Bố mẹ đừng giữ con trong nhà bằng thiết bị số

Vân Nhã,
Chia sẻ

Đón bé về nhà sau một ngày dài con ở trường, mẹ phải túi bụi với việc nhà, nấu ăn trong khi bố về muộn. Để bé không chạy nhảy, quậy phá lung tung hoặc đỡ thấy đơn độc, buồn chán, nhiều mẹ sẽ bật điện thoại thông minh hay máy tính bảng, laptop cho bé xem hoặc chơi một mình.

Quả nhiên, những thiết bị này có sức hút cực lớn. Chúng khiến bé ngồi yên, chăm chú, rồi say mê. Đến lúc cần dừng lại để ngồi vào bàn ăn, tắm rửa, vui chơi với cha mẹ, đi ngủ..., cũng thật khó khăn để tách rời bé khỏi chúng. Và nhiều ngày như thế, thành thói quen, những thiết bị thông minh trở nên mật thiết và có quyền năng với bé hơn cả cha mẹ, ông bà...

Có lẽ, rất nhiều gia đình đang có bức tranh tương tự như thế này. Và tình trạng dùng các thiết bị số như những "vú em" đầy sức thuyết phục để giữ, dỗ dành trẻ đã là lựa chọn chung của nhiều bậc cha mẹ, ông bà. Hệ quả đi kèm có thể là tình trạng lạm dụng công nghệ, gây nghiện cho trẻ với sự bất lực của người lớn... 78% trẻ em dưới 6 tuổi ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đã được tiếp xúc thường xuyên với thiết bị số từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày, tỷ lệ trẻ được dùng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày đang có xu hướng tăng nhanh... là điều đáng để suy nghĩ.

Đây là những thông tin do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM và Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion cung cấp từ kết quả cuộc khảo sát xã hội về "Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh". 

Bố mẹ đừng giữ con trong nhà bằng thiết bị số 1

Khảo sát này cũng cho thấy: Đại đa số phụ huynh đang bị động trong việc cho con tiếp cận và sử dụng thiết bị số. Họ hoàn toàn lúng túng trước việc phân định hiệu quả tích cực hay nguy cơ tiêu cực với con em mình. 

Chính vì thế, bên cạnh sự lạc quan với những lợi ích tích cực mà thiết bị số mang lại cho trẻ, xem đây là phương tiện giúp trẻ thông minh, nhanh nhạy, có vốn kiến thức rộng hơn, học tập và vui chơi thuận tiện, hiệu quả hơn, phần lớn phụ huynh cũng cho biết khi sử dụng thiết bị số thường xuyên như những mô tả bên trên, con em mình có nguy cơ xao nhãng việc học tập, dễ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng không lành mạnh, có khuynh hướng ít giao tiếp với người thân, dễ rơi vào trạng thái phụ thuộc, suy giảm khả năng tưởng tượng... 

Bố mẹ đừng giữ con trong nhà bằng thiết bị số 2

Trước kết quả trên, TS.Nguyễn Thị Hảo - Phó Trưởng Khoa Giáo dục, Trường Đại học khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM, đánh giá: "Thực trạng này phần nào phản ảnh cha mẹ chưa thực sự quan tâm đến tác động, cả mặt tích cực và tiêu cực, của thiết bị công nghệ đối với trẻ. Vì thế, họ không thật quan tâm đến việc kiểm soát và dạy con cách sử dụng thiết bị công nghệ theo cách hữu ích nhất. Điều này cũng cho thấy cha mẹ phần lớn dễ dãi trong phong cách giáo dục con. Đến lúc nhận ra tác hại của việc dễ dãi này thì họ thường phản ứng bằng cách không cho con tiếp xúc với thiết bị thông minh. Vô hình chung, thay vì phát huy các thiết bị công nghệ như một công cụ hữu ích giáo dục và phát triển tinh thần, trí tuệ con thì họ lại xem thiết bị thông minh như là nguyên do của mọi hạn chế ở con họ. Rõ ràng, các thiết bị thông minh có tác động không nhỏ không chỉ đến mặt thể chất mà cả tinh thần, trí tuệ và nhân cách nói chung của trẻ. Tác động ấy theo hướng tích cực hay hạn chế là do sự kiểm soát, định hướng, quản lý và sự quan tâm của cha mẹ dành cho con"...

Bố mẹ đừng giữ con trong nhà bằng thiết bị số 3

Những đứa trẻ dù còn rất bé đã rành và say sưa với những thiết bị tân tiến mà đến ông bà, cha mẹ vẫn còn mù mờ có thể là niềm tự hào trong thoáng chốc. Chỉ đến khi trẻ có dấu hiệu yếu đuối về thể chất, cận thị, loạn thị, béo phì, chông chênh, vô cảm... trước đời sống thực là nguy cơ và nỗi lo thực sự của các bậc cha mẹ lẫn toàn xã hội. Do đó người lớn cần nhìn lại cách mình đang chăm sóc trẻ, dẫn dắt trẻ vào thế giới số như thế nào cho đúng đắn, lành mạnh, nắm bắt được những lợi ích thiết thực cho việc học tập, vui chơi của trẻ và phòng tránh tối đa các đe dọa cho quá trình phát triển cả thể chất và tâm lý của con. 
Chia sẻ