng đàn bà hay đàn ông cả. Vợ đi làm thì tôi rửa bát, quét nhà, giặt quần áo, chăm sóc các con... như thế người ta gọi là bình đẳng giới đấy", ông Phú cười bộc bạch.

Câu lạc bộ cha mẹ và sức khỏe vị thành niên là một trong những hoạt động của Dự án nâng cao kiến thức, kỹ năng của vị thành niên, cha mẹ và cộng đồng về giới, quyền sức khoẻ sinh sản, tình dục và phòng chống HIV ở nông thôn. Dự án này do Trung tâm nghiên cứu Giới và Gia đình trong phát triển thực hiện, dưới sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch.

Dự án được triển khai tại 4 tỉnh là Bắc Giang, Nam Định, Phú Yên và TP HCM. Bắt đầu hình thành từ năm 2007, với nhiều hình thức sinh hoạt như thảo luận nhóm, đóng vai tình huống, tham gia trò chơi, câu lạc bộ này giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về tâm sinh lý con em, có kiến thức để chia sẻ với con các vấn đề tế nhị.

Chị Hòa ở câu lạc bộ Mỹ Thành, huyện Sông Cầu, Phú Yên trước đây thường hay tránh né hoặc nạt nộ khi con gái hỏi về mấy chuyện như làm sao có em bé, tại sao con gái lại có kinh nguyệt, có thai mà con trai lại không có. Sau khi tham gia câu lạc bộ, chị hiểu con có quyền được tìm hiểu các thông tin trên. Chị đã cố gắng học để biết cách trao đổi với con, hướng dẫn chúng biết chăm sóc vùng kín, tránh các tình huống có thể bị lạm dụng...

Không chỉ giúp bố mẹ gần gũi hơn với con cái, việc học hỏi các kiến thức về giới, tình dục còn giúp nhiều cặp vợ chồng "gương vỡ lại lành".

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Bàn (Cao Bồ, Ý Yên, Nam Định) chẳng hạn. Trước đây, anh Bàn ham cờ bạc, không chăm lo cho gia đình. Chị Bé, vợ anh, vì bực bội đã to tiếng với chồng ở nơi đông người, khiến anh thấy mất mặt nên càng lao vào trò đỏ đen, bỏ mặc vợ con.

Khi được chị em phụ nữ vận động tham gia câu lạc bộ, chị Bé đã đi nghe tập huấn, rồi hiểu ra và biết cách ứng xử với chồng, nhẹ nhàng thuyết phục anh cùng vợ chăm lo gia đình và quan tâm đến các con. Sau mấy buổi được vợ động viên cùng tham gia câu lạc bộ, anh Bàn không còn đánh bạc nữa, cùng vợ lo thu vén gia đình. Anh cũng chẳng giúp vợ việc nhà và chăm trò chuyện với các con hơn.

Song song với câu lạc bộ cha mẹ, nhóm sinh hoạt gồm các trẻ vị thành niên cũng hoạt động tích cực không kém. Các em, từ chỗ ngại ngùng, đã nhanh chóng nắm bắt các kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe của mình, bày tỏ nỗi lòng với bố mẹ, thậm chí thay đổi hoàn cảnh gia đình.

Ngày trước, khi ông nội bắt bố bỏ mẹ lấy vợ hai vì chỉ sinh được con gái, cô bé Tú ở xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, Nam Định chỉ biết khóc vì tủi thân. Nhưng giờ, em đã đủ lý lẽ để thuyết phục ông nội hiểu rằng đó không phải là lỗi của mẹ em và gia đình em vẫn hạnh phúc, vui vầy dù không có con trai.

Cả bố mẹ và em gái Tú đều tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ bố mẹ và vị thành niên của xã Yên Hồng.

"Bây giờ, mỗi khi cả nhà xem phim, có những cảnh 'nhạy cảm' bố mẹ không bắt chúng em quay đi hay tắt TV mà có thể nhân đó mà cả nhà cùng thảo luận về những vấn đề như: quan hệ nam nữ khi nào là thích hợp, con gái cần làm gì để tránh bị lạm dụng tình dục hay thoát khỏi những cám dỗ khi chưa sẵn sàng cho 'chuyện ấy'", Tú chia sẻ.

Sáng qua, trong báo cáo đánh giá giữa kỳ về hiệu quả mô hình câu lạc bộ bố mẹ và vị thành niên đã thực hiện được 2,5 năm, thạc sĩ Nguyễn Kim Thúy, trưởng nhóm đánh giá dự án của Trung tâm phát triển giới và gia đình trong môi trường, cho biết, hình thức sinh hoạt tại các câu lạc bộ thực sự rất hiệu quả, dù ban đầu vướng không ít khó khăn bởi ở nông thôn, ngay cả cán bộ tập huấn cũng e ngại thậm chí không có kiến thức về các vấn đề này.

Tuy nhiên, đến nay, ở các địa phương, câu lạc bộ đã được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, từ hỏi đáp, thảo luận nhóm đến diễn kịch, tiểu phẩm, xử lý tình huống... Trong giai đoạn 2 (2009-2011) mô hình này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và sẽ được nhân rộng tại các địa bàn khác trong 4 tỉnh dự án đã chọn.

Theo Vnexpress

Chia sẻ