Bi kịch từ việc thuê người 'giám sát' con

,
Chia sẻ

Bảo mẫu, gia sư, xe ôm… là những hình thức dịch vụ mà các gia đình thiếu thời gian, thừa tiền bạc nhờ đến để “cai quản” con em mình. Từ đây, nhiều bi kịch đã bắt đầu…

Thạc sĩ Đinh Đoàn, Phó giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý - Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng Psyconsul, cho biết có tới trên 90% trẻ phạm tội, hư hỏng là do không có sự quan tâm của gia đình, bố mẹ. Rất nhiều trẻ trong số này xuất thân từ gia đình giàu có. Sự cô đơn, buồn chán, trống rỗng trong nhung lụa đã đẩy trẻ vào con đường tội lỗi.

Sự thực đau lòng

Bỏ nhà ra đi: Bố mẹ H. làm ăn ở Đức, nên em sống cùng ông bà nội. Gần đây, thấy cháu học hành chểnh mảng, có hôm còn ngủ qua đêm ở nhà bạn, ông bà yêu cầu bố mẹ H. có giải pháp. Chọn lựa mãi, cuối cùng họ thuê một người làm nghề xe ôm tin cậy, hằng ngày đưa con đi học và kiêm luôn “vệ sĩ”. Tưởng rằng H. sẽ ngoan hơn, nào ngờ H. phản đối dữ dội, không chịu đi xe, bực tức khi bạn bè phát hiện gọi cô là “công chúa”, có “hoàng tử xe ôm”… rồi H. bỏ nhà ra đi.

Hợp đồng ma quỷ: Tuấn là đứa trẻ thường xuyên trốn học đi chơi điện tử và vi vu với bạn gái… Để giám sát con, bố mẹ thuê cho một anh “gia sư” kèm cặp học thêm, cũng kiêm luôn việc “theo dõi” mọi hoạt động của Tuấn. Tuấn đã khéo an lòng bố mẹ bằng cách tỏ ra ngoan ngoãn, nghe lời… Bố mẹ Tuấn vui và tin tưởng anh gia sư lắm mà không biết rằng giữa họ đã có sự thỏa thuận. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi Tuấn bị công an bắt trong một nhà nghỉ vì hút ma túy…


Người “giám sát” đưa trẻ“vào đời”: Vốn chỉ quen “chát chít” và ăn chơi, sau hai năm trượt đại học, bố mẹ cũng lo được cho Cường vào một trường trung cấp ở Hà Nội. Để cậu quý tử có điều kiện học tập, bố mẹ thuê cho cậu một căn hộ khép kín với đầy đủ tiện nghi và nhờ một ông anh họ là sinh viên đại học năm cuối về ở cùng.

Tuy nói với Cường là “có anh có em cho vui, phòng khi đau yếu trở trời”, nhưng  thực chất ông anh được giao nhiệm vụ “quản lý” Cường và thông báo tình hình của cậu về cho gia đình hằng ngày. Không ngờ Cường “tiến bộ” rõ rệt. Trước cậu mới chỉ mê ăn diện, đi hát karaoke, nay cậu đã sành điệu cả chuyện “trai gái” nữa. Tất cả là “nhờ” ông anh họ.

Trẻ có thể bị trầm cảm hoặc lệch lạc nhân cách

Theo thạc sĩ Đinh Đoàn, khi đã thuê người quản con, chứng tỏ hai thái cực là bố mẹ đã không còn tin tưởng con mình nữa hoặc quá kỳ vọng vào con. Trẻ đặc biệt có nhu cầu về sự quan tâm của bố mẹ. Nhưng nếu quan tâm  quá, sẽ làm trẻ thiếu tự tin và luôn trông chờ vào người khác.

Đối với trẻ, khi bị coi là "cậu ấm", "cô chiêu",  luôn có "bảo mẫu, vệ sĩ" đi kèm, trẻ có thể sẽ có những phản ứng tiêu cực với cha mẹ, người trông coi, bảo vệ. Đây là nguy cơ dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách và cảm xúc, hành vi của trẻ như mất ăn, mất ngủ, học hành sút kém, không vâng lời, chống đối, trốn học và bỏ nhà đi bụi… Lâu dần các hành vi này sẽ làm  trẻ có cái nhìn lệch lạc về các giá trị sống (sự trung thực, lòng tin, sự khoan dung, tôn trọng, hợp tác, lòng yêu thương…) và dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật (trộm cắp vặt, đua xe, cờ bạc, nghiện hút…). Nhiều trẻ đôi khi có những xúc động, phản ứng quá khích, thất vọng về mình và trở nên trầm cảm.

Để giải quyết vấn đề, theo các chuyên gia, cha mẹ cần dành thời gian cho con, yêu thương con, phối hợp với nhà trường để cùng quản lý, dạy đỗ. Người giúp trẻ phải được coi như một đối tác quan trọng, cần có hợp đồng trách nhiệm rõ ràng và phải thường xuyên giám sát, nắm được tiến trình người đó làm việc với con mình như thế nào.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ