Biến nhược điểm của con thành ưu điểm

,
Chia sẻ

Có hai cô con gái có tính khí trái ngược nhau, cô chị thì nhút nhát, trong khi cô em lại quá hiếu động.

Vợ chồng chị Hà Minh (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, vợ chồng chị có hai đứa con nhưng tính nết của chúng hoàn toàn trái ngược nhau. Cô chị gái thì nhẹ nhàng, chậm chạp và nhút nhát, cứ đến chỗ nào đông người là bám riết lấy mẹ. Đến lớp thì cháu lầm lỳ, ít nói, thường nhìn các bạn chơi mà không chịu chơi chung. Cháu sống kín đáo, rất dè dặt khi thiết lập các mối quan hệ bạn bè. Cháu làm việc gì tuy hơi chậm nhưng rất cẩn thận, chu đáo, nhất là giữ gìn sách vở, áo quần và các tài sản riêng của mình.

Ngược lại, cô em gái thì rất nhanh nhẹn, hoạt bát, thậm chí có lúc quá hiếu động. Không bao giờ cháu chịu ngồi yên một mình, chơi đồ chơi thì chóng chán. Lúc nào cũng thấy cháu vội vàng, hấp tấp.

"Hai chị em gái chẳng hợp nhau, lúc nào cũng tị nạnh và cãi cọ. Đúng là cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Chúng tôi không biết giáo dục chúng sao cho phù hợp”, chị Minh tâm sự.

Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Rất nhiều bậc phụ huynh có cùng băn khoăn như vợ chồng chị Hà Minh. Bởi tính khí của các con trong gia đình khác nhau ít nhiều chi phối đến sở thích, thái độ của mỗi trẻ. Vì thế, mỗi đứa con cũng cần có cách tác động và giáo dục riêng cho phù hợp. Việc mua sắm áo quần, đồ chơi cho mỗi đứa trẻ cũng cần quan tâm đến điều đó. Không ít trường hợp cha mẹ phải khó xử khi mỗi đứa con phản ứng khác nhau trước những món quà mà người lớn mua cho chúng.

Chị Hà Minh không giấu nỗi băn khoăn: “Mua cho con những thứ giống nhau thì sẽ có đứa không thích. Nhưng chỉ cần khác nhau chút xíu là chúng tị nạnh, so đo. Không phải khi nào cũng có thể mang cả hai đứa đi theo để sắm đồ cho chúng. Chúng tôi còn vấp váp nhiều tình huống khó xử khi dạy dỗ hai đứa. Đứa chị thì muốn nó nhanh nhẹn hơn, còn con em thì mong nó đừng quá hiếu động, mà chưa biết phải làm sao”.

Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, thực tế rất ít gặp những người có kiểu khí chất thuần khiết. Để tiện việc nghiên cứu nuôi dạy con trẻ, bằng cách định hướng vào những đặc điểm cơ bản của chúng. Chúng ta có 4 kiểu khí chất như sau: hoạt bát, nóng nảy, bình thản, ưu tư.

Những bé hiếu động là thuộc khí chất hoạt bát hoặc nóng nảy. Tâm tính của những bé này hay thay đổi thất thường, suy nghĩ thường nông cạn, hời hợt, chóng chán, làm việc thường hấp tấp, vội vàng, không chịu được hoạt động đơn điệu kéo dài. Nhưng chúng có mặt mạnh là ham hiểu biết, linh hoạt, dễ thích ứng với sự thay đổi tình huống, có nghị lực và năng lực sáng tạo với những công việc hứng thú.

Thông thường đó là những bé vui vẻ, cởi mở, khi gặp những điều thất bại hay khó chịu sẽ ảnh hưởng không lâu đến tâm trạng của chúng. Những người này dễ dàng thiết lập quan hệ, nhanh chóng làm quen với người khác. Nếu cha mẹ có biện pháp giáo dục đúng đắn, các trẻ này sẽ có tình cảm tập thể cao, vị tha, có thái độ tích cực với mọi hoạt động.

Những bé chậm chạp, nhút nhát là thuộc khí chất bình thản hoặc ưu tư. Trẻ có khí chất này nhìn bề ngoài có vẻ yếu đuối, hay lo lắng, buồn phiền, hay rụt rè, ít cởi mở, dễ cô đơn... Trong công việc, thường là người cần mẫn, chu đáo, trong quan hệ thì sâu sắc, tế nhị, bền vững.

Đối với các bé có kiểu khí chất này nếu có sự giáo dục đúng đắn thì dễ hình thành những phẩm chất như cần cù, thạo việc, vững vàng. Nhưng trong những hoàn cảnh không thuận lợi, trẻ có thể phát triển những tính xấu đặc trưng như uể oải, tính ì thụ động, đôi khi còn thể hiện thái độ thờ ơ, dửng dưng đối với hoạt động, với cuộc sống, với những người xung quanh và thậm chí đối với cả bản thân mình.

Giải pháp cụ thể:

Đối với trẻ hiếu động (là biểu hiện trội của 2 kiểu khí chất hoạt và nóng), cần giao cho trẻ những công việc sôi nổi, mạnh mẽ, khẩn trương. Nếu có sự kèm cặp, động viên kịp thời trẻ sẽ hoàn thành tốt hơn bạn mong đợi. Còn muốn trẻ sửa tính hiếu động của mình thì cha mẹ nên chọn và cùng trẻ chơi những đồ vật ở trạng thái tĩnh. Những trò chơi như xếp hình, nặn đất sét... sẽ định hướng sự chú ý của bé vào tay và não để hình thành nên sản phẩm.

Nếu được phụ huynh cổ động, khuyến khích, dần dần trẻ sẽ khắc phục được thói hiếu động. Những bé hấp tấp, vội vàng hãy cùng trẻ chơi những trò mang tính chế tác để sửa tính nóng nảy cho trẻ. Khuyến khích trẻ tự sáng tạo đồ chơi từ các vật liệu như giấy, gỗ hoặc vải. Việc tự tay làm các đồ chơi sẽ rèn cho chúng tính tỉ mỉ, chịu khó, kiên trì, bớt vội vã.

Ngược lại, đối với những bé có tính nhút nhát, chậm chạp (là biểu hiện trội của 2 kiểu khí chất trầm và ưu), cha mẹ nên chọn những loại đồ chơi ở trạng thái động, như ô tô, máy bay hoặc các trò chơi cần phải chơi cùng nhóm bạn để giúp bé hòa đồng và linh hoạt hơn. Tạo ra những tình huống giao tiếp, khuyến khích trẻ xử lý tình huống bằng cách mời về nhà nhóm bạn cùng chơi. Đầu tiên là những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn ở cùng xóm, sau đó là những đứa trẻ cùng tuổi, tính nhút nhát của con bạn sẽ vơi đi.

Bạn cũng nên động viên trẻ tham gia các hoạt động, trẻ sẽ mạnh dạn, tự tin hơn. Những bé này rất thích hợp với những công việc đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Có công việc nào mang tính đơn điệu kéo dài như đọc sách, đan len, thêu thùa, may vá... bạn hãy giao cho bé. Chúng sẽ hoàn thành tốt như bạn mong đợi.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý: Mỗi loại khí chất đều có mặt mạnh và mặt hạn chế. Không có kiểu khí chất nào là hoàn toàn tốt hay khí chất nào là hoàn toàn xấu. Vì thế, cha mẹ không nên bận tâm nhiều đến việc làm sao để chuyển đổi kiểu tính khí này sang kiểu tính khí khác cho con mình. Đó là một việc làm rất khó và không hiệu quả bởi “giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”. Quan trọng ở chỗ tìm ra biện pháp tác động để phát huy mặt mạnh và hạn chế những khuyết điểm của khí chất thuộc về bé.

Bất kì một đứa trẻ nào dù có khí chất hiếu động, nhanh nhẹn hay yếu đuối, nhút nhát cũng đều có thể trở thành người có ích cho xã hội - nếu như đứa trẻ đó được quan tâm giáo dục, rèn luyện đúng đắn và được phân công công việc một cách hợp lý.

Lê Phạm Phương Lan
Giảng viên tâm lý học – Trường ĐH sĩ quan Lục quân 2

Chia sẻ