Bố mẹ dạy con, ông bà cứ đòi can thiệp

,
Chia sẻ

Cứ hễ bố ngồi kèm cu Hùng học buổi tối (chuẩn bị lên lớp 2), bé lại lý sự: “Bà bảo bố học dốt, làm sao dạy con học được”.

1. Mẹ Sún đang có bầu 6 tháng. Mỗi lần Sún lười ăn, lười học, bị mẹ mắng, ông nội lại bênh cháu: “Nó không ăn thì thôi, sao cứ phải ép” hoặc “Trẻ con biết gì mà mắng nó. Nghiêm thì cũng nghiêm vừa vừa thôi chứ, sau này uốn nắn cũng được”.

Thế rồi ông lại thủ thỉ với cháu: “Khổ thân Sún, sắp ra rìa rồi. Mẹ đẻ em bé, chẳng còn yêu Sún nữa đâu”. Thế là mỗi lần bị bố mẹ mắng, Sún lại chạy ra mếu máo mách ông. Dần dần, Sún chẳng nghe lời bố mẹ gì cả. Chỉ khi nào ông đi vắng, bé mới hơi nem nép một tí thôi.

Sún lại ngày càng ghét em bé trong bụng mẹ. Vì ông bảo: “Em bé ra đời, sẽ chơi hết đồ chơi của Sún, ăn hết món ngon. Ông sẽ bế em bé, chẳng bế Sún đâu”.
 
Bố mẹ Sún bao nhiêu lần góp ý với ông không nên chiều cháu, ông lại gạt đi: “Tao dạy 8 đứa con còn được nữa là dạy mình nó. Cứ để đấy, sau này lớn lên, nó khắc biết hết”.

2. Cứ hễ bố ngồi kèm cu Hùng học buổi tối (chuẩn bị lên lớp 2), bé lại lý sự: “Bà bảo bố học dốt, làm sao dạy con học được”.
Đúng là hồi nhỏ, bố Hùng cũng mải chơi, không chịu học hành chăm chỉ, bị ông bà mắng suốt. Hùng chuẩn bị vào lớp 1, cũng lười học không kém, bà nội suốt ngày mắng: “Lại giống thằng bố mày hồi xưa”, rồi kể ra một loạt các “thành tích” của bố.

Cu Hùng vin vào đó, suốt ngày cự nự: “Sao bố bắt con học lắm thế. Ngày xưa bố có học đâu”. Hai bố con dạy nhau học, hơi to tiếng một chút, ông bà lại chạy ra bênh cháu chằm chặp. Vì thế, bé chẳng sợ bố mẹ và không tập trung vào học hành.
Ông bà bao giờ cũng yêu con quý cháu nhất (Ảnh minh họa)

3. Bố mẹ nên nói chuyện và thống nhất với ông bà cách dạy con. Dù là chuyện học hay ứng xử hàng ngày, con cái phải có sự lễ phép, kính trên nhường dưới. Phải quán triệt quan điểm: “Khi chúng con đã dạy cháu thì xin ông bà đứng ngoài thôi, không can thiệp” hoặc khi ông bà dạy cháu, bố mẹ cũng không bênh con.

Ông bà và bố mẹ cũng không nên “bôi xấu” hình ảnh những người thân trong gia đình để làm gương cho bé, hoặc để bé vin vào đó, lý sự. Điều đó không những làm bé hư, mà còn ảnh hưởng tới tình cảm gia đình. Hơn thế, các bé hay bắt chước người thân trong gia đình. Nếu hình mẫu của bé bị méo mó thì làm sao bé phát triển tốt được?

Có thể thỏa thuận với ông bà, những chuyện nào ông bà dạy cháu, chuyện nào là bố mẹ dạy nhé. Ông bà có thể dạy cháu những điều rất đơn giản mà có khi bố mẹ không để ý đâu nhé: thói quen dạy sớm tập thể dục buổi sáng, yêu thương con cháu, chịu thương chịu khó... Hoặc ông bà viết chữ đẹp, giọng đọc to, phát âm rõ, sẽ dạy và làm gương cho cháu khi cháu chuẩn bị đi học lớp 1.

Dạy con không phải là chuyện riêng của bố mẹ hay của ông bà, mà là chuyện chung của cả gia đình. Người lớn trong nhà nên tôn trọng cách dạy của nhau, biết kết hợp và hỗ trợ các ưu điểm trong "đường lối" giáo dục của nhau, sẽ giúp bé phát triển toàn diện.
 
Nam Hải
(Tổng hợp)
Chia sẻ